Vài nét về đất nước Ru-an-đa

19:11, ngày 23-05-2008

Nước Cộng hòa Ru-an-đa có diện tích 26.338 km2 với số dân là 8.648.000 người (năm 2006), nằm ở miền Trung châu Phi. Thủ đô là Ki-ba-ki. Phía bắc Ru-an-đa giáp U-gan-đa, đông giáp Tan-da-ni-a, nam giáp Bu-run-đi, tây giáp CHDC Công-gô.

Nước Cộng hoà Ru-an-đa được thành lập ngày 1-7-1962 với thể chế cộng hoà Tổng thống. Tổng thống đầu tiên là Grégoire Kayibanda. Tháng 4-2000, Phó Tổng thống Pôn Ka-ga-mê (Paul Kagame) được Quốc hội và Chính phủ cử làm Tổng thống. Tháng 8-2003, ông được bầu làm Tổng thống theo thể chế bầu cử đa đảng với số phiếu áp đảo. Tình hình chính trị xã hội của Ru-an-đa vài năm trở lại đây tương đối ổn định. Chính quyền hiện nay đang quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi hậu quả của nạn diệt chủng, thực hiện hoà giải dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng và xoá đói giảm nghèo, bệnh tật.

Ru-an-đa có một nền kinh tế tăng trưởng khá ở châu Phi với tốc độ tăng trưởng 5,8% vào năm 2006. Tổng thu nhập quốc nội tính của Ru-an-đa năm 2006 là hơn 13,5 tỉ USD. Ru-an-đa là quốc gia khá giàu tài nguyên thiên nhiên với mỏ thiếc, mỏ vàng. Nông nghiệp chiếm gần 41% trong cơ cấu nền kinh tế của nước này, dịch vụ chiếm gần 38%, công nghiệp chiếm hơn 21%. Ru-an-đa có các mặt hàng xuất khẩu chính là quặng thiếc, cà phê, chè, da. Bạn hàng chính của Ru-an-đa là Liên minh châu Âu, Mỹ, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc và Ma-lai-xi-a. Ru-an-đa phải nhập khẩu các mặt hàng dầu lửa, máy móc và thiết bị, xi măng, vật liệu xây dựng.

Về đối ngoại, Ru-an-đa là thành viên của các tổ chức quốc tế lớn như : Liên hợp quốc, AU, ACCT, FAO, G77, ICAO, IDA, Interpol, NAM, UNCTAD, UNESCO. Ru-an-đa thực hiện chính sách đa dạng hoá quan hệ, trong đó ưu tiên quan hệ với các nước công nghiệp phát triển nhằm tranh thủ vốn và kỹ thuật. Ru-an-đa là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực và là một nền kinh tế có tiếng nói trong khu vực, thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Cộng đồng kinh tế Đông Phi, tích cực tranh thủ các nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới và IMF, tích cực ủng hộ Chương trình Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi (NEPAD).

Việt Nam và Ru-an-đa lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975. Những năm gần đây, quan hệ hai nước đã có một số bước phát triển mới. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Ru-an-đa vào năm 2002. Hiện Đại sứ Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Ru-an-đa. Đại sứ Ru-an-đa tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam. Ru-an-đa bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về giáo dục - đào tạo và phát triển nông nghiệp, nhất là về thủy lợi và trồng lúa nước; mong muốn hợp tác với Việt Nam theo mô hình 2+1 mà Việt Nam đang làm với một số nước châu Phi. Hai nước đã ký Hiệp định khung hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học và công nghệ.

Quan hệ thương mại hai chiều giữa Ru-an-đa và Việt Nam năm 2006 đạt hơn 2,6 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất sang Ru-an-đa hơn 2,5 triệu USD, nhập khẩu từ nước này hơn 100.000 USD./.