Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, được đánh dấu bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng là kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Với chiến thắng vẻ vang này, nhân dân ta đã hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị, nô dịch của các đế quốc to, hoàn toàn thoát khỏi họa đất nước bị chia cắt, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội; đưa vị thế của nước ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới trên thế giới.

Hơn ba mươi ba mùa xuân đã trôi qua, kể từ thời khắc lịch sử trọng đại đó (30-4-1975), hôm nay nhìn lại càng thấy thấm thía, soi vào thực tiễn đất nước càng thấy cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

1. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân

Thuật ngữ bảo vệ Tổ quốc đã được sử dụng ngay khi Pháp gây hấn ở Nam bộ năm 1946, Bác Hồ đã kêu gọi: Tổ quốc lâm nguy, chúng ta phải đứng cả dậy, Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng cả dậy bảo vệ Tổ quốc .

Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn luôn có quan điểm đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốcTrong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong thời gian dài cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, bảo vệ Tổ quốc vẫn chủ yếu gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bằng các phương thức đấu tranh quân sự- vũ trang là chính. Do đó, trong xã hội dần hình thành nhận thức: lực lượng vũ trang mà trực tiếp là quân đội - Bộ Quốc phòng là chủ thể bảo vệ Tổ quốc .

Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đã làm cho nhận thức của chúng ta về nội dung của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có sự phát triển đáng kể. Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX và Văn kiện Đại hội X Đảng ta đã khẳng định: Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Luận điểm trên đã chỉ rõ vai trò chủ thể trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc với cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đó là nhận thức mới về cơ chế bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

2. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; hệ thống chính trị-xã hội xã hội chủ nghĩa; lợi ích quốc gia, dân tộc là đối tượng và phạm vi bảo vệ của chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Từ tổng kết thực tiễn, nhất là hơn 20 năm đổi mới, tư duy về bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã có một bước chuyển quan trọng, Đảng ta khẳng định: " Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan điểm trên của Đảng ta đã nêu bật những vấn đề cốt lõi của chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: là bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với tính cách một quốc gia có chủ quyền, với một cộng đồng dân tộc có nền văn hoá lâu đời được quốc tế công nhận, là thành viên của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác; là bảo vệ Tổ quốc hội chủ nghĩa với tính cách một quan hệ chính trị, một thể chế chính trị- xã hội- xã hội chủ nghĩa được Bác Hồ và toàn dân lựa chọn và là một xã hội phù hợp sự phát triển khách quan của tiến trình lịch sử; là bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với tính cách một quốc gia đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đang chuyển đổi và đang chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập dân tộc. Cả ba mặt nêu trên tạo thành một chỉnh thể thống nhất vừa phản ánh tính vĩnh hằng của Tổ quốc xét về mặt tự nhiên đất nước, con người; vừa phản ánh tính xã hội- chính trị trong tiến trình phát triển lịch sử. Làm cho thuật ngữ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được nhận thức và trình bày một cách khoa học, hoàn chỉnh, có thể coi đây là một trong những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.

3. Sức mạnh tổng hợp là nguồn lực to lớn để bảo vệ Tổ quốc

Về nội dung của sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta khẳng định: Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại.

Phát huy sức mạnh tổng hợp là bài học kinh nghiệm truyền thống của dân tộc ta, đã được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và ngày nay đã trở thành những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về việc xác định những nội dung của sức mạnh bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩ: Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của nguồn lực nội sinh, của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam; của cả hệ thống chính trị, xã hội- xã hội chủ nghĩa, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; của tiềm lực và thế trận quốc phòng và an ninh; của sự kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng và an ninh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đất nước. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại. Với quan điểm toàn diện và sâu sắc về sức mạnh tổng hợp trên đây của Đảng ta, mở ra khả năng rộng lớn, khai thác triệt để các nguồn lực bao gồm cả nguồn lực vật chất và tinh thần, cả nguồn lực hiện có và tiềm tàng, cả nguồn lực kết tinh của quá khứ và nguồn lực mới của tương lai cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4. Gắn kết hai nhiệm vụ chiến lược là một trong những quan điểm cơ bản của chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Trong Nghị quyết Trung ương 8 khoá IX và Văn kiện Đại hội X, Đảng ta đã khẳng định kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng và an ninh là một nội dung của đường lối kinh tế, là một trong năm quan điểm phát triển kinh tế-xã hội và là một trong những nguồn lực của sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là một bước tiến quan trọng, là kết quả hoạt động thực tiễn, tìm tòi, phát hiện và vận dụng quy luật của Đảng ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những luận điểm về kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng và an ninh được nêu trên là dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Việc xác định mục tiêu kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng và an ninh cũng được điều chỉnh cho phù hợp, trước hết là nhằm khai thác, sử dụng nguồn lực tổng hợp của quốc gia có hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu đan xen và gắn kết với nhau rất cao tăng cường quốc phòng - an ninh đã trở thành một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Về phương thức kết hợp Đảng ta đã xác định phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phối hợp hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại. Đến Đại hội X của Đảng lại nhấn mạnh: phải kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước. Đây cũng là phương thức phản ánh quan điểm về sức mạnh tổng hợp trong việc kết hợp mọi nguồn lực cho sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế khách quan, Đảng ta đã thể hiện quan điểm khai thác sức mạnh thời đại, tận dụng tối đa nguồn lực bên ngoài nhằm tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong quan hệ đối ngoại, nhất là quan hệ kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài chúng ta không chỉ có thách thức mà còn có thời cơ thực hiện chiến lược "đan xen lợi ích" với các nước có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5. Đảng lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng - an ninh - bảo vệ tổ quốc theo nguyên tắc tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt

Lần đầu tiên trong văn kiện của mình, Đảng ta xác định nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng-an ninh. Nếu như trước đây nguyên tắc lãnh đạo nói trên chỉ được áp dụng đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân thì ngày nay, Đảng ta mở rộng phạm vi áp dụng nguyên tắc nói trên đối với toàn bộ các lực lượng vũ trang và với cả sự nghiệp quốc phòng-an ninh của đất nước. Tư duy mới nói trên của Đảng là kết quả của sự tổng kết lý luận và thực tiễn của quá trình lãnh đạo toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong hơn 20 năm đổi mới.

Xuất phát từ luận điểm cho rằng sự nghiệp quốc phòng - an ninh là bộ phận trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nội dung, phạm vi của quốc phòng - an ninh ngày nay đang có xu hướng mở rộng hơn so với quan niệm trước đây. Với chức năng bảo vệ tổ quốc, quốc phòng - an ninh ngày càng thâm nhập sâu vào các lĩnh vực khác nhau trong quá trình xây dựng đất nước tạo nên những phạm trù mới phản ánh sự đan kết trong các lĩnh vực hoạt động đa dạng của đời sống xã hội như an ninh kinh tế, an ninh văn hoá, an ninh môi trường, an ninh tài chính, an ninh lương thực, an ninh thông tin... Do đó, trong xây dựng đã chứa đựng yếu tố bảo vệ, các công trình xây dựng không chỉ là đối tượng bảo vệ của quốc phòng - an ninh mà còn là điều kiện, phương tiện bảo vệ của quốc phòng - an ninh thông qua chiến lược đan xen lợi ích với các nước trong quan hệ kinh tế đối ngoại; quốc phòng - an ninh vững mạnh sẽ trở thành nhân tố góp phần quan trọng bảo đảm cho đất nước phát triển ổn định, nhanh và bền vững.

Để giữ vững và phát huy thành quả cách mạng, tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chúng ta có thể và cần phải quan tâm hơn đến một số giải pháp:

Một là, cụ thể hoá việc mở rộng phạm vi áp dụng nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với các lực lượng quốc phòng - an ninh - bảo vệ tổ quốc, nhất là nội dung của nguyên tắc lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, an ninh nhân dân, phòng thủ dân sự.

Hai là, nâng cao năng lực và phong cách lãnh đạo của các tổ chức Đảng và đảng viên (trước hết là cán bộ chỉ huy) đối với công tác quốc phòng - an ninh thông qua đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ đảng, cán bộ chỉ huy nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Ba là, tăng cường hiệu lực tham mưu của các cơ quan tham mưu về lãnh đạo và chỉ huy công tác quốc phòng - an ninh, đổi mới công tác nghiên cứu dự báo chiến lược “không để bị động, bất ngờ” như Đại hội X của Đảng đã xác định.

Bốn là, chuẩn bị tốt cả tinh thần và lực lượng để tham gia gìn giữ hoà bình quốc tế như tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao nước ta .