Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
TCCS - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30-10 đến 1-11-2022. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận hai nước, khu vực và quốc tế, góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới.
Bối cảnh và ý nghĩa chuyến thăm
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc, với việc thông qua các văn kiện quan trọng. Đại hội đã tổng kết tình hình đất nước Trung Quốc trong thời gian qua, đề ra các định hướng quan trọng không chỉ đối với nhiệm kỳ 5 năm sắp tới, mà còn cả giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI.
Đại hội XX tiếp tục khẳng định Trung Quốc đã bước vào thời đại mới, với nhiều thành tựu nổi bật và những đổi thay to lớn trong vòng 10 năm qua, nhất là việc Trung Quốc đã giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, hoàn thành mục tiêu phấn đấu “100 năm lần thứ nhất” vào đúng dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ngày 1-7-2021); khẳng định lộ trình phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu “100 năm lần thứ hai” vào dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Trung Quốc (ngày 1-10-2049), với hai dấu mốc quan trọng là xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện vào năm 2035 và xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào năm 2049; nhấn mạnh yêu cầu “hai xác lập”, bao gồm: 1- Xác lập vai trò hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng; 2- Xác lập vai trò chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; lần đầu tiên đưa ra khái niệm “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” như là phương thức để thực hiện phục hưng dân tộc, hướng tới thịnh vượng chung cho toàn thể người dân; khẳng định xây dựng nền ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, kiên định chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, trong đó dành ưu tiên cao cho quan hệ với láng giềng.
Có thể thấy, sau hơn 40 năm cải cách, mở cửa, nhất là sau 10 năm bước vào giai đoạn mới, Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, giữ vững vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang chuyển sang phát triển chất lượng cao, bền vững, góp phần nâng cao vị thế và sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh chiến lược toàn diện với Mỹ, sức ép tăng trưởng chậm lại, cùng các vấn đề xã hội như già hóa dân số, thất nghiệp, suy giảm thị trường nhà ở... Do vậy, đối với Trung Quốc, giai đoạn hiện nay được coi là thời điểm bản lề, chuyển từ việc hoàn thành mục tiêu phấn đấu “100 năm lần thứ nhất”, sang bắt tay thực hiện mục tiêu “100 năm lần thứ hai”.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Hai bên duy trì trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước với nhiều hình thức linh hoạt. Sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước đã có các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến nhằm đưa ra những định hướng lớn quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh. Hợp tác và giao lưu trên các kênh của Đảng, trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng hợp tác giữa các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước vẫn tiếp tục được duy trì đều đặn.
Hợp tác kinh tế, thương mại phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mai hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 132,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới đạt 1,5 tỷ USD; lũy kế đến tháng 9-2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 22,438 tỷ USD.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với sự khác biệt trong chính sách phòng, chống dịch bệnh của hai bên, nên trong gần ba năm qua, các cuộc trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao theo hình thức trực tiếp bị hạn chế; việc đi lại, giao lưu giữa doanh nghiệp và người dân hai nước gặp nhiều khó khăn; vấn đề thông quan hàng hóa ở cửa khẩu biên giới hai nước còn chưa thông suốt; các chuyến bay thương mại chưa được khôi phục như bình thường; hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - du lịch cũng chịu tác động nặng nề nên kết quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực chưa được như mong muốn.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Trung Quốc lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên. Đối với Việt Nam, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII của Đảng và là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nước ta tới Trung Quốc kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19. Đối với Trung Quốc, đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc sau gần ba năm bùng phát đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các quốc gia trên thế giới, chuyến thăm đã góp phần tăng cường lòng tin chính trị giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực và đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới.
Kết quả chuyến thăm và triển vọng hợp tác
Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra trong thời gian ba ngày, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Phía Trung Quốc đã dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình. Lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh đó là các cuộc hội đàm giữa hai Tổng Bí thư; hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Uông Dương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Huân chương Hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là sự ghi nhận và vinh danh cao quý nhất của Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai Tổng Bí thư đã cùng tham dự tiệc trà - một nghi thức lễ tân đặc biệt - thể hiện sự gần gũi, thân tình, ấm áp và hữu nghị. Đáng chú ý, buổi tiệc chiêu đãi lần này tại Đại lễ đường Nhân dân có sự tham dự của đầy đủ các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới, điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Sau chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Các văn kiện song phương và tuyên bố chung đều thể hiện rõ nét những kết quả thiết thực đạt được trong chuyến thăm lần này, mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
Một là, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai bên, nhất là giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Thông qua việc liên tục cập nhật, thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay. Trên cơ sở những nhận thức chung đó, hai bên xác định cần tăng cường trao đổi chiến lược, tin cậy chính trị, kiên trì bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nắm chắc phương hướng phát triển đúng đắn của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; đi sâu hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy hài hòa lợi ích giữa hai nước, góp phần mang lại hạnh phúc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát huy truyền thống hữu nghị, tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là kết nối các cuộc gặp gỡ nhằm gia tăng hiểu biết và gắn kết tình cảm giữa thế hệ trẻ; xử lý thỏa đáng bất đồng liên quan trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, giữ gìn cục diện quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, tạo môi trường tốt đẹp cho sự phát triển của hai nước; tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế, chung tay ứng phó các thách thức mang tính khu vực và toàn cầu, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, thúc đẩy cùng phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai là, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi trên tất cả các cấp và các kênh khác nhau. Trong đó, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng cần duy trì trao đổi thường xuyên nhằm định hướng và dẫn dắt quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển đúng hướng. Bên cạnh đó, duy trì sự trao đổi trên các kênh còn đóng vai trò định hướng chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước; phát huy vai trò định hướng chính trị của hợp tác kênh Đảng đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; phát huy tốt vai trò chỉ đạo, điều phối tổng thể của các cơ chế gặp gỡ cấp cao hai Đảng và vai trò điều phối, thúc đẩy của cơ quan đối ngoại hai Đảng. Trong đó, hợp tác kênh Đảng tập trung vào một số nội dung, như đào tạo cán bộ, tổ chức hội thảo lý luận, giao lưu, học hỏi lẫn nhau về lý luận và kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai bên cũng nhất trí khuyến khích giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với Chính phủ, Nhân đại toàn quốc Trung Quốc và giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; phát huy tốt vai trò của cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, quy hoạch tổng thể và thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực như đối ngoại, quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật.
Ba là, đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực cụ thể góp phần kết nối chiến lược phát triển hai nước, như kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, con đường”, triển khai hợp tác nâng cao năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, thương mại điện tử, mở cửa thị trường, duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu với tiền đề bảo đảm công tác phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực như hợp tác nghề cá, hợp tác về khoa học - công nghệ, y tế và phòng, chống dịch bệnh; hợp tác về khí tượng, thủy văn; hợp tác phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số…
Đáng chú ý, hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, thúc đẩy nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao giữa hai nước. Trong đó, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng tiêu thụ các sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao của Việt Nam thông qua các hoạt động xúc tiến tiêu dùng bằng thương mại điện tử; tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho khoai lang, các loại hoa quả có múi, tổ yến và một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho sữa của Trung Quốc.
Bốn là, nhất trí về việc tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, triển khai công tác giáo dục về tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tới mọi người dân nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong đó, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc; tổ chức tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị, giao lưu văn hóa, như Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc, Diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan nhân dân biên giới, khuyến khích các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh, khu vực giáp biên giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi; tăng cường sự trao đổi, giao lưu báo chí, truyền thông và phóng viên hai nước nhằm gia tăng tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, tạo nền tảng xã hội và không khí dư luận tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Phía Trung Quốc ủng hộ Việt Nam thành lập Trung tâm Văn hóa tại Trung Quốc; đồng thời, tuyên bố trong 5 năm tới cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và không dưới 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc, giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng nhân tài chất lượng cao và giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận và nhất trí về tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ quốc tế và khu vực, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, ủng hộ lẫn nhau trong một số sáng kiến và cơ chế liên quan...
Có thể thấy, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đến Trung Quốc sau gần ba năm đại dịch COVID-19 bùng phát đã đạt được những kết quả toàn diện, từ các định hướng chiến lược đối với sự phát triển của quan hệ song phương, đến các thỏa thuận, dự án hợp tác thiết thực, cụ thể trên từng lĩnh vực, góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XX, bước đầu nới lỏng một số biện pháp phòng dịch theo chính sách “Zero COVID-19 linh hoạt” cho phù hợp tình hình mới, với những nhận thức chung và thỏa thuận đạt được, chuyến thăm đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác sâu rộng, hiệu quả và toàn diện giữa các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp hai nước./.
Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 13 văn kiện song phương, 1- Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; 2- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; 3- Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2022 - 2027 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc; 4- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; 5- Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực sinh thái và môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Sinh thái và Môi trường nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; 6- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng Việt Nam - Trung Quốc; 7- Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2023 - 2027; 8- Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về xây dựng lĩnh vực hợp tác ưu tiên; 9- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc; 10- Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; 11- Bản ghi nhớ Hợp tác giữa Thành phố Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thành phố Bắc Kinh, Thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; 12- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; 13- Bản ghi nhớ về tăng cường giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Lễ trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Huân chương Hữu nghị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (31/10/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay