Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020
TCCS - Ngày 11-12-2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; lãnh đạo các bộ, ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại ngày 24-12-2019, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 ra mắt tại chính Hội trường này và cũng tại đây, ngày 7-1-2020, nhân Lễ khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng đã đề nghị Năm ASEAN 2020 phải: Thực chất về nội dung; chu đáo, trọng thị về lễ tân, hậu cần và bảo đảm tốt về an ninh, an toàn. Cùng với đó là yêu cầu phải có Tuyên bố Chủ tịch, Tuyên bố Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, con tàu ASEAN 2020 đã phải đi qua vùng biển động dữ dội, đó là đại dịch COVID-19, cùng thương mại, kinh tế toàn cầu, cạnh tranh địa chiến lược quốc tế diễn ra gay gắt tại khu vực… Song, Việt Nam đã chèo lái vững vàng con thuyền ASEAN vượt qua mọi khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, đến hôm nay nhìn lại, chúng ta cùng tự hào tuyên bố Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất. Đó là thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế. Một thang bậc mới về uy tín của Việt Nam sau Năm ASEAN 2020. Trong thắng lợi chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta càng thêm tự hào về thành công của Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN - AIPA 41 và của Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8. Tất cả thể hiện hình ảnh một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh với người dân là trung tâm.
Những thành công trong năm qua, vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam, ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao, là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, đặc biệt là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương. Thành công của ASEAN đã mang lại những bài học kinh nghiệm quý trong huy động sức mạnh tập thể không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở tầm quốc tế trong ứng phó với những thách thức chung của nhân loại.
Với những gì đạt được trong năm 2020, Thủ tướng cho rằng, tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét. Một lần nữa, dấu ấn của Việt Nam được ghi đậm trong quá trình hơn 50 năm phát triển của ASEAN, từ chủ đề rất đúng và trúng là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, tới cách đề xuất những ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cho đến phương thức chuẩn bị, chủ trì điều hành các hội nghị, soạn thảo các văn kiện và công tác tuyên truyền, quảng bá.
Những nỗ lực và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 được các nước ASEAN và các đối tác ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta. Từ đó, nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên nhiều bài học quý báu.
Thứ nhất, sự chỉ đạo tổng thể, thống nhất và theo dõi sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các hoạt động đối ngoại quốc gia trong năm nay. Năm ASEAN vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Lễ khai mạc Cấp cao ASEAN 37, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có phát biểu tại Phiên cấp cao ASEAN về tăng quyền năng của phụ nữ…
Thứ hai, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đóng góp cho thành công năm Chủ tịch ASEAN. Nổi bật là phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội trong thành công AIPA-41, ASEAN 2020.
Thứ ba, phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là luôn vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song hết sức linh hoạt về sách lược - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biến “nguy” thành “cơ” thông qua cách làm sáng tạo, cùng với sự chân thành, thực tâm, chính trực, luôn vì lợi ích và trách nhiệm chung.
Thứ tư, bài học về việc chủ động, tích cực và sớm bắt tay chuẩn bị toàn diện, chuyên nghiệp, chu đáo cả về nội dung, lễ tân - hậu cần, an ninh, truyền thông… cho các hoạt động đối ngoại lớn.
Thứ năm, bài học về tầm quan trọng của ngoại giao đa phương nói chung, cũng như vai trò của ASEAN nói riêng, trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương và song phương, tranh thủ hiệu quả các sự kiện đa phương để làm sâu sắc quan hệ song phương, huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Thứ sáu, sự kết hợp hài hoà giữa đối nội và đối ngoại. Thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 có nền tảng rất lớn từ thành công của Việt Nam thực hiện "nhiệm vụ kép" trong trạng thái bình thường mới vừa phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, chăm lo đời sống người dân.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và biểu dương toàn thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các ban, bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương đến địa phương cùng các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các cơ quan truyền thông, báo chí và người dân cả nước đã đồng lòng, nỗ lực đóng góp vào thành công chung của Năm Chủ tịch ASEAN 2020./.
Trung Duy (tổng hợp)
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng, bảo vệ Tổ quốc  (10/12/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76  (07/12/2020)
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020  (04/12/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển