Những năm gần đây, các đô thị ở châu Âu đang tiến hành tái cấu trúc và phát triển mạnh mẽ các làng sinh thái, thị trấn xanh, các đơn vị ở sử dụng năng lượng sạch, các làng nông nghiệp chất lượng cao trong các thành phố lớn. Một số thành phố hiện đại của châu Á cũng đang gia tăng nhiều hơn chất nông thôn trong đô thị. Trong đó phải kể đến thành phố Xơ-un của Hàn Quốc và Đài Bắc của lãnh thổ Đài Loan. Không phải vô cớ các thành phố này tìm cách phục hồi hoặc gia tăng những mặt nào đó của nông thôn trong xã hội đô thị hiện đại.
 

Thành phố Hồ Chí Minh _ Ảnh: TL

Thực tế cho thấy, các thành phố lớn có dân số hàng triệu người trở lên cần thiết phải có nông thôn trong đô thị. Phần nông nghiệp, nông thôn trong đô thị chính là phần "mềm" cần thiết trong đô thị có cấu trúc "cứng" cả về tổ chức không gian kiến trúc. Thực tế cho thấy, bản thân thành phố là một cơ cấu cứng với các công trình vật chất rất nặng nề như bê-tông, sắt thép, vật liệu nhân tạo, ken nhau đông đặc. Về tổ chức xã hội, do thành phố là nơi quá đông dân cho nên bất cứ nhà nước nào cũng dành cho đô thị các điều luật rất chặt chẽ. Điều này tạo ra cho các thành phố trật tự, kỷ cương, an ninh, nhưng bên cạnh đó là sức ép thường trực căng thẳng về tâm lý xã hội .

Mặt khác, cuộc sống người dân đô thị bị cuốn hút vào guồng máy sản xuất, bộ máy chức nghiệp với tốc độ cao và cường độ nhanh, căng thẳng thần kinh và sức ép tâm lý xã hội nặng nê. Do vậy, chính cuộc sống tĩnh của nông nghiệp và nông thôn là sự cân bằng cho đời sống tinh thần và tâm linh của thị dân.

Vành đai xanh ngoại thành là tấm áo giáp bảo vệ cho người dân thành phố giảm bớt sự tổn thương do các trung tâm công nghiệp nằm ở phía bên ngoài thành phố gây ra, làm yếu các đợt bão lốc và kiểm soát cũng như làm chậm lại đáng kể một số loại dịch bệnh (nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp) lây lan từ vùng này qua vùng khác nhờ những dải phân cách có mật độ dân số thấp.

Nông thôn trong đô thị cũng chính là môi trường quan hệ xã hội tốt nhất để lưu trữ các giá trị văn hoá truyền thống của một quốc gia, dân tộc, cộng đồng ở chính trong lòng một xã hội hiện đại. Các làng xã trong vùng đô thị là nơi có điều kiện và khả năng lưu giữ phong tục tập quán, lễ hội dân gian, kiến trúc truyền thống, các nghề cổ truyền ở dạng tương đối nguyên thủy. Các thành phố Xơ-un, Ki-ô-tô đã rất thành công về phương diện này.

Phần nông thôn trong đô thị còn có giá trị ở nhiều khía cạnh khác nữa, chẳng hạn về kinh tế (giải quyết một phần lao động nông nghiệp gia tăng hăng năm), văn hóa (tạo ra môi trường cảnh quan đa dạng), an ninh xã hội (làm giảm tội phạm và lệch lạc xã hội), giáo dục (tạo môi trường giáo dục toàn diện cho trẻ em), môi trường tự nhiên (tạo ra các khu vực tiểu khí hậu giúp cân bằng sinh thái).

Những thành phố hiện đại như Xơ-un, Đài Bắc vẫn còn những cánh đồng hoa, cánh đồng cỏ, cánh đồng trồng rau xanh, những làng nghề như làng gốm, làng thủ công mỹ nghệ, làng chế biến thực phẩm truyền thống như kim chi, đậu phụ. Chính những nơi này làm cho cuộc sống đô thị thêm phong phú và mềm mại.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ mới bước vào quá trình tái đô thị hóa khoảng 20 năm, nhưng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Xem xét lại một cách nghiêm túc đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đô thị một cách hoàn chỉnh và dài hạn. Trong khi cả thành phố chỉ chú tâm vào phát triển các quận nội thành, các khu công nghiệp, các ngành nghề dịch vụ và đẩy nhanh đô thị hoá theo chiều rộng, thì phần nông thôn dường như bị lãng quên. Thành phố chưa xác định được đến năm 2025 sẽ còn bao nhiêu phần trăm sô dân làm nông nghiêp; những khu vực nào được quy hoạch dài hạn để làm nông nghiệp, ở những nơi ấy sẽ trồng cây gì, nuôi con gì, và một điều cực kỳ quan trọng là diện mạo kiến trúc văn hoá của nông thôn mới sẽ ra sao, người nông dân mới sẽ sống như thế nào. Chính vì chưa xác định rõ chiến lược này mà việc phát triển các vùng ngoại thành rất tự phát và tùy tiện. Hệ quả dễ nhận thấy là, những cơn sốt đất, xu thế thay đổi mục đích sử dụng đất một cách bất hợp pháp với quy mô hàng trăm ngàn héc-ta, những vùng đất trước kia trù phú nay bỏ hoang hoá diễn ra ở các vùng ven (một khái niệm động không cố định về ranh giới hành chính).

Một thực trạng khác nữa là, Bộ Xây dựng chưa có quy chuẩn kiến trúc, xây dựng và quy hoạch thống nhất cho khu vực nông thôn - đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, chúng ta mới chỉ có quy chuẩn xây dựng cho vùng nông thôn, làng, xã. Do vậy, có một tình trạng không hay diễn ra ở các xã ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hộ gia đình bỏ nhà vườn truyền thống để ra sát mặt đường, xây nhà hình ống như trong nội thành. Phong trào nhà ra mặt đường không chỉ phá vỡ cơ cấu xã hội làng xã truyền thống, làm mất đi một không gian kiến trúc lãng mạn, mà còn tạo ra một bức tranh lộn xộn về một nông thôn mới mà nhiều người gọi là hình thái “không phải làng, cũng không phải phố”.

Bến Nhà rồng, Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TL

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, ít nhất có 12% - 15% sô người dân ở các xã, huyện không muốn trở thành thị dân. Họ muốn được hưởng thành tựu của công nghiệp như điện, nước, dịch vụ xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội, nhưng không muốn làm thị dân như kiểu hiện nay chúng ta đang thấy. Mặc dù hiển nhiên là sản xuất nông nghiệp không tạo ra giàu có, nhưng mang lại một đời sống ổn định, và hơn nữa, một đời sống tinh thần lành mạnh. Chúng ta biết rằng, ở các thành phố lớn của châu Âu và Bắc Mỹ đang diễn ra phong trào “chạy trốn đô thị”, bởi người dân tiếc là đã quá vội vàng xoá bỏ những cây xanh, những mảnh đất yên bình trong lòng thành phố để đến khi cần lại phải đi xa, rất xa, vào những ngày nghỉ cuối tuần. Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế của Pháp (INSEE), từ năm 1990 đến 1999, mỗi năm trung bình có 70.000 người rời Pa-ri về tỉnh sinh sống. Một nghiên cứu khác dự đoán, năm 2010, số dân Pháp rời thành phố lớn về nông thôn sinh sống có thể lên đến hơn 7 triệu người.

Ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh có 5 huyện, bao gồm 58 xã với 410 ấp và 5 thị trấn;

tổng số dân khoảng 1,1 triệu;
tổng diện tích 1,520 km2
Huyện Bình Chánh: 204,5 km2;
Huyện Hóc Môn: 109,5 km2;
Huyện Củ Chi: 428,6 km2;
Huyện Cần Giờ: 680,6 km2;
Huyện Nhà Bè: 96,24 km2;

Tin chắc rằng, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ngộ ra cái giá phải trả cho việc đô thị hóa vội vã. Và nhiều người vân còn muốn làm nông nghiệp hoặc chẳng biết làm gì khác hơn ngoài cái nghề truyền thống mà cha ông để lại, cứ phải lui dần ra các vùng xa phía bên ngoài sau khi đất đai canh tác không còn nữa. Cứ mỗi lần có một dự án mới xuất hiện là họ lại bị đẩy bật ra xa giống hệt như họ nằm ở rìa ngoài vùng của chiếc đĩa quay ly tâm. Chúng ta cũng quá vội vã cho nên đã làm mất vành đai xanh, và khái niệm ngoại thành không còn nữa. Ngoại thành của thành phố về phía Bắc lẽ nào lại là Thuận An của Bình Dương, về phía Tây lẽ nào lại là Bến Lức của Long An? Trước đây, có một vành đai phân cách rất rõ ràng không chỉ về pháp lý mà còn in sâu trong tâm thức của mỗi người dân.

Chính vì chưa có được một chiến lược phát triển nông nghiệp rõ ràng, chắc chắn và kiên định, nên việc sử dụng đất nông nghiệp không hiệu quả. Điều này xảy ra không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà cả ở Hà Nội và Đà Nẵng. Những vùng nông nghiệp sinh thái, những vùng cây trái, những vùng trồng hoa nổi tiếng, đã bị gặm nhâm khủng khiêp chỉ sau hơn 10 năm đô thị hóa như làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân (Hà Nội), làng hoa Gò Vấp, Hiệp Bình Chánh, vùng rau xanh, vườn trầu Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh).

Để vùng nông thôn này phát triên một cách hiệu quả và phát huy tốt vai trò của mình, cần phải có tầm tư duy và động thái mang tính chiến lược sau đây:

Một là, đến năm 2020, bằng mọi giá phải giữ lại một phần nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong những hình thái cư trú và sản xuất mới ở Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ dân số sống ở các xã ngoại thành trên tổng dân số toàn Thành phố là 10% (khoảng 600.000 người), trong đó nông dân chiếm tỷ lệ tối thiểu là 4% - 5% (hiện nay chỉ còn 6,5% trong tổng dân số toàn thành phố là nông dân).

Đồng thời, tiến hành quy hoạch lại nông thôn một cách thông nhât, đồng bộ về kinh tế, văn hoá và xã hội để giảm khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành về mức sống và hưởng thụ văn hóa.

Hai là, tiến hành quy hoạch không gian và kiến trúc nhằm tạo ra một bộ mặt mới cho nông thôn - đô thị, hình thành nên các làng nông nghiệp mới. Các kiểu cư trú làng đô thị sinh thái, thành phố vườn, thành phố sinh thái, thành phố xanh, làng nghề không ô nhiễm, cần được đặc biệt chú trọng trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Trong các làng này, khuyến khích sử dụng công nghệ sinh học, năng lượng sạch, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, giảm ô nhiễm môi trường và cân bằng sinh thái. Dành sự quan tâm thích đáng đến phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở nông thôn, như điện, đường, trường, trạm, chợ, nhưng các hệ thống kỹ thuật này phải phù hợp với truyền thống cư trú của người dân.

Ba là, đầu tư có trọng điểm và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiến tiến vào sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi căn bản sản xuất nông nghiệp theo kiểu tiểu nông truyền thống, giảm dần lúa nước mà chuyển sang các loại cây trái chất lượng cao, nuôi các loại gia súc cao sản hướng đến thị trường hàng hoá quốc tế, tăng cường các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao có sức cạnh tranh trong nước và khu vực.

Bốn là, chú trọng phát triển các khu vực nông nghiệp trọng điểm có sử dụng kỹ thuật và công nghệ cao, hình thành các trung tâm nông nghiệp -dịch vụ kết hợp với du lịch hiện đại, sớm hình thành các khu vực tập trung gồm các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp địa phương (sữa, trái cây, rau xanh), các vùng rau trái sử dụng công nghiệp gene và công nghệ sinh học. Chính từ các nhà máy và trung tâm nông nghiệp hạt nhân này sẽ hình thành nên các khu dân cư mới liền kề với các dịch vụ xã hội ngày càng hoàn thiện hơn. Đồng thời, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, dân trí và học vấn cho nông dân để họ tự quyết định hoạt động kinh tế của mình, trong đó có việc sử dụng đất sao cho hiệu quả và hợp lý không chỉ cho họ mà còn cho cộng đồng.

Năm là, động viên người dân khai thác đất nông nghiệp, lựa chọn các cây trồng vật nuôi phù hợp với từng giai đoạn ở các dự án có quy hoạch nhưng do nhiều lý do khác nhau vẫn chưa thể đưa vào sử dụng (ví dụ trồng cây ngắn ngày, trồng cỏ), tránh tình trạng bỏ hoang quá lâu vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái trong toàn khu vực.

Sáu là, công khai và minh bạch các dự án phát triển mới, các kế hoạch của thành phố và quận, huyện trong việc sử dụng đất, để nhân dân biết và yên tâm sinh sống. ở những vùng quy hoạch mới, kế hoạch kinh tế của gia đình phụ thuộc khá nhiều vào sự biến động của giá đất. Nhiều hộ gia đình “án binh bất động” không sản xuất nông nghiệp ngồi nghe ngóng chờ giá đất lên cao để mong bán. Việc công khai minh bạch từng giai đoạn của dự án sẽ giúp cho người dân có thể chủ động trong việc khai thác quỹ đất phù hợp với tiến độ của dự án