TCCS - Ngày 29-5-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La_Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Tỉnh ủy Sơn La tại buổi làm việc cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song được sự quan tâm của Trung ương, Sơn La đã triển khai quyết liệt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ…

Tỉnh Sơn La đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương một số vấn đề, như: Cho phép đầu tư theo hình thức đầu tư công và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La là cơ quản chủ quản thực hiện đầu tư đoạn tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; cho phép đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản là sân bay lưỡng dụng theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án; nghiên cứu, xem xét đề xuất mở rộng, nâng công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La từ 2.400 MW lên 3.200 MW; cho phép tỉnh Sơn La được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng; các đề xuất liên quan xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La; cho phép tỉnh Sơn La được bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án thu hút đầu tư được kịp thời.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cũng như những khó khăn, hạn chế và kết quả mà tỉnh Sơn La đã đạt được; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Sơn La.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Sơn La là tỉnh có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh; đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội, như có tiềm năng lớn về đất đai, khoáng sản; tiềm năng phát triển được nhiều ngành kinh tế lớn như chế biến lâm sản, sản xuất giấy, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp năng lượng, chế biến khoáng sản; có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch về nguồn, văn hóa, ẩm thực...

Trong năm qua, tỉnh đã triển khai rất tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La đạt nhiều kết quả nổi bật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại mà Sơn La cần tập trung khắc phục, như hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế; sự phát triển của tỉnh chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển còn thấp; còn mâu thuẫn giữa tiềm năng và cơ chế, chính sách; năng lực cạnh tranh chưa đạt hiệu quả; đời sống của một bộ phần đồng bào còn khó khăn; thu nhập bình quân đầu người còn thấp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Sơn La tổng kết thực tiễn, rút ra bài học để thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, tự tin, mạnh mẽ vươn lên; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm và phân bổ nguồn lực; khen thưởng, kỷ luật kịp thời; phát huy dân chủ, tạo sức mạnh tổng hợp...

Thủ tướng yêu cầu Sơn La nghiên cứu, tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; phát triển nhanh, nhưng phải bền vững; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; khai thác tối đa yếu tố con người, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, phát triển du lịch; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp... Tỉnh cần thúc đẩy công tác quy hoạch để xác định đúng định hướng, có tầm nhìn chiến lược, làm tốt công tác quy hoạch để nhận diện và phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, tạo ra động lực mới để phát triển, đưa Sơn La phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành một động lực tăng trưởng của khu vực Tây Bắc.

Quang cảnh buổi làm việc_Ảnh: TTXVN

Tỉnh cần rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công - tư; quản lý chặt chẽ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sớm nâng hạng các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, chính sách xã hội, quyết tâm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, các di sản, di tích. Tập trung đầu tư giáo dục, y tế. Đặt con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Tỉnh muốn phát nhanh phải dựa trên sự tiến bộ mạnh mẽ về con người, nhất là đồng bào dân tộc.

Tỉnh phải thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống ma túy. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó có quan hệ, hợp tác với với các địa phương của Lào, góp phần xây dựng biên giới hữu nghị, hòa bình, phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Sơn La tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, dân vận, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Về các đề xuất, kiến nghị của địa phương, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành và qua kết quả các cuộc kiểm tra, khảo sát tại các công trình, dự án liên quan, Thủ tướng Chính phủ phân tích, cho ý kiến đối với từng vấn đề./.

Trung Duy (tổng hợp)