Chiều 26-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 39, thảo luận và cho ý kiến về phương án phân bổ, sử dụng nguồn vượt thu và dư, dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2010. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp

Về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách Trung ương năm 2010, theo Tờ trình của Chính phủ, thu ngân sách Nhà nước năm 2010 vượt 21,2% (97. 670 tỉ đồng) so với dự toán, tăng 31. 070 tỉ đồng so với số đã báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 48.584 tỉ đồng, thu ngân sách địa phương vượt 49.086 tỉ đồng và số dư dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2010 là 550 tỉ đồng.

Dự kiến, trong số vượt thu ngân sách Trung ương sẽ dành 8.260 tỉ đồng để giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010; 10.000 tỉ đồng để tăng chi trả nợ; 10.000 tỉ đồng để chuyển nguồn bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011; thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai... Đáng lưu ý, Chính phủ đề nghị dành 1.050 tỉ đồng để mua bổ sung 102.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ nhân dân trong vùng bị thiên tai.

Theo Tờ trình của Chính phủ, phương án này sẽ đáp ứng được một số nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra: giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 từ mức 6,2% GDP dự toán đầu năm xuống còn 5,6% GDP; bảo đảm nguồn trả nợ ngân sách Nhà nước năm 2010; bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011. Đồng thời, phương án này cũng đã bổ sung kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành; hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trọng điểm thu; hỗ trợ các địa phương có khó khăn thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; bổ sung kinh phí đảm bảo an sinh xã hội và một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, việc Chính phủ trình số tăng thu và số dư dự toán chi ngân sách Trung ương là đúng quy trình, thủ tục và quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Báo cáo nhất trí với nhiều nội dung mà Chính phủ trình, song đề nghị dành thêm khoản vượt thu (10.000 tỉ đồng so với 8.260 tỉ đồng theo dự kiến của Chính phủ) để giảm tiếp bội chi nhằm đối phó hiệu quả hơn với tình trạng lạm phát và tiến nhanh hơn tới mục tiêu giảm dần bội chi ngân sách.

Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: việc phân bổ, sử dụng nguồn vượt thu, dư dự toán chi phải góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn lạm phát, hạn chế chi tiêu công; bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng giữa các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với việc bù giảm thu ngân sách địa phương từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương; song cho rằng chỉ nên dành một nửa số kinh phí mà Chính phủ dự kiến để mua thêm gạo dự trữ. Phần còn lại dành để giảm bội chi, hỗ trợ cho lĩnh vực quốc phòng, hỗ trợ các địa phương có khó khăn thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý các công trình đê điều, kè cống bị hư hỏng do lũ bão...

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc thành lập thêm bốn đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, một đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và giao chỉ tiêu biên chế đến năm 2012 cho Kiểm toán Nhà nước, theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đề nghị này của Kiểm toán Nhà nước là phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước; phù hợp với Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 927/2010/Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/4/2010. Tuy nhiên, cần xây dựng và thực hiện lộ trình phù hợp, cân đối với khả năng ngân sách và dự toán đã được phê duyệt đồng thời bảo đảm điều kiện cho các đơn vị mới thành lập này nhanh chóng đi vào hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Đồng thời các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu về vị trí đặt trụ sở các đơn vị kiểm toán khu vực để hoạt động của kiểm toán thuận lợi, phù hợp với các điều kiện tuyển chọn biên chế, điều động luân chuyển cán bộ… Đặc biệt, trong những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước tuy đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động kiểm toán, nhưng việc triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường kiểm toán trong giai đoạn hiện nay.

Do vậy, việc thành lập thêm các đơn vị kiểm toán khu vực, kiểm toán chuyên ngành và tăng thêm biên chế kiểm toán nhằm tạo điều kiện cho kiểm toán thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán hàng năm mà chiến lược kiểm toán đã đề cập, trong đó, phấn đấu đến năm 2015 phải thực hiện được 70-75% và đến năm 2020 là 100% báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước của các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, đồng thời, phải tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và từng bước nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với việc Kiểm toán Nhà nước tuyển dụng thêm 400 chỉ tiêu trong hai năm (năm 2011 và 2012) là phù hợp với chiến lược kiểm toán, bảo đảm đến năm 2015, biên chế của Kiểm toán Nhà nước ở mức 2.600, đáp ứng nhiệm vụ kiểm toán đặt ra.

Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng biên chế cần lưu ý xây dựng và thực hiện quy trình tuyển chọn chặt chẽ theo quy định của pháp luật bảo đảm tuyển chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực thật sự, có chất lượng về chuyên môn đào tạo, có phẩm chất đạo đức, có lòng tin yêu nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu cao của Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn mới. Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý giáo dục cán bộ, định kỳ thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị; các đồng chí được lựa chọn giữ vị trí lãnh đạo các đơn vị kiểm toán khu vực phải là người có trình độ, năng lực, có uy tín, trách nhiệm; tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra của Kiểm toán Nhà nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán./.