TCCS ĐT - Hôm nay, ngày 25-3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ Giảm nghèo thuộc Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tổ chức Hội thảo “Khởi động xây dựng Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều thống nhất rằng, an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm phúc lợi đối với người lao động, gia đình và toàn bộ cộng đồng. Đó là công cụ quan trọng để xoá đói, giảm nghèo; bảo đảm sự đoàn kết và chia sẻ của cộng đồng đối với các rủi ro trong đời sống, xã hội và thị trường lao động, thúc đẩy sự đồng thuận, bình đẳng và công bằng xã hội.

An sinh xã hội có nội dung rất rộng và ngày càng được hoàn thiện trong quá trình phát triển của nhận thức và thực tiễn xã hội trên toàn thế giới. Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của hệ thống an sinh xã hội và thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi người dân cải thiện điều kiện sống, vượt qua các rủi ro, hòa nhập cộng đồng.
 
Hệ thống an sinh xã hội đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong suốt hàng thập kỷ qua, thể hiện ở mức độ cải thiện các chỉ số HDI, tỷ lệ nghèo đói, tỷ lệ nhập học, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ thất nghiệp…

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, điểm mạnh của hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong thời gian qua là: các chính sách an sinh xã hội đã hỗ trợ đắc lực cho những người nghèo, người yếu thế và các đối tượng khác khi gặp rủi ro, chịu tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng được mở rộng về phạm vi, đối tượng và chính sách hỗ trợ.

Chính sách an sinh xã hội của Việt Nam dựa trên ba trụ cột chính:

Một là, chính sách thị trường lao động tích cực, được coi như một chiến lược phòng ngừa rủi ro, giúp cho người dân có việc làm, thu nhập, có nguồn lực cần thiết để đối phó một cách tốt nhất với rủi ro, hạn chế rủi ro và tự bảo vệ mình trước rủi ro.

Hai là, chính sách bảo hiểm xã hội, được coi như một chiến lược giảm thiểu thiệt hại do rủi ro. Nội dung này có sự tham gia và quản lý của Nhà nước, sự đóng góp của người dân và sự tương trợ, chia sẻ trong cộng đồng cũng như trong những người tham gia.

Thứ ba, chính sách trợ giúp xã hội, được coi như một chiến lược đối phó rủi ro, hướng trực tiếp vào những thành viên xã hội gặp rủi ro hoặc gián tiếp chịu hậu quả của rủi ro, như người thất nghiệp, người thiếu việc làm, người có thu nhập thấp, người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi, người nghèo…

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cho đến nay, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tài chính hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Chiến lược an sinh xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020 là hết sức cần thiết. Chiến lược an sinh xã hội là một bộ phận cấu thành của Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Để đảm bảo tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội, phải có sự phân định trách nhiệm tài chính rõ ràng: phần đóng góp, các khoản thuế và các khoản trợ cấp.

Các khoản trợ cấp chỉ nên được thực hiện khi xác định rõ ràng mục đích và các nhóm đối tượng thụ hưởng, cũng như giới hạn về thời gian và chi phí đối với từng chương trình trợ cấp cụ thể.

Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những tham khảo hữu ích trong việc soạn thảo chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam./.