Tín dụng chính sách xã hội - một trong những trụ cột quan trọng của giảm nghèo bền vững
TCCS - Ngày 15-7-2020, tại Hà Nội và 63 đầu cầu trên toàn quốc, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường Trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc Hội; Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Hoan, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Dương Quốc Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng các đồng chí lãnh đạo của các ban, ngành ở Trung ương và các địa phương, hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế, gần 10.000 đại biểu tại các điểm cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói, giảm nghèo. Trong số các chính sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tổng hợp, đánh giá các công việc mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tham gia quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội; báo cáo tình hình tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Kể từ khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành vào tháng 11-2014, các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, 100% số cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín dụng chính sách xã hội, chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014; nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng; huy động vốn của xã hội đạt hơn 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 25 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng (+69,6%) so với từ khi có chỉ thị, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; gần 346 nghìn lượt học sinh sinh viên được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục học tập, vươn lên trong cuộc sống; hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo công ăn việc làm; 24 nghìn lượt người được vay vốn Ngân hàng này để đi xuất khẩu lao động...
Chính sách tín dụng xã hội thực sự là một trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống còn 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018); 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900 nghìn lao động; góp phần đẩy lùi "tín dụng đen", chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm giãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Tái nghèo luôn có nguy cơ quay lại bởi thiên tai, lũ lụt. Nguồn vốn ngân sách trung ương dành cho giảm nghèo đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực nhưng còn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách. Chính vì vậy, việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội để vừa tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, vừa tập hợp thêm nguồn lực không chỉ của địa phương mà còn của cả doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư đáng giá, chính sách tín dụng xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo; nhờ đó giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua 5 năm thực hiện đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đón bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần ổn định xã hội, trật tự, an toàn xã hội, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới. Tại thời điểm hiện tại, Chỉ thị số 40-CT/TW vẫn còn giữ nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn, vì vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội của đất nước trong thời gian tới. Ban Kinh tế Trung ương cần tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, cùng với kết quả sơ kết để đề xuất, kiến nghị Ban Bí thư ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trong đó cần nghiên cứu, đề xuất, bổ sung những nhiệm vụ, giảp pháp cụ thể, khả thi, nhân rộng cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 22 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho 25 tập thể, cá nhân; 60 bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 60 tổ trưởng tổ tiết kiệm, vay vốn./.
Động lực phát triển từ các phong trào thi đua của Agribank  (14/07/2020)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng lực lượng cốt cán: Những dấu ấn và bài học kinh nghiệm từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  (13/07/2020)
Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020  (05/07/2020)
Tiếp ngọn lửa thi đua, thổi bùng sức mạnh tín dụng chính sách xã hội  (02/07/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển