Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương
TCCS - Ngày 2-7-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2020 xảy ra đại dịch COVID-19, dẫn đến sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.
Không chủ quan nhưng cũng không bi quan
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hơn 2 tháng qua, trong nước không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Đây là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, được dư luận và nhân dân trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, đại dịch đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đặt ra yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay phải phục hồi kinh tế, tăng trưởng, với phương châm tận dụng cơ hội khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh. “Tinh thần là kiên quyết không để dịch COVID-19 quay lại Việt Nam, đồng thời tiến công mạnh mẽ, trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nơi tình hình xấu đi, có sự lan rộng, chưa dự báo được thời điểm kết thúc; trong đó có các đối tác lớn, quan trọng của nước ta.
Cũng do tác động từ dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2020 tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua; 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu giảm, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn...
Song, nền kinh tế cũng có nhiều điểm sáng , như kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Giá thịt lợn tháng 6-2020 giảm; chỉ số công nghiệp tiếp tục phục hồi, đặc biệt là chế biến, chế tạo. Dự báo quý III/2020 tình hình kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn... Nhu cầu tiêu dùng trong nước và du lịch trong nước dần phục hồi, khách nội địa tăng 20% so với cùng kỳ. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm so với cùng kỳ, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trong tháng 6-2020, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới; 6 tháng đầu năm 2020 có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 6-2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, được quốc tế đánh giá cao. Tại hội nghị, Việt Nam tiếp tục nêu rõ, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã phê chuẩn 2 hiệp định quan trọng: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn thế giới bị ảnh hưởng, suy thoái nặng nề, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm ổn định, phục hồi kinh tế - xã hội. Đây là minh chứng cho định hướng đúng, giải pháp quyết liệt, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước. “Chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định tình hình, chỉ đạo, điều hành, không chủ quan nhưng cũng không bi quan. Mỗi khi khó khăn thì dân tộc Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên, "lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Không chỉ phòng thủ mà phải tiến công để phát triển
Mặc dù nền kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tiền tệ, tài chính gia tăng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động bên ngoài và bên trong để có chỉ đạo, điều hành hợp lý, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân, tạo động lực cho phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo hội nghị lần này phải tìm giải pháp tăng trưởng cả đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Sáu tháng đầu năm 2020, Việt Nam đạt tăng trưởng dương, nhưng tốc độ tăng trưởng 1,81% là con số thấp; trong đó có 12 địa phương tăng trưởng âm.
Theo Thủ tướng, tinh thần là “không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển” và cho rằng: “Nếu chỉ ổn định đời sống nhưng tăng trưởng kinh tế không đạt một mức nhất định thì nghèo đói, tệ nạn xã hội sẽ phát sinh”.
Bày tỏ lo ngại về lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công chưa bảo đảm yêu cầu đề ra, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 tăng nhưng mới được hơn 30% kế hoạch; giải ngân vốn ODA rất thấp (10%), Thủ tướng cho rằng nếu giải ngân tốt khoản vốn gần 700 nghìn tỷ đồng sẽ là giải pháp kích cầu ngắn hạn, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương phải có các giải pháp, chế tài cụ thể để giải ngân hết số vốn này. Vừa qua, Quốc hội, Bộ Chính trị đã đồng ý, nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng Chính phủ có quyền điều chuyển từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác.
“Tại sao nhiều ngành, địa phương giải ngân tốt, mà nhiều nơi lại rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có báo cáo về vấn đề này”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trong bối cảnh thị trường thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cầu trong nước giảm, Thủ tướng đề nghị cần có giải pháp để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa. Thời gian qua, nhiều ngành, địa phương đã làm nhưng chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp cụ thể, chi tiết để tận dụng cơ hội phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Một vấn đề khác là giải pháp phát triển một số ngành kinh tế mới, như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, bất động sản,... “Những nội dung này địa phương nào chỉ đạo tốt sẽ không chỉ bảo đảm ổn định kinh tế, đời sống mà còn có cơ hội rất lớn để phát triển”, Thủ tướng nói.
Về thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn đầu tư tư nhân, FDI, Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, đổi mới trong khó khăn; hoan nghênh một số địa phương, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... có chương trình thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò, quyết tâm của các địa phương, nhất là những khu vực kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay, trong đó cần tập trung tìm các giải pháp đổi mới kinh doanh, sản xuất, đẩy mạnh kinh tế chia sẻ, thanh toán thương mại điện tử... và khôi phục một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn./.
Thanh Hải (tổng hợp)
Phát triển thương mại, thị trường góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi  (02/07/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”  (28/06/2020)
Tiếp tục đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay  (26/06/2020)
Chuẩn bị, tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương, đồng thời bảo vệ đại hội đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp  (23/06/2020)
Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV, năm 2019  (22/06/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển