Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống dịch viêm đường hô hấp cấp quyết liệt nhưng không hoang mang, dao động, không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội
TCCS - Ngày 5-2-2020, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1 - phiên họp đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh vừa kết thúc Tết Nguyên đán Canh Tý và cả nước đang triển khai đợt cao điểm phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả công tác phục vụ Tết của các cấp, các ngành, bảo đảm cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, trước Tết, một lượng hàng hóa dồi dào đã được chuẩn bị tốt phục vụ nhân dân. Các đối tượng chính sách, người nghèo, vùng thiên tai được chăm lo. Công tác quản lý vĩ mô tốt, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động lớn. Lĩnh vực văn hóa được thể hiện phong phú với nhiều chương trình Tết đa dạng, đặc sắc của các đài truyền hình, cơ quan báo chí. An ninh, trật tự trên địa bàn cả nước cơ bản được bảo đảm tốt, việc ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP được nhân dân đồng tình, hoan nghênh. Ngay sáng Mồng 1 Tết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra thiệt hại do mưa đá tại các tỉnh phía Bắc. Đánh giá về công tác chuẩn bị trên, Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta đã lo một cái tết chu đáo cho người dân với trách nhiệm cao nhất của Chính phủ và các cấp, các ngành”.
“Chống dịch như chống giặc”
Về vấn đề dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia; chủ động triển khai các biện pháp toàn diện, mạnh mẽ với các giải pháp cụ thể để phòng, chống, kiểm soát dịch và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng nhắc lại chủ trương có thể hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và cho biết, đến nay, mặc dù Việt Nam là nước có giao thương lớn, có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng đã ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện tại, Việt Nam đã phát hiện 10 ca nhiễm bệnh, trong đó đã chữa khỏi 3 trường hợp và chưa có trường hợp nào bị ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là sự cố gắng rất lớn của hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân triển khai các ý kiến chỉ đạo, chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu cũng cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm bảo đảm tăng trưởng và phòng, chống dịch hiệu quả để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Thủ tướng phân tích, dịch bệnh nCoV ảnh hưởng mạnh đến phát triển kinh tế tại Việt Nam và các nước trên thế giới, nhất là trong các lĩnh vực hàng không, nông nghiệp, chứng khoán, du lịch, xuất khẩu. Cùng với đó, thời gian nghỉ Tết dài, dẫn đến giảm tăng trưởng trong Quý I-2020 và trước hết là tháng 1 bị ảnh hưởng rất lớn. Theo ước tính có thể giảm GDP Quý I ở mức 1%.
Trước bối cảnh những khó khăn xuất hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu 2020, Thủ tướng nhấn mạnh “không đặt vấn đề giảm tăng trưởng, chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng trưởng đối với năm 2020”. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ với những biện pháp tìm thị trường mới, tái cơ cấu sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Một số ngành khác cũng triển khai những biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống vi rút nCoV thì chúng ta cũng phải thành lập những đội phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp lại sự giảm sút về kinh tế”. Chính vì vậy để thích nghi với điều kiện phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là về kinh tế, Thủ tướng yêu cầu cần đặt ra mục tiêu “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Đây cũng là yêu cầu mới đặt ra trong tình hình hiện nay.
Phản ứng nhanh về kinh tế để 'biến bại thành thắng'
Thủ tướng mong muốn, các bộ, ngành đưa ra những giải pháp cụ thể, phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu; khắc phục cho được những khuyết điểm, hạn chế đặt ra, như giải ngân vốn đầu tư công, chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu ngành hàng không, triển khai các công trình xây dựng cơ bản, cơ cấu lại phát triển ngành du lịch…
Nhắc lại yêu cầu: “Chống dịch quyết liệt nhưng không được hoang mang dao động, cần bình tâm, không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đề nghị các bộ, ngành xác định trước những khó khăn, thách thức; đưa ra các kịch bản, các phương án phù hợp. Bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cần có những giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.
Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình xấu để kích động tâm lý, ảnh hưởng đến phát triển.
Cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và thực hiện rất tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an với tư cách Ủy viên không thường trực trong tháng 1 vừa qua.
Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch nCoV; nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tác động của dịch nCoV; nghe và cho ý kiến đối với các báo cáo về đề nghị xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động, đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Biên phòng Việt Nam, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Chính phủ đã tập trung thảo luận giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1-2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1-2020). Trong đó, nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán. Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.
Mới bước vào năm 2020, nhưng đất nước chúng ta đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi chưa xử lý dứt điểm; dịch nCoV diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế thống nhất với các tỉnh có cửa khẩu để triển khai kế hoạch đồng bộ, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai... Các bộ có liên quan phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để cơ cấu lại ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến phát triển.
Ban chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo các địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang phù hợp ở nơi công cộng. Tăng cường tiêu độc, khử trùng nơi đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư. Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch; không được chủ quan, lơ là.
Hệ thống hành chính cả nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện nhiệm vụ 2020.
Công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính cần tiếp tục được chú trọng, coi là trọng tâm của năm 2020. Các chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở bước phát triển kinh tế-xã hội thì phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.
Theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Thủ tướng nhấn mạnh, không tăng giá điện, dịch vụ công. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh đầu tư công. Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng. Sớm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP.
Cùng với đó, cần cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc  (02/02/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư đánh giá kết quả tổ chức Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và xem xét, quyết định về công tác cán bộ  (01/02/2020)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết Canh Tý 2020  (25/01/2020)
Vinh danh 57 tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019  (16/01/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển