Những điểm mới về công tác kiểm tra, giám sát trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng
TCCSĐT - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua Nghị quyết và các văn kiện quan trọng, trong đó có một số điểm mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
1- Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đảng ta khẳng định: kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, phương pháp công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng đã được bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, nhiệm vụ kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng chính thức được "luật hóa" thành một điều (Điều 30) trong Điều lệ Đảng. Đến Đại hội X của Đảng, nhiệm vụ giám sát được Điều lệ Đảng quy định, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên từ lúc còn manh nha. Điều lệ Đảng khóa X và khóa XI quy định tại Điều 30, Điều 32 về chức năng, nhiệm vụ giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp. Điều 30, Điều lệ Đảng khóa XI quy định:" 1. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. 2. Các cấp uỷ đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng".
So với Điều lệ Đảng khóa X, Điều lệ Đảng khóa XI đã bổ sung, sửa đổi một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát như sau:
- Về chức năng, nhiệm vụ giám sát
Điều lệ Đảng khóa XI đã bổ sung từ "giám sát" vào các điều 17, 20, 23 và 24 để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ giám sát của các tổ chức đảng sau:
+ Bổ sung Khoản 2, Điều 17: Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương;
+ Bổ sung Khoản 3, Điều 17: Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng: chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
+ Bổ sung Khoản 3, Điều 20 về nhiệm vụ của ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, quận ủy, thị ủy: Ban thường vụ lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu, nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ cùng cấp và cấp trên;
+ Bổ sung Khoản 5, Điều 23 về nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng;
+ Bổ sung Khoản 2, Điều 24 về nhiệm vụ của chi bộ: kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên.
Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung từ "giám sát" vào các điều trên nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định về chức năng, nhiệm vụ giám sát của cấp ủy, các tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp được quy định tại Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng, là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành và chịu sự giám sát của Đảng. Khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ giám sát.
- Về nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp
Điều lệ Đảng khóa XI bổ sung vào Khoản 2, Điều 32, quy định ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giám sát trong Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp cùng với việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nay thực hiện cả việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ giám sát trong Đảng, góp phần giúp công tác giám sát của các tổ chức đảng và trong toàn Đảng được tiến hành một cách đồng bộ, thường xuyên, có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
- Về chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng
Điều lệ Đảng khóa XI sửa đổi Khoản 3, Điều 42 và Khoản 3, Điều 43: chuyển nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng từ "trực tiếp" thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng sang "lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng" để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các tổ chức đảng này.
2 - Thi hành kỷ luật trong Đảng
Điều lệ Đảng khóa XI giữ nguyên Khoản 1, Điều 36, Điều lệ Đảng khóa X quy định thẩm quyền kỷ luật đảng viên của chi bộ: Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao); đồng thời bổ sung Khoản 2, Điều 36 về thẩm quyền của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương: quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao. Ban thường vụ cấp uỷ: quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.
- Bổ sung Khoản 3, Điều 36 về thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: quyết định khiển trách, cảnh cáo Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
Việc bổ sung thẩm quyền kỷ luật đảng viên như trên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quy định trong Điều lệ Đảng khóa XI; nâng cao trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng của cấp ủy, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; giúp cho việc thi hành kỷ luật đảng viên được bảo đảm tính kịp thời.
3 - Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI và Điều lệ Đảng khóa XI đã thể hiện mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng được tổng kết, bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp theo Điều lệ Đảng khóa XI ít thay đổi so với Điều lệ Đảng khóa X. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giải quyết một số vấn đề bức xúc trong xã hội (suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự kỷ cương); đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp lựa chọn nội dung kiểm tra, giám sát cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của tổ chức mình. Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ.
Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của Chính phủ, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống uỷ ban kiểm tra các cấp.
Như vậy, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng về nội dung công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, Đảng ta đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, đối tượng, nội dung, phương pháp kiểm tra, giám sát cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng./.
Di cư tự do với sự phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên  (27/04/2011)
Công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII  (27/04/2011)
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng tăng 35,7%  (27/04/2011)
Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam  (27/04/2011)
Quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc đang phát triển tốt đẹp  (27/04/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay