TCCS - Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, nghiêm túc, ngày 23-2-2021, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 53, hoàn thành chương trình đề ra, đồng thời bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong suốt phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp _ Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngay sau tết Nguyên đán, hoàn thành đầy đủ các nội dung chương trình theo đúng tiến độ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, thường trực các ủy ban của Quốc hội căn cứ kết luật phiên họp để hoàn thiện các hồ sơ, báo cáo để trình ký ban hành cũng như để trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo dự kiến không đầy 3 tuần nữa sẽ diễn ra Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Thời gian không còn nhiều để chuẩn bị cho các nội dung cho phiên họp cũng như Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội vào cuối tháng 3-2021, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan chủ động chuẩn bị các báo cáo và các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp; đồng thời nhấn mạnh các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp phải được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và phong phú để trình Quốc hội.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tổ chức thực hiện phiên họp, kỳ họp bảo đảm đúng tinh thần phòng,chống dịch bệnh.

Tại Phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội _ Ảnh: vietnamplus.vn

Phát biểu kết luận nội dung về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, nghiêm túc gồm 4 phần: Về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ; kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2021; những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là kết quả của nhiệm kỳ mà Chính phủ có nhiều đổi mới, sáng tạo, năng động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ ngay từ đầu nhiệm kỳ, được thể hiện ở tất cả các khía cạnh về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, văn hóa - xã hội, đối ngoại, cải cách thể chế…

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong báo cáo của Chính phủ bổ sung thêm phần công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là khi phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh; những biện pháp bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới trên biển, trên đất liền; gắn với biện pháp trong nghị quyết về giám sát của Quốc hội; làm nổi bật hơn thành tựu hoạt động đối ngoại của Nhà nước, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, nhất là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các diễn đàn APEC, ASEAN…; làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan Quốc hội, các cơ quan bộ, ngang bộ và giữa Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện chức năng của mình để thực hiện các nhiệm vụ chung. Trong phần bài học kinh nghiệm, cần bám sát vào cách xử lý, chủ động nắm tình hình, bám sát quy định của pháp luật và quy trình. Đây là cơ sở để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24-3-2021, bế mạc vào ngày 7-4-2021 và dự phòng 1 ngày (8-4-2021). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo tổng kết của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, các cơ quan tư pháp và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự kiến nội dung và chương trình Kỳ họp. Nhiều ý kiến cho rằng, Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian cho công tác kiện toàn một số chức danh của bộ máy nhà nước, vì vậy đề nghị chuyển nội dung cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón sang nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Về thời gian biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chuyển lên đầu kỳ họp thay vì cuối kỳ họp như trong dự kiến chương trình nhằm bảo đảm đủ thời gian tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, một số đại biểu cho rằng, theo quy định trước và sau mỗi kỳ họp đều tổ chức tiếp xúc cử tri. Riêng năm nay có 3 kỳ họp, theo thông lệ sẽ không tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11. Bởi nội dung cho công tác xây dựng pháp luật ít, trong khi đó kỳ họp chủ yếu dành thời gian tổng kết nhiệm kỳ và kiện toàn một số chức danh của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, tùy từng đoàn đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế có thể linh hoạt tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nếu thấy cần thiết.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV. Qua thảo luận, các ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về dự kiến chương trình kỳ họp, trong đó bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Chính phủ chuyển Quốc hội Khóa XV xem xét.

Đối với công tác giám sát hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia nên có báo cáo trình bày trước Quốc hội sau gần 1 năm hoạt động, nêu rõ những công việc đã triển khai, là cơ sở để Hội đồng Bầu cử quốc gia bàn giao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa nội dung Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lên chiều 24-3-2021 để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có đủ thời gian chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và biểu quyết thông qua. Đồng thời, bổ sung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp. Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo tổng kết của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Ủy ban Thường vụ thống nhất khai mạc Kỳ họp thứ 11 vào ngày 24-3-2021. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước. Vì đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, do vậy cần tăng cường công tác thông tin, truyên truyền; những phiên họp quan trọng sẽ tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, theo quy định trước và sau mỗi kỳ họp sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri nhưng theo thông lệ, Kỳ họp 11 sẽ không tổ chức. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể các đoàn đại biểu Quốc hội có thể linh hoạt tổ chức để báo cáo, tổng kết hoạt động tới cử tri.

Như vậy, Kỳ họp 11 Quốc hội Khóa XIV rất quan trọng, chuẩn bị chuyển giao công tác nhân sự, tập trung cao cho kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIV. Tại kỳ họp 11, Quốc hội cũng sẽ thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của: Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, trưởng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ công việc thực tế từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cần chuẩn bị chu đáo để khi bàn giao, bảo đảm công việc được tiếp nối, không có sự gián đoạn./.

Thùy Linh (tổng hợp)