Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đang điều chỉnh tỷ giá để kiềm chế tình trạng lạm phát cao.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%, lên 3,5% ngày 16-7, nhằm nỗ lực kiềm chế mức lạm phát đã ở mức cao nhất trong 10 năm qua.

Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej vừa tuyên bố các biện pháp kinh tế nhằm giảm bớt tác động của tình trạng lạm phát leo thang và hỗ trợ người dân. Ông Samak đã tiết lộ kế hoạch cả gói mang tính khích lệ trị giá 1,4 tỉ USD, gồm các đề xuất cắt giảm thuế đối với xăng và dầu diesel, bao cấp một phần giá điện cho các hộ gia đình.

Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết họ có thể đưa ra chính sách kiểm soát giá nhằm ngăn chặn lạm phát. Chính phủ nước này coi cuộc chiến chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, với việc các bộ trưởng nhất trí gặp nhau hàng tuần để thảo luận chính sách sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 5,5% hồi tháng 6 - mức cao nhất trong 10 năm qua.

Ngày 14-7, Ngân hàng Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên lãi suất 0,5% bất chấp lạm phát lên tới 1,5% - mức cao nhất trong 15 năm qua. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Philippines cũng dự kiến điều chỉnh lãi suất để chống lạm phát ở mức 11,4%, mức kỷ lục trong 14 năm qua.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) H. Kuroda đã coi giá lương thực và dầu lửa cao là nguy cơ lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế của khu vực này. Theo ông, nhiều nước đang đối mặt với "thế tiến thoái lưỡng nan" là kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) Angel Gurría, suy thoái kinh tế sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm nay, với giá kim loại và lương thực có khả năng bắt đầu giảm xuống từ mức cao kỷ lục, song giá dầu trong khu vực vẫn duy trì ở mức 135-50 USD/thùng do "sự mất cân bằng cơ cấu"./.