Sau 8 ngày làm việc (từ 17 đến 25 tháng 4), phiên họp thứ 8 của Ủy  ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn tất chương trình làm việc. Tại phiên họp này, Ủy ban đã tập trung vào các nội dung:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba. Trên cơ sở Báo cáo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đến nay công tác chuẩn bị mọi mặt cho kỳ họp đã được các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương thực hiện và đảm bảo các yêu cầu đề ra. Các nội dung dự kiến được trình ra kỳ họp đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần lượt cho ý kiến và điều chỉnh cho sát hợp hơn. Công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, an ninh an toàn cho kỳ họp đã sẵn sàng. Thời gian tiến hành kỳ họp thứ ba là 27 ngày; Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp vào sáng ngày 6 tháng 5 và dự kiến bế mạc vào ngày 7 tháng 6 năm 2008.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề trước đó còn có ý kiến khác nhau của 5 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Luật Năng lượng nguyên tử. Đây là những dự án đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai và đã được báo cáo, thảo luận tại phiên họp thứ 5, thứ 6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện văn bản. Đồng thời, hoan nghênh các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các dự thảo Luật. Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất một số nội dung cơ bản, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội xem xét thể hiện chính kiến của mình khi thảo luận.

4. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 5 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp. Đó là các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy. Các dự án Luật này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 7 (tháng 3-2008). Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, các cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao hơn để có thể thông qua đúng tiến độ.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc chuẩn bị 3 dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba. Đó là các dự án: Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

- Về dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi): Luật hiện hành được thông qua năm 1998 đã điều chỉnh tương đối toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quốc tịch Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý để xác định người có quốc tịch Việt Nam, quyết định việc cho nhập, cho thôi quốc tịch Việt Nam; thực hiện chính sách bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài; góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi nhằm xử lý một cách mềm dẻo, hợp lý hơn những vấn đề liên quan đến quốc tịch trong tình hình mới; xây dựng cơ chế, chính sách về quốc tịch phù hợp với thực trạng quan hệ về quốc tịch của nước ta…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh các quy định trong dự thảo cho hợp lý để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này.

- Về dự án Luật Thi hành án dân sự: Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, cho quyết định của Toà án được chấp hành, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; giữ vững ổn định chính trị xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, một số quy định trong Pháp lệnh đã không còn phù hợp và để nâng tầm hiệu lực pháp lý của vấn đề đòi hỏi phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Việc ban hành Luật nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, góp phần củng cố, kiện toàn cơ quan thi hành án; tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động thi hành án dân sự...

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương:

- Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Việc xã hội hóa công tác này là nhằm huy động mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của xã hội và tòan dân tham gia chăm sóc sức khoẻ để ngày càng có đủ điều kiện vật chất, tinh thần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả bước đầu việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp, trong đó có việc thể hiện cụ thể hơn nữa những nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực cho ngành y tế…

- Về kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, lĩnh vực giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Nhằm thúc đẩy công việc này tốt hơn nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Chính phủ và Đoàn giám sát đã có nhiều cố gắng chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu đi; tai nạn giao thông tăng; tình trạng ùn tắc thường xuyên tại các thành phố lớn và một số tuyến giao thông huyết mạch đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả kinh tế - xã hội lâu dài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến phát biểu tại phiên họp, nhanh chóng khắc phục khó khăn, tìm ra giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do tai nạn và ách tắc giao thông gây ra.

- Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương: Sau 5 năm triển khai, việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục được chú trọng; người sau cai nghiện được sinh hoạt trong môi trường văn hoá, thân thiện, đoàn kết, lành mạnh. Số người nghiện mới giảm, người sau cai nghiện có nhiều điều kiện tái hoà nhập cộng đồng, góp phần hạn chế những tác động và hậu quả do lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn xã hội. Thực tế thực hiện Nghị quyết cho thấy quan điểm nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta với những người lầm lạc là đúng đắn nên đã từng bước nâng cao nhận thức và thu hút mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã theo dõi, chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo tổng kết với số liệu phong phú, sinh động. Đặc biệt, qua báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị được chọn làm thí điểm, cho thấy sự cố gắng của lãnh đạo và nhân dân thành phố trong phòng, chống tái nghiện. Đồng thời, một lần nữa khẳng định việc ban hành Nghị quyết là cần thiết.

Tuy nhiên đến nay, Nghị quyết đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất kết thúc việc thực hiện Nghị quyết đúng thời hạn. Đồng thời, đề nghị Ủy ban các vấn đề xã hội thể hiện nội dung này trong Báo cáo giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp tới (tháng 5-2008).

7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn về tình hình giao thông vận tải:

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết hợp với việc nghe báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đã tập trung làm rõ những bất cập trong xây dựng cơ bản, những giải pháp đột phá nhằm giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông; biện pháp và lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chất lượng mũ bảo hiểm; sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải…

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân.

8. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung sau:

- Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam;

- Việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai và mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội;

- Việc bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008./.