Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc
TCCS - Ngày 1-2-2020, tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Tháp đã long trọng tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020).
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12-2-1950 - 12-2-2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Dự buổi Lễ còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Vào ngày 12-2-1950, tỉnh Vĩnh Yên sáp nhập với tỉnh Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Kể từ thời điểm đó, nhân dân hai tỉnh đã kề vai sát cánh đoàn kết một lòng xây dựng quê hương và tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và đóng góp cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, tỉnh Vĩnh Phúc mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã đề ra chủ trương về khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sự đóng góp quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để hơn 20 năm sau, ngày 5-4-1988, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp hiện nay. Phát huy truyền thống, tiếp nối ý chí sáng tạo, sự quyết tâm của các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng rất đáng tự hào.
Tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới tầm nhìn, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư. Quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng lên 60,5 lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,5 triệu đồng, gấp 47 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh và là một trong năm tỉnh thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Vĩnh Phúc là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu giữ nhiều minh chứng về sự có mặt của người Việt cổ ngay từ buổi bình minh lịch sử. Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi về tên gọi mới, tỉnh luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thủ tướng khẳng định, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ trương sản xuất nông nghiệp của Đảng Bộ tỉnh Vĩnh Phúc, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, vào những năm 60 của thế kỷ XX đã tạo tiền đề rất quan trọng về lý luận và thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu đề ra đường lối đổi mới đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau hơn 20 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Vĩnh Phúc trở thành một điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội; là một số ít các địa phương có tổng thu ngân sách nội địa cao nhất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại; công tác quy hoạch được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều khu công nghiệp mới được đầu tư xây dựng. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, khoa học - công nghệ được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Thủ tướng cho rằng, những thành tựu quan trọng này không những giúp tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả trong năm qua, mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là minh chứng sống động cho đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu và giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, nhất là các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tỉnh cũng cần tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là cần tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Cùng với đó là chú trọng phát triển và thực hiện các quy hoạch về kinh tế, xã hội, nhất là quy hoạch phát triển đô thị; phấn đấu đưa thành phố Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Là tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ tốt hơn nữa môi trường sống của nhân dân; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm và thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng; tiếp tục giảm nghèo bền vững.
Tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc giáo dục; trong đó, chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, trình độ, năng lực; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Vĩnh Phúc cần làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tiếp công dân; chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng của nhân dân, dư luận xã hội; làm tốt công tác dân vận không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, kịp thời giải quyết bức xúc của người dân ngay từ cơ sở để không phát sinh điểm nóng. Vĩnh Phúc cũng cần thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thường xuyên chăm lo, tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng để lan tỏa sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng tin tưởng, với bề dày lịch sử vẻ vang và truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chung sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có và phồn vinh nhất miền Bắc nước ta. Nhân dịp lên thăm Vĩnh Phúc, sáng cùng ngày, tại thành phố Vĩnh Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Canh Tý 2020 của tỉnh.
*Tại tỉnh Quảng Ninh, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức gặp mặt các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, đảng viên lão thành đại diện cho các thế hệ đảng viên trên địa bàn tỉnh.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong nhiều tháng qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động, thi đua lập thành tích trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình là tổ chức Cuộc thi tìm hiểu "90 năm - Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam"; phát động và tổ chức Cuộc thi báo chí viết về xây dựng Đảng và tham gia hưởng ứng giải Búa liềm vàng; phát động và tổ chức Giải báo chí "Quảng Ninh - Hành trình đột phá và vươn cao"; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm sách, báo, ảnh, gắn biển các công trình chào mừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (thành lập ngày 23-2-1930) chỉ chưa đầy ba tuần sau Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (ngày 3-2-1930), Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định đây là bước ngoặt quan trọng, sự chuyển biến về chất của phong trào yêu nước và phong trào công nhân sôi động ở Quảng Ninh, đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh đã bắt kịp với trào lưu cách mạng chung của đất nước.
Trải qua 90 năm đi theo Đảng, các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh luôn một lòng kề vai, sát cánh, siết chặt đội ngũ, chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ tỉnh trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Quân và dân tỉnh Quảng Ninh phát huy truyền thống "kỷ luật, đồng tâm" vừa chiến đấu, vừa lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng cả nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đến nay, Quảng Ninh được biết đến là một trong những trung tâm phát triển, trung tâm du lịch quốc tế với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản; văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn luôn được chăm lo, bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới. Quảng Ninh đang là tỉnh duy nhất trong cả nước có bốn thành phố và tỷ lệ dân số đô thị đến nay đạt 64%, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương; là tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, đi đầu với những mô hình mới đột phá thành công đã mở ra những thời cơ và vận hội mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng, đất nước... Điều này có ý nghĩa rất to lớn, đã góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
* Tại tỉnh Đồng Tháp, Tỉnh ủy Đồng Tháp long trọng tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dự buổi họp mặt có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, bí thư đảng ủy các xã, phường, thị trấn.
Đồng Tháp từ chỗ chỉ có vài đảng viên, trải qua bao năm chiến tranh và những giai đoạn thăng trầm, đến nay, Đảng bộ tỉnh có hơn 60 nghìn đảng viên. Đảng bộ Đồng Tháp qua các thời kỳ đã lãnh đạo nhân dân khai phá thành công vùng Đồng Tháp Mười hoang hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, tôn trọng nhân dân, gắn bó với người dân, phát huy vai trò làm chủ của người dân trên bước đường phát triển.
Trong diễn văn mở đầu buổi họp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng. Từ ngày thành lập, Đảng luôn là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Hòa vào dòng chảy lịch sử đó, trong những ngày đầu thành lập, Đồng Tháp là một trong những "cái nôi" ra đời các tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên với Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng được thành lập tại Hòa An (Cao Lãnh), Phong Hòa (Lai Vung). Biên niên sử hào hùng của Đảng bộ đã thấm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả dòng máu đỏ của bao lớp cán bộ, đảng viên trung kiên qua các thời kỳ. Mỗi cột mốc lịch sử được dựng lên bằng ý chí kiên cường, bằng tình yêu quê hương nồng cháy, bằng tinh thần dấn thân không ngừng nghỉ cho quê hương Đồng Tháp được thanh bình và thịnh vượng.
Năm 2020 là thời khắc quan trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó, đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị mỗi đảng viên phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng hơn nữa, đồng thời trở thành một tuyên truyền viên tích cực, là cầu nối để Đảng gần dân, cùng hòa thành một thể thống nhất với "Ý Đảng - lòng dân". Hơn lúc nào hết, yếu tố "Nhân hòa" - người dân sống chan hòa, gia đình thuận hòa, xóm làng hài hòa, tổ chức đoàn kết, xã hội hòa hợp phải được thẩm thấu từ trong Đảng bộ ra ngoài xã hội.
Đồng Tháp là tỉnh liên tiếp 11 năm nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cả nước. Tỉnh đã có nhiều mô hình mới, như: Cơ cấu lại nền nông nghiệp, hội quán, cà phê doanh nhân, chương trình khởi nghiệp, chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phát triển du lịch và nhiều sáng kiến khác được Trung ương đánh giá cao, người dân đồng thuận xen lẫn tự hào.
Phát huy những thành tựu to lớn đạt được, thời gian tới, Đảng bộ Đồng Tháp tiếp tục tạo dựng niềm tin trong xã hội, nối kết các thành phần trong xã hội, làm lan tỏa lòng yêu quê hương xứ sở, góp phần giữ vững ổn định chính trị; dựa vào dân, trân trọng trí tuệ của người dân, sáng kiến trong các cộng đồng để tạo ra sức mạnh xã hội xây dựng quê hương, đất nước. Nối kết với các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư bên ngoài, người Đồng Tháp xa xứ để bổ sung tầm nhìn, tư duy, kiến thức, thông tin, giúp địa phương nhanh chóng tiếp cận cái mới, bổ sung điều hay cho công tác chỉ đạo, điều hành. Tích cực xây dựng hình ảnh "Đảng là đạo đức, là văn minh", xây dựng văn hoá công sở trong mọi hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết văn hoá lãnh đạo của người đứng đầu. Từng cấp uỷ, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên phải hành động để tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng Huy hiệu Đảng cho 203 đồng chí, trong đó có 12 đồng chí nhận Huy hiệu 55, 60 và 70 năm tuổi Đảng và trao thưởng Giải “Búa liềm Vàng” tỉnh Đồng Tháp năm 2019. Trước đó, các đại biểu tham dự họp mặt đã đến dâng hoa, thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Đảng Cộng sản Việt Nam - Chín mươi năm kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin  (25/01/2020)
Vinh danh 57 tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019  (16/01/2020)
Bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương - qua thực tiễn ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (14/01/2020)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay