Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực sự dân chủ, đúng pháp luật và đạt kết quả cao nhất
TCCS - Ngày 21-1-2021, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Dự hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Từ 63 điểm cầu các địa phương, có sự tham gia của thường trực tỉnh ủy, thành ủy; hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các sở, ban, ngành; đại diện huyện ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp huyện của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cả nước ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng - sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên vừa qua đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, đánh giá sâu sắc những thành tựu, kết quả nổi bật của Việt Nam trong suốt 14 nhiệm kỳ vừa qua, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cùng với sự kiện Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử lần này là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra các đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử để đạt kết quả cao nhất và thật sự trở thành ngày hội của toàn dân. Trong quá trình này, cần chú trọng quán triệt thật tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội XIII của Đảng đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh, nhất là trong công tác cán bộ, chọn những cán bộ xứng đáng để nhân dân bầu ra được những người thật sự xứng đáng, có đức, tài, trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030... “Nói như thế để càng thấy rõ rằng ý nghĩa rất quan trọng của cuộc bầu cử lần này, chúng ta phải chuẩn bị tiến hành làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết, chọn được những đại biểu thật sự xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phổ biến Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trương Hòa Bình giới thiệu Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia Phạm Minh Chính giới thiệu những điểm mới trong Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20-1-2021, về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc giới thiệu kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và giới thiệu thêm về bầu cử.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Hội nghị đã truyền đạt đầy đủ tinh thần, nội dung cơ bản của các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành liên quan đến công tác bầu cử. Kết quả hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng và các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác bầu cử, về vai trò, vị trí của các cơ quan dân cử và trách nhiệm của người đại biểu dân cử để nhân dân lựa chọn cho nhiệm kỳ sắp tới.
Qua đây cũng đề cao và phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành tốt nhất các hoạt động tổ chức cuộc bầu cử nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cùng với Đại hội XIII của Đảng, kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng cho biết, ngay sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để xem xét, thông qua các nội dung công việc thuộc thẩm quyền để thông báo về địa phương. Sau đó sẽ tiến hành việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử, lập và công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh và bảo đảm an ninh trật tự, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử để cuộc bầu cử bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực sự dân chủ, đúng pháp luật, lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Chủ tịch nước  (22/01/2021)
Bế mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  (17/01/2021)
Điện mừng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa XI  (15/01/2021)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên  (07/01/2021)
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2021 tăng 6,5%  (29/12/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm