Ngày 24-5-2008, Quốc hội tiếp tục thảo luận Luật Thi hành án dân sự và nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật quốc tịch (sửa đổi); đồng thời nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi).

Dự án Luật Thi hành án dân sự đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội ngày 23-5-2008 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận với nhiều ý kiến sâu sắc.

Luật Thi hành án dân sự qui định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án, quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định phần tài sản của bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định hình sự bản án, quyết định xử lý các cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài Thương mại; cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên; các quyền và nghĩa vụ của người thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động thi hành án...

Do những hạn chế bất cập của công tác thi hành án dân sự thời gian qua, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc tuyển dụng, bố trí sử dụng, điều động, luân chuyển chấp hành viên, Tờ trình của Chính phủ đã bổ sung quy định mới về ngạch chấp hành viên, bao gồm chấp hành viên: sơ cấp, trung cấp, cao cấp và quy định các điều kiện bổ nhiệm các cấp chấp hành viên. Tờ trình cũng quy định kéo dài thời hạn yêu cầu thi hành án là 5 năm so với 3 năm trước đây.

Vấn đề ngạch, tiêu chuẩn của chấp hành viên, nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với từng ngạch của chấp hành viên trên cơ sở đó mà bổ nhiệm từng chức danh theo yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với hệ thống chức danh tư pháp.

Từ thực tế phức tạp của công tác thi hành án dân sự thời gian qua, nhất là sự chống đối quyết liệt, sự đe dọa tính mạng, sức khỏe từ phía các đương sự đối với chấp hành viên và đã có nhiều trường hợp chấp hành viên, cán bộ thi hành án bị hành hung, bị gây thương tích... nên đa số các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhất trí với các quy định trang bị công cụ hỗ trợ cho các chấp hành viên trong khi thi hành án. Theo các ý kiến này, chỉ có như thế các chấp hành viên mới có thể an toàn, phòng ngừa và tự vệ khi có sự chống đối quyết liệt của các đương sự.

Trong quá trình thảo luận Dự án luật, đa số các đại biểu đều cơ bản thống nhất với Tờ trình Dự án luật và việc ban hành luật này. Dĩ nhiên, trong quá trình thảo luận các khía cạnh cụ thể cũng có những ý kiến khác nhau. Đó là có đại biểu đề nghị Dự án luật cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quản lý án dân sự và trách nhiệm của các ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án dân sự. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong công tác thi hành án đưa đến những bức xúc trong nhân dân thời gian qua là do mô hình tổ chức cơ quan thi hành án ở cơ sở chưa đổi mới, chưa xác định được địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án thuộc toà án hay chính quyền địa phương quản lý? Cũng có ý kiến cho rằng, những hạn chế, bất cập của công tác thi hành án thời gian qua còn do tính chất phức tạp của công việc thi hành án và sự hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế...

Nhiều ý kiến đồng tình với việc thành lập Tổng cục thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, nhưng lại có những ý kiến khác nhau về việc thành lập các cơ quan thi hành án ở các khu vực. Có ý kiến cho rằng, không nên có cơ quan thi hành án khu vực mà chỉ nên có ở cấp tỉnh, huyện, để bộ máy đỡ cồng kềnh; ngược lại, có ý kiến lại cho rằng cần đồng thời phải có cơ quan thi hành án ở khu vực và cả ở các cấp tỉnh, huyện có như thế mới đáp ứng kịp thời nhu cầu phức tạp của công tác thi hành án...

Vấn đề xã hội hóa công tác thi hành án dân sự cũng có nhiều ý kiến khác nhau, trái nhau. Đây là một vấn đề mới ở nước ta, do vậy hầu như các ý kiến đều tỏ rõ sự băn khoăn, lo ngại nếu không kiểm soát tốt việc xã hội hóa công tác này sẽ dẫn đến những tiêu cực khó lường về mặt xã hội.

Cùng với những vấn đề nêu trên, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận về đội ngũ chấp hành viên. Đa số nhất trí rằng, chấp hành viên có 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp, đại học (luật) là đúng và phù hợp với công việc và địa phương cụ thể. Tuy nhiên, để chuẩn hóa đòi hỏi đội ngũ chấp hành viên phải từng bước tiến tới có trình độ đại học (luật). Theo các ý kiến, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các chấp hành viên, dự án Luật cần quy định cụ thể, chính xác, phù hợp với từng cấp, ngạch, tương xứng với chức năng và trình độ của chấp hành viên...

Mặc dù một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung về cơ bản các ý kiến đã nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về Dự án luật Thi hành án dân sự./.