Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" ra đời cách đây đã 60 năm, nhưng những vấn đề về: phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; tính đảng, năng lực, tác phong công tác của đảng viên; cán bộ và công tác cán bộ; vấn đề xây dựng Đảng trong thời kỳ mới... được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập sâu sắc trong tác phẩm này luôn là kim chỉ nam cho sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên trong suốt sáu thập kỷ qua. Càng tiến sâu vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn về lý luận và giá trị thực tiễn của những tư tưởng của Người.

"Sửa đổi lối làm việc" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong 10-1947. Sự ra đời tác phẩm này vào thời điểm chính quyền mới được thành lập, còn non trẻ đang bề bộn "trăm công nghìn việc", vừa phải đối phó với các loại thù trong, giặc ngoài, tiến hành kháng chiến chống xâm lược; vừa phải quản lý, tổ chức xây dựng xã hội mới, càng cho thấy mối quan tâm to lớn của Người về việc xây dựng "lối làm việc" mới, khoa học, lối làm việc của người cách mạng khi đã có chính quyền nhà nước. Những vấn đề về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên; về tính đảng, năng lực, tác phong công tác của đảng viên; về cán bộ và công tác cán bộ; vấn đề xây dựng Đảng trong thời kỳ mới... được Người đề cập sâu sắc trong tác phẩm này, là kim chỉ nam, là chỉ dẫn cụ thể cho sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên trong suốt sáu thập kỷ qua. Càng tiến sâu vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn về lý luận và giá trị thực tiễn của những tư tưởng của Người.

1. Một trong những vấn đề mà Hồ Chí Minh mong mỏi và dành sự quan tâm của mình đối với cán bộ, đảng viên là vấn đề lý luận, học tập lý luận; bởi vì "không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"[1]. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự cần thiết của việc học tập lý luận đối với cán bộ, đảng viên khi đã có chính quyền nhà nước. Người cho rằng "Đảng ta đã hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân giành lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang"[2] nhưng bước vào thời kỳ mới, cán bộ, đảng viên còn mắc "nhiều khuyết điểm". Theo Người, nguyên nhân của các khuyết điểm ấy có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là do sự yếu kém, hạn chế về lý luận của cán bộ, đảng viên.

Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng; người cách mạng không thể làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ tiên phong, người lãnh đạo, dẫn dắt phong trào nếu như không được vũ trang bởi lý luận tiên phong. Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển luận điểm mác-xít lê-ni-nít ấy vào thực tiễn cách mạng Việt Nam ở giai đoạn cán bộ, đảng viên đã là người có chức có quyền, nhân dân lao động đã là người làm chủ xã hội. Cán bộ, đảng viên không biết lý luận, kém lý luận thì "không biết xem cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo" mọi công việc, do đó "kết quả thường thất bại”.

Chỉ sau hai năm tiến hành tổ chức, xây dựng xã hội mới, những cán bộ, đảng viên đã từng đi tiên phong, lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đã sớm bộc lộ những hạn chế về mặt lý luận trước yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới. Cách mạng càng phát triển, yêu cầu ngày càng cao, thì sự kém lý luận ở cán bộ, đảng viên càng trở nên nguy hại. Sự "thất bại" do thiếu lý luận mà Hồ Chí Minh nói đến, không cân đong, đo đếm được, nhưng nguy hại khó lường, có thể dẫn đến mất "phương hướng", lạc hướng. Cán bộ ở cương vị càng cao mà thiếu lý luận thì mức độ nguy hại càng lớn. Từ đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết cán bộ, đảng viên phải học tập lý luận, "nghiên cứu thêm lý luận", và Người chỉ rõ đây là yêu cầu để họ trở thành "người cán bộ hoàn toàn".

Theo Người, người biết lý luận không phải chỉ có biết lý thuyết mà phải biết vận dụng vào thực tiễn công tác, không chỉ ở nhận thức, mà còn biểu hiện ở tác phong công tác, "lối làm việc" khoa học, có lý luận; kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông là những "cái bệnh" của cán bộ, đảng viên, cần phải sửa chữa.

Kém lý luận là bệnh thuộc về trình độ nhận thức, thiếu sự học tập lý luận. Cán bộ, đảng viên kém lý luận thì trình độ nhận thức không đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng, do đó, bị lạc hậu so với sự phát triển. Có thể ở giai đoạn trước, họ không phải là người kém lý luận, nhưng họ thiếu khả năng thích ứng với tình hình, lại ngại học tập nên họ bị "tụt hậu" về lý luận. Có thể ngay khi tham gia cách mạng, khi đã là cán bộ, đảng viên, họ vẫn là người kém lý luận so với sự phát triển chung của phong trào. Những cán bộ, đảng viên này làm việc chủ yếu bằng nhiệt tình cách mạng, nếu được hướng dẫn, tổ chức chu đáo có thể họ hoàn thành tốt nhiệm vụ này hay nhiệm vụ khác mà cách mạng giao cho. Ở họ thiếu tính khoa học trong công tác; khi gặp khó khăn, trở ngại thì theo Hồ Chí Minh, họ "lúng túng" không biết nên làm thế nào cho đúng. Thậm chí, do kém lý luận, có thể họ không phân biệt được một cách rõ ràng đâu là việc cần làm, đâu là việc nên tránh, đâu là đúng, đâu là sai trong một số trường hợp cụ thể. Hồ Chí Minh cho rằng, những cán bộ, đảng viên kém lý luận vừa không biết lý luận, vừa không biết áp dụng lý luận vào thực tiễn; hành động theo cảm tính, "ý mình nghĩ thế nào thì làm thế ấy" không dựa trên cơ sở khách quan. Ý nghĩ ấy có thể đúng, có thể chưa thật đúng, cũng có thể sai, nhưng bản thân họ cứ tưởng là đúng. Lòng nhiệt tình cách mạng của họ được dẫn dắt bởi cái "tưởng là đúng" ấy, theo Hồ Chí Minh, "kết quả thường thất bại". Sự thất bại đó nằm ngoài ý muốn của họ, mà do sự non kém về mặt lý luận; vì thế, Hồ Chí Minh chỉ rõ căn bệnh này trong cán bộ, đảng viên, cần phải sửa.

Khinh lý luận là căn bệnh thường diễn ra ở những cán bộ, đảng viên làm được việc, có thực tiễn, nhiều kinh nghiệm. Hồ Chí Minh đã nêu lên một cách rất xác đáng: "Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi"[3]. Người chỉ rõ, có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như “một mắt sáng, một mắt mờ”. Những cán bộ, đảng viên như thế mà không kịp thời học tập nâng cao trình độ lý luận thì sẽ bị thực tiễn cách mạng vượt qua, cái "mắt mờ" không thể dẫn họ tiến xa được. Tuy họ "rất quý báu cho Đảng", nhưng họ vẫn xem thường lý luận, không chịu học tập lý luận, thì sẽ đến lúc các chất "rất quý báu" ấy ở họ lại trở thành vật cản chính trên con đường phát triển của bản thân họ. Vì vậy, để cho hai mắt đều sáng, thì những cán bộ, đảng viên này "cần phải nghiên cứu thêm lý luận".

Lý luận suông là "lý luận... không áp dụng vào thực tế... dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách"[4]. Theo Người, những cán bộ, đảng viên này "xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây". Như một "cái hòm đựng sách", họ tưởng mình là người hiểu biết nhiều, là trí thức, nên họ "thiếu khiêm tốn", "kiêu ngạo". Đối với họ, có lý luận không phải để vận dụng vào thực tiễn, mà là như vật trang sức, cốt để làm oai "loè thiên hạ". Theo Hồ Chí Minh, kiểu có lý luận ấy như "có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên"[5], thì lý luận ấy "cũng vô ích". Người nhấn mạnh, những cán bộ, đảng viên đó muốn trở thành "người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế", "phải gắng học, đồng thời học thì phải hành".

Cả ba căn bệnh trên đều cần phải sửa, nhưng để sửa cho tốt trước hết cần có sự nhận thức đúng đắn về lý luận, và vai trò của lý luận. Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm của mình về lý luận hết sức khoa học nhưng thật dễ hiểu: "Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính"[6]. Học tập lý luận là học tập theo lý luận chân chính ấy. Sự "chân chính" của lý luận vừa được thể hiện trong nội dung lý luận, vừa thể hiện trong phương pháp nghiên cứu, vận dụng lý luận, được phản ánh sâu sắc trong mục đích của lý luận là áp dụng vào thực tiễn cách mạng, thực tiễn cuộc sống, phục vụ con người, phục vụ nhân dân lao động. Sửa chữa ba căn bệnh trên, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên phải dựa trên những tiêu chí ấy.

Theo Hồ Chí Minh, cách sửa chữa tốt nhất là phải học tập. Đương nhiên, đối với mỗi loại bệnh thì cách thức học tập có sự khác nhau. Để sửa chữa cho cán bộ, đảng viên kém lý luận, thì theo Người, biện pháp cơ bản là học tập, nâng cao trình độ; học bằng con đường tổ chức, bằng con đường tự học: tự học trong sách vở, tự học trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, trong cuộc sống, học mọi người, học hỏi nhân dân. Đối với những người mắc bệnh khinh lý luận thì phải vừa học, vừa phải được cải tạo trong thực tiễn; vừa phải sửa đổi thái độ, vừa phải nâng cao trình độ; vừa phải củng cố kinh nghiệm, vừa phải trau dồi tri thức... Còn đối với những người mắc bệnh lý luận suông thì phải cải tạo thái độ của họ, khắc phục bệnh chủ quan, "kiêu ngạo", hợm đời; đồng thời bồi dưỡng cho họ thêm lý luận chân chính, buộc họ "phải ra sức làm các việc thực tế", làm cho lý luận của họ trở nên "có ích".

Tuy mỗi loại bệnh trên có cách sửa chữa khác nhau, nhưng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Học tập, nâng cao trình độ lý luận, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tế; học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; tự học tập, tự rèn luyện, tu dưỡng là chính... là những vấn đề cơ bản, thuộc về nguyên tắc, quy định việc học tập, nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên để sửa chữa các căn bệnh về lý luận.

2. Triết lý sâu xa của tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" chỉ ra rằng, việc học tập lý luận là công việc suốt đời của mọi cán bộ, đảng viên, gắn với thực tiễn cách mạng và phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó ngày nay không những là kim chỉ nam, là phương châm cho việc hoạch định chiến lược đào tạo, xây dựng, sử dụng cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, mà còn là sự chỉ dẫn cụ thể cho hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn của mình.

Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, tại Đại hội X, Đảng ta đặt vấn đề: “Nâng cao trình độ trí tuệ, chất lượng nghiên cứu lý luận của Đảng; tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ mới”[7]. Thực hiện tốt công việc quan trọng này thì Đảng mới có thể hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới. Đó là công việc của bản thân Đảng, của toàn thể cán bộ, đảng viên.

Đảng phải có “một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sỹ tiền phong”[8], lời giáo huấn này của V.I.Lê-nin cần được nhận thức sâu sắc hơn trong tình hình mới. Chúng ta đã có “một lý luận tiền phong”, nhưng điều quan trọng là cần phải nắm chắc, hiểu đúng, hiểu rõ thực chất những vấn đề cơ bản của lý luận ấy, đồng thời biết vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Giá trị và sức sống của “lý luận tiền phong” chính là ở chỗ đó. Vì thế, cần thực hiện tốt yêu cầu cơ bản trong công tác nghiên cứu lý luận mà Đảng ta đã xác định là “Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra”[9].

Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta đang diễn ra trong sự vận động của lịch sử thế giới đương đại với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều vấn đề thực tiễn bức thiết đòi hỏi phải được làm sáng tỏ; nhiều vấn đề lý luận cần được bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Trong khi đó, “Công tác tư tưởng còn nhiều bất cập và thiếu tính thuyết phục, tính chiến đấu. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề lý luận quan trọng trong công cuộc đổi mới”[10]. Muốn “làm sáng tỏ được một số vấn đề lý luận quan trọng của công cuộc đổi mới” thì nhất thiết chúng ta phải nắm chắc hơn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cách mạng và khoa học. Bản chất cách mạng, khoa học đó đòi hỏi các chủ thể nghiên cứu vừa phải đứng vững trên lập trường cách mạng, lập trường của giai cấp công nhân vừa phải thực hiện việc nghiên cứu với một tinh thần và phương pháp khoa học nghiêm túc, đúng đắn. Sự thiếu hụt về năng lực nhận thức và tư duy, sự yếu kém về trình độ sáng tạo ở một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả một số người cán bộ làm công tác lý luận đã dẫn đến tình trạng hời hợt, giản đơn, một chiều, thiên về miêu tả, suy diễn một cách chủ quan về các vấn đề thực tiễn. Bệnh “giáo điều” trong nghiên cứu lý luận, sự “hời hợt”, “đại khái”, không chịu đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản thì sẽ không những không thể có sự hiểu biết lý luận chắc chắn mà còn có thể làm méo mó bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cả trong nhận thức cũng như trong vận dụng vào thực tiễn.

Chúng ta thường hay nói đến sự “thiếu hụt”, sự “hạn chế” của lý luận trong việc luận giải các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, còn một thực tế cần phải bàn đến hiện nay là: sự hiểu biết về lý luận của nhiều cán bộ, đảng viên, của không ít cán bộ nghiên cứu lý luận còn hạn chế; nắm chưa thật chắc, chưa thật sâu, chưa thật rõ thực chất một số nguyên lý, luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Do nắm không chắc, không hiểu rõ thực chất nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà luận giải nội dung thiếu độ sâu, chưa “tới”, chưa “trúng”, chưa phù hợp với thực tiễn. Không nắm chắc lý luận thì không thể làm sáng tỏ được thực tiễn, không thể giải thích được thực tiễn một cách khoa học, cũng không thể làm cho lý luận gắn với thực tiễn một cách tốt nhất, và càng không thể phát triển được lý luận, do đó sức thuyết phục và giá trị của nghiên cứu sẽ không cao. Muốn cho công trình khoa học có sức thuyết phục, giá trị cao thì chủ thể nghiên cứu phải có trình độ lý luận ngang tầm, đáp ứng được yêu cầu, phải thường xuyên đổi mới tư duy, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận của chính mình.

3. Cần coi việc học tập, nghiên cứu lý luận là một nhiệm vụ quan trọng của tất cả đảng viên. Người đảng viên không có lý luận hoặc trình độ lý luận thấp thì không những không thể phát huy đầy đủ tính tiền phong của mình mà còn có thể mắc sai lầm trong hoạt động thực tiễn, thậm chí dẫn đến hậu quả nguy hại cho cách mạng. Ý nghĩa vai trò của “lý luận tiền phong” đối với mọi đảng viên chính là ở chỗ đó. Vì vậy, học tập, tự học tập trong sách vở, trong thực tiễn, trong phong trào cách mạng để nắm chắc và hiểu sâu hơn lý luận, biết vận dụng sáng tạo lý luận trong thực tiễn phải là yêu cầu cơ bản, thường xuyên của mọi đảng viên. Đảng viên giữ vị trí, trọng trách càng lớn thì yêu cầu này càng cao và càng phải được đặt ra cấp bách. Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng trong Đảng, trước hết là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt các cấp”[11].

Phải kiên quyết khắc phục tình trạng xem thường lý luận, “dị ứng” với lý luận, chạy theo mục đích thực dụng trong hoạt động thực tiễn; đồng thời phải khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn, không bám chắc vào thực tiễn cách mạng sôi động của đất nước trong hoạt động lý luận.

Phải kiên quyết khắc phục căn bệnh lười học lý luận trong một số cán bộ, đảng viên. Lười học lý luận, hoặc học lý luận một cách hình thức, mang tính chất “trang trí”, “cốt có chứng chỉ” để thuận lợi cho con đường công danh, thì không thể trở thành cán bộ thực sự có trí tuệ, thực sự có năng lực. Không thể vin cớ do “quá bận rộn”, “quá nhiều việc” mà không chịu học tập, không tự bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như những vấn đề về tình hình thế giới, đất nước, nhiệm vụ cách mạng. Lười học lý luận là một biểu hiện suy thoái, và từ sự suy thoái này dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị không phải là không thể xảy ra. Lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị xem nhẹ, “bị bỏ qua”, thì sẽ tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển trong xã hội những lý thuyết, những quan điểm cơ hội, thực dụng, phi mác-xít.

4. Trong thế kỷ XXI, chúng ta không những phải tiếp tục giải quyết những vấn đề còn lại của thế kỷ tr­ước, mà còn phải giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và hết sức phức tạp. Một loạt vấn đề: chủ nghĩa xã hội và triển vọng phát triển của nó; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trư­ờng định h­ướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hóa kinh tế; phong trào cách mạng thế giới và xu hư­ớng phát triển; bản chất chủ nghĩa t­ư bản hiện đại; “nhân quyền”, “dân chủ ”, chiến tranh và hoà bình... là những vấn đề lớn và phức tạp đặt ra trong điều kiện lịch sử mới, cần có lời giải đáp khoa học với một lập trường cách mạng đúng đắn .

Luận về các vấn đề trên, có không ít những quan điểm khác nhau hoà trong dàn “hợp xư­ớng” tiến công chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hy vọng có thể hạ bệ và thay thế chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ra sức tuyên truyền về cái gọi là “hồi kết thúc”, sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; ra sức phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự tiến công của các thế lực thù địch đối với Đảng ta cùng với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang tạo nên “hợp lực” nhằm làm suy yếu và thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Tình hình đó làm cho cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận vốn đã phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn.

Vì thế, nâng cao trình độ trí tuệ, trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên để đủ sức giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận là vấn đề đặt ra rất cấp thiết và gay gắt hiện nay. Không có trình độ lý luận, nắm không chắc, không vững, không thực chất lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng thì chúng ta không thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này. Có nâng cao trình độ lý luận của đội ngũ cán hộ, đảng viên mới có thể làm cho công tác tư tưởng lý luận thực sự "đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng, làm cho hệ tư tưởng của Ðảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội" như Nghị quyết Trung ương năm khoá X của Đảng đã chỉ rõ.

Để nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, hơn lúc nào hết chúng ta phải quán triệt sâu sắc những tư tưởng của Hồ Chí Minh, vận dụng và thực hiện nghiêm túc việc “Đổi mới nội dung, phương pháp học tập và giảng dạy trong hệ thống trường chính trị, nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của chương trình”[12] theo tinh thần Đại hội X. Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên, chú trọng bồi dưỡng những cán bộ nghiên cứu lý luận giỏi, có trình độ cao; nâng cao tinh thần trách nhiệm và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, cán bộ nghiên cứu trong tự học, tự bồi dưỡng trình độ lý luận của mình; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học; gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn; gắn nghiên cứu lý luận với giảng dạy… phải là những biện pháp cơ bản, cần thực hiện tốt để có thể nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, để có thể tạo ra được đội ngũ cán bộ lý luận xứng tầm.

Ở đây, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác lý luận một cách khoa học, sát thực tế, có bước đi và lộ trình phù hợp là đòi hỏi bức thiết của tình hình. Nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về kinh điển, để nắm chắc hơn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải là một hướng ưu tiên, có tính đột phá trong công tác đào tạo ở các trường Đảng của cả nước, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác lý luận.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb CTQG, H. 2000, tr. 234

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb CTQG, H. 2000, tr. 232

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 234

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 234

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000tr. 235

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 233

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, tr. 131

[8] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mat-xcơ-va, năm 1975, tập 6, tr. 32

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 131

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2006, tr. 48

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, tr. 131

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, tr. 131