Trong tháng 7-2008, các cây xăng ở khu vực biên giới phải ký lại hợp đồng đại lý trực tiếp với Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, không ký qua Tổng đại lý. Từ 1-8-2008, chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu mới được phép cung ứng xăng dầu cho các cây xăng ở khu vực biên giới.

Sáu tháng đầu năm 2008, do giá dầu thô thế giới liên tục tăng, giá xăng dầu của các nước láng giềng cũng điều chỉnh tăng theo (chẳng hạn, giá bán lẻ của Cam-pu-chia là 1,4USD/lít khoảng 22.000 - 23.000đồng/lít), trong khi đó, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức thấp do thực hiện cơ chế bình ổn giá, để kiềm chế lạm phát. Sự chênh lệch giá xăng dầu trong nước với các nước trong khu vực (1 lít xăng ở Việt Nam chênh từ 6.000-7.000 đồng so với Cam-pu-chia) đã làm cho tình trạng xuất lậu xăng dầu trên các tuyến đường bộ và đường biển ở khu vực biên giới phía Tây Nam gia tăng và diễn biến phức tạp.

Các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã sử dụng nhiều thủ đoạn, từ mua gom xăng dầu chứa vào các can nhựa... chở trên xe đạp, xe máy, vác bộ sang biên giới bán; các tàu thuyền lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển, chuyên chở hàng hóa qua biên giới để xuất lậu xăng dầu... Hoạt động xuất lậu diễn ra cả ban ngày và ban đêm. Việc xuất lậu này làm thất thoát ngân sách nhà nước được sử dụng để hỗ trợ giá xăng dầu.

Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 127/TW phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát sao qua nhiều kênh thông tin để nắm bắt kịp thời diễn biến xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới, áp dụng nhiều biện pháp hành chính cấp bách để ngăn chặn xuất lậu xăng dầu.

- Áp dụng cơ chế “bán có giám sát” đối với các cây xăng ở khu vực biên giới; kiểm soát chặt chẽ phương tiện chuyên chở xăng dầu lên biên giới; yêu cầu các cây xăng biên giới chỉ bán trực tiếp vào các phương tiện sử dụng. Nghiêm cấm việc bán vào can, thùng phuy và các phương tiện chứa đựng khác để xuất lậu. Các phương tiện quá cảnh được phép vào Việt Nam chỉ được bán xăng dầu đủ để về bên kia biên giới (ô tô không quá 50 lít, tàu thuyền không quá 100 lít)…

Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo 127 một số tỉnh đã cụ thể hoá các quy định của Trung ương với nhiều biện pháp quyết liệt cụ thể, đồng thời xử lý nghiêm và kiên quyết đối với các vi phạm như rút Giấy phép kinh doanh.

- Các lực lượng Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát; cử cán bộ, chiến sĩ luân phiên nhau giám sát từng cây xăng biên giới tại các thời điểm nhạy cảm; yêu cầu các cây xăng biên giới chấp hành giờ bán hàng: không bán trước 6 giờ và sau 18 giờ; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào biên giới...

- Rà soát lại quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu ở khu vực biên giới: đóng cửa ngay và xử lý nghiêm vi phạm đối với các cây xăng (Đại lý bán lẻ xăng dầu) không đủ điều kiện kinh doanh nhưng đang hoạt động; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu vĩnh viễn và đóng cửa vĩnh viễn đối với các cây xăng biên giới vi phạm về xuất lậu xăng dầu hoặc xây dựng không trong quy hoạch hoặc trái với quy hoạch; không cho lập thêm các cây xăng ở khu vực biên giới, trường hợp cần mở thêm thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng.

- Yêu cầu các cây xăng ở khu vực biên giới trong tháng 7-2008 phải ký lại hợp đồng đại lý trực tiếp với Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, không ký qua Tổng đại lý. Từ 1-8-2008 chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu mới được phép cung ứng xăng dầu cho các cây xăng ở khu vực biên giới.

- Sở Công Thương chủ trì cùng chính quyền cấp huyện, xã và các ngành có liên quan xem xét tính toán lại định lượng cung ứng đối với các cây xăng ở khu vực biên giới tối đa không vượt quá mức tiêu thụ trung bình cùng kỳ năm trước của các cây xăng nội địa không thuộc khu vực biên giới và thông báo công khai cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu biết để cung ứng không vượt quá định lượng đã thông báo.

- Đối với các hộ sản xuất có nhu cầu lớn về xăng dầu phải ký hợp đồng mua bán và khi xuất bán phải viết hoá đơn; không bán xăng dầu theo giá bán quy định tại thị trường Việt Nam cho các phương tiện ô tô, tàu thuyền nước ngoài quá cảnh vào Việt Nam; không cho phép đưa xăng dầu ra khỏi biên giới phục vụ nội bộ đối với các doanh nghiệp đang đầu tư ở nước ngoài.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở. Giám sát chặt chẽ các phương tiện vận tải chở xăng dầu cung ứng cho các cây xăng ở khu vực biên giới, yêu cầu tại thời điểm kiểm tra phải xuất trình hoá đơn chứng từ hợp pháp kèm theo, nếu vi phạm thì xử lý nghiêm, kể cả biện pháp xử lý tịch thu.

- Mỗi tỉnh biên giới khẩn trương trong tháng 7-2008 xem xét để thành lập Đội đặc nhiệm kiểm tra xăng dầu và duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra để ngăn chặn tình trạng xuất lậu và các vi phạm khác về kinh doanh xăng dầu.

- Xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu; dung túng cho người thân buôn lậu hoặc tiếp tay cho hoạt động xuất lậu xăng dầu qua biên giới.

Ngoài việc tăng cường các biện pháp hành chính nói trên, toàn bộ hệ thống chính trị tại các tỉnh biên giới phải tham gia các hoạt động kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; cấp uỷ và chính quyền cấp cơ sở (xã, huyện biên giới) có các biện pháp thiết thực nhằm tổ chức tốt đời sống dân cư khu vực biên giới, tranh thủ sự đồng thuận của nhân dân, không buôn lậu hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

- Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu có trách nhiệm ký hợp đồng trực tiếp về cung ứng xăng dầu cho các cây xăng khu vực biên giới theo định lượng mà Sở Công Thương đã thông báo; thường xuyên kiểm tra và chịu trách nhiệm liên đới nếu để cửa hàng xăng dầu trực thuộc và các đại lý xăng dầu thuộc hệ thống của mình ở biên giới vi phạm về xuất lậu xăng dầu.

Dự báo trong thời gian tới, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, trong khi giá xăng dầu của nước ta vẫn còn chênh lệch so với các nước láng giềng. Do vậy, buôn lậu không chỉ sẽ diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Tây Nam mà có thể lan rộng hơn, buôn lậu qua tuyến biển sẽ nghiêm trọng hơn. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuất lậu xăng dầu, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 127/ TW sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác chống buôn lậu xăng dầu bằng nhiều biện pháp hành chính kiên quyết hơn nữa, chuẩn bị các phương án xử lý các tình huống bất thường xảy ra trong các thời điểm nhạy cảm, tổ chức một số chuyên án để triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm xuất lậu xăng dầu trên tuyến biên giới đường bộ và đường biển, xử lý nghiêm các vi phạm để răn đe, giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh biên giới thực hiện việc rà soát lại hoạt động của các cây xăng biên giới theo nguyên tắc chỉ những cây xăng nào đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu mới được phép hoạt động. Chỉ đạo chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, kiểm soát và có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng xuất lậu xăng dầu, rút Giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm pháp luật, đóng cửa những cây xăng xuất lậu hay tiếp tay cho hoạt động xuất lậu xăng dầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở nếu để xảy ra xuất lậu xăng dầu.

Không chỉ chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố có biên giới đất liền và biên giới biển cũng đang cùng lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống các hành vi vi phạm như đầu cơ, ngừng bán hàng hay bán cầm chừng gây thiếu hàng “ảo”, đưa tin thất thiệt tạo tâm lý hoang mang đến người tiêu dùng, làm rối loạn thị trường… trong kinh doanh xăng dầu.

Nhằm đảm bảo ổn định thị trường nội địa, đảm bảo cung ứng đều xăng dầu cho thị trường trong mọi điều kiện, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động tại địa bàn quản lý để phát hiện và xử lý ngay mọi dấu hiệu ngưng bán hàng, ghìm hàng gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, vi phạm về giá bán, số lượng, chất lượng, thời gian mở cửa bán hàng…Bất cứ tổng đại lý, đại lý, cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu nào ngừng bán hàng dưới bất cứ hình thức nào đều phải lập biên bản ngay, tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đồng thời báo cáo Sở Công Thương tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh có biên giới đường bộ và đường biển thực hiện ngay chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127TW tại công văn số 11/BCĐ-QLTT ngày 4-7-2008 về việc tăng cường quản lý và chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới, áp dụng ngay các biện pháp hành chính cấp bách tạm thời nhằm ngăn chặn xuất lậu xăng dầu ở các tỉnh biên giới trong tình hình đặc biệt như hiện nay. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hơn nữa mạng lưới các cửa hàng xăng dầu ở khu vực biên giới. Phát hiện và xử lý những cây xăng bán cầm chừng, ghìm hàng đối với người tiêu dùng trực tiếp, tích trữ xăng dầu để xuất lậu hoặc tiếp tay cho xuất lậu qua biên giới.

Việc xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý theo các quy định tại Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 6-4-2007, Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17-11-2003 và Quyết định số 11/2007/QĐ-BTM ngày 22-5-2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16-1-2008 của Chính phủ./.