Trước thềm Đại lễ Tam hợp Đức Phật (Vesak 2008), ngày 26-3, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề Phật giáo với văn hóa xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gần 20 tham luận được gửi tới hội thảo đề cập đến nhiều góc cạnh của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng cũng như những biến thể của nó do tác động từ những yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị của đất nước.

Các tham luận nhận định, trong suốt 2.000 năm từ khi du nhập đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn hòa nhập vào sức sống của dân tộc qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm, thịnh suy của đất nước. Đặc biệt, sau hơn 20 năm đổi mới, hội nhập và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có Phật giáo ngày càng được bảo đảm và phồn thịnh.

Tham luận của Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định Phật giáo Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để khẳng định vị trí và vai trò của mình trong đời sống xã hội, có nhiều cơ hội để ngày càng phát triển không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, tạo ảnh hưởng và uy tín đối với cộng đồng quốc tế.

Trên đất nước Việt Nam hiện tồn tại hàng ngàn ngôi chùa, trong đó có hàng trăm danh lam cổ tự có giá trị văn hóa nghệ thuật, tạo nên những ảnh hưởng, tác động quan trọng đến nền văn hóa chung, hình thành cơ sở văn hóa Phật giáo, Thượng tọa nêu rõ.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo Nguyễn Hồng Dương đề nghị Nhà nước tăng cường tôn tạo danh lam cổ tự, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chống nạn buôn thần, bán thánh và những việc làm vẩn đục những giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống./.