Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao
TCCS - Ngày 17-11-2020, Quốc hội kết thúc Kỳ họp thứ 10. Kỳ họp diễn ra trong 18 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp.
Quốc hội đã thông qua 7 luật: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua 13 nghị quyết: Nghị quyết về tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc; Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Ngoài ra, Quốc hội cho ý kiến về 4 dự án luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về kinh tế - xã hội và ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đây là những thành tích rất đáng trân trọng, tự hào, là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo thế và lực mới để đất nước vững bước vào giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, phân tích sâu sắc những thuận lợi, thời cơ, cũng như những khó khăn, tồn tại, các vị đại biểu Quốc hội đã đề xuất những kiến nghị, giải pháp quan trọng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Quốc hội cũng đã cho ý kiến bước đầu về dự kiến các mục tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch tài chính, đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành đã chủ động phát biểu, kịp thời báo cáo, giải trình các nội dung cần thiết, cung cấp góc nhìn toàn diện, cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan về các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng và thông qua với tỷ lệ tán thành cao, cũng như tập trung cho ý kiến về những vấn đề quan trọng để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau. Những luật, nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong nhiều lĩnh vực.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị, nông thôn, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
Qua thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng, Quốc hội cho rằng, năm 2020, công tác của ngành tòa án và kiểm sát, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được những kết quả quan trọng; đồng thời, đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trên cơ sở đó, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan các giải pháp, biện pháp thiết thực, khả thi nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, góp phần tích cực vào phát triển đất nước.
Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã giám sát một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Trên cơ sở nắm chắc vấn đề, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn; người trả lời chất vấn đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, không né tránh, vòng vo. Trong tranh luận, có các lập luận sắc sảo, chặt chẽ, thuyết phục, mang tính xây dựng, sự chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan hành pháp, tư pháp và cùng trao đổi về định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra. Tuy diễn ra trong 2,5 ngày, nhưng số lượt hỏi - đáp và tranh luận đã tăng lên đáng kể. Qua phiên chất vấn cho thấy, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực đã được chất vấn, giám sát, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, nhất là có giải pháp khắc phục đối với những vấn đề chưa đạt yêu cầu.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA). Năm 2020, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp năm Chủ tịch AIPA với điểm nhấn quan trọng là sự thành công của Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức trực tuyến, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của bạn bè và các đối tác trong khu vực. Kết quả này cùng với việc thực hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN đã góp phần củng cố và nâng tầm vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại khác tiếp tục được duy trì thực hiện trong thời gian diễn ra kỳ họp, trong đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã tiếp đón trọng thể Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-Seug dẫn đầu sang thăm chính thức nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng; một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN.
Quốc hội đã thảo luận, góp ý các dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao và cho rằng các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học với cách làm dân chủ, cầu thị, với nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện, chất lượng, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và đề xuất các kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Quốc hội đã tiến hành công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận rất cao; đồng thời, đã quyết định ngày chủ nhật 23-5-2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phát biểu tại lễ bế mạc Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bước sang năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới. Đây là năm tổ chức Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, dự báo, nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, có chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch, tạo nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới; đồng thời, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Trước mắt, tiếp tục quan tâm, ủng hộ, chia sẻ, chung tay giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão, lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh./.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu  (16/11/2020)
Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN: Quyết tâm duy trì sự đoàn kết, hợp tác, liên kết khu vực bền chặt  (13/11/2020)
Thúc đẩy mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước  (06/11/2020)
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới  (03/11/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam