Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần qua (từ 09-06 - 15-06-2008)
1. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Hy Lạp
Chiều 10-06-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Ðoàn đại biểu Nhà nước ta rời Thủ đô A-ten, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tại Cộng hoà Hy Lạp. Kết quả chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Hy Lạp lên tầm cao mới. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Liên đoàn doanh nhân Hy Lạp (SEV) phối hợp tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, thực tế quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hy Lạp còn khiêm tốn so với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời, mời các doanh nghiệp Hy Lạp tìm hiểu và xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định Nhà nước Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hy Lạp, triển khai hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Dự kiến, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10-2008 của Tổng thống Pa-pu-li-at, hai nước sẽ ký kết nhiều hiệp định quan trọng.
2. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần
Ngày 11-06-2008, sau một thời gian lâm bệnh nặng, đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX, Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, đã từ trần, thọ 86 tuổi. Sáng 15-6, Lễ truy điệu và an táng đồng chí Võ Văn Kiệt đã được cử hành trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Lời điếu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu bật những công lao to lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; người chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và sôi nổi, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.
Chính phủ nhiều nước và nhiều chính khách trên thế giới đánh giá cao vai trò và cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ thương tiếc nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và nhấn mạnh: “Là người đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khởi đầu hồi cuối những năm 1980, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho quá trình chuyển tiếp của Việt Nam từ tình trạng nghèo khổ sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng. Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng từ 1991 đến 1997, ông Kiệt cũng đã đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước trên thế giới".
3. Bế mạc Festival Huế 2008: mộc mạc, ấn tượng và lộng lẫy
Tối ngày 11-06-2008, dòng người đã đổ về Quảng trường Ngọ Môn của cố đô Huế để chứng kiến Lễ bế mạc Festival Huế 2008. Một chương trình nghệ thuật khá đặc sắc và ấn tượng, như lời chào tạm biệt Festival lần này hẹn “trở lại Cố đô” vào năm 2010, được diễn ra trong một không gian mộc mạc, dân dã nhưng lộng lẫy và ý nghĩa. Trong 9 ngày diễn ra Festival, cố đô Huế vốn thơ mộng, nhẹ nhàng đã trở thành một thành phố rộn ràng, vui tươi trong bầu không khí đầy ắp các lễ hội, các loại hình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa đặc trưng, rất riêng của các dân tộc Á, Âu, với những gam màu phong phú, đa dạng. Mở đầu cho Đêm bế mạc là màn đồng cờ của 23 quốc gia hội tụ trong Festival Huế 2008 với những dàn pháo sáng rực từ trên Kỳ đài Huế. Kết thúc Lễ bế mạc là “Hợp tấu trống và múa” với giai điệu rộn ràng, mạnh mẽ cùng với lễ rước Rồng - Phượng, tượng trưng cho điềm lành và sự gặp gỡ không bao giờ chia cắt. Đêm bế mạc đã kết thúc trong lưu luyến với màn pháo hoa lung linh, rực rỡ cả bầu trời trên Kỳ đài Huế và quảng trường Ngọ Môn cùng dòng chữ “Hẹn gặp lại Huế 2010” như một lời mời cho Festival kỳ tới.
4. Chuyến thăm một số nước Bắc Âu của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Ngày 11-06-2008, trong chuyến thăm Vương quốc Đan Mạch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã hội kiến với Phó Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Xô-ren Et-pơ-xen (Soren Espersen). Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các chương trình viện trợ của Đan Mạch cho Việt Nam trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thủy sản, bảo vệ môi trường và phòng ngừa thiên tai v.v.. đã và đang góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện thành công nhiều mục tiêu của quốc gia. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đã diễn ra Lễ ký “Hiệp định khung về chương trình thí điểm hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2008-2010” nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển năng lực nghiên cứu cho các viện, các trường đại học của Việt Nam.
Trong chuyến thăm chính thức Phần Lan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tới thăm các Tập đoàn Giấy UPM - Kymmene, Nokia và tiếp lãnh đạo tập đoàn Wartsila. Phó Thủ tướng khẳng định, một trong những ưu tiên đầu tư của Việt Nam là phát triển ngành giấy đi đôi với việc phát triển vùng rừng nguyên liệu, cũng như phát triển công nghệ viễn thông. Với Tập đoàn Nokia, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoànxem xét việc đầu tư dây chuyền sản xuất và lắp ráp điện thoại tại Việt Nam và cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Nokia thực hiện dự án đầu tư này. Phó Thủ tướng hoan nghênh Wartsila đầu tư vào các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và năng lượng tại Việt Nam; đồng thời đánh giá cao việc ký hiệp định hợp tác giữa Wartsila và Vinashin trong sản xuất và bán máy tàu biển tốc độ thấp tại Việt Nam cũng như các chương trình hợp tác khác. Sáng 13-06-2008, Phó Thủ tướng cùng hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan tại thủ đô Hen-xinh-ki.
5. Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc
Sáng ngày 11-06-2008, Ban Tổ chức Nhà nước kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-06-1948 – 11-06-2008) tổ chức trọng thể Lễ phát động thi đua đẩy mạnh thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua trong thời gian tới với 5 trọng tâm:(1) Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội, người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010); (2) Tiếp tục phát động và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua toàn dân làm kinh tế giỏi, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mở rộng thiết thực phong trào cả nước xây dựng nếp sống văn hoá và trở thành một xã hội học tập; tôn vinh, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt; bồi dưỡng và nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến...; (3) Tiếp tục nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh"...; (4) Các cấp, các ngành đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị của Bộ Chính trị, nghiêm túc thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và các qui định của Chính phủ...; (5) Nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và người đứng đầu các tổ chức; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác thi đua, khen thưởng, làm cho công tác thi đua, khen thưởng thực sự là phong trào của quần chúng, là sức mạnh của nhân dân, khắc phục tính hình thức trong thi đua, khen thưởng, ngăn ngừa và loại trừ bệnh thiếu trung thực; làm cho công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực tinh thần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng con người mới.
6. Ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu
Ngày 14-06 hằng năm được lựa chọn là Ngày thế giới tôn vinh những người hiến máu. Đây là hoạt động thường niên được tiến hành để tôn vinh những người hiến máu tình nguyện trên khắp thế giới, tạo chuyển biến tích cực về sự cần thiết có đủ máu an toàn và tầm quan trọng của hiến máu tình nguyện cũng như là dịp để tôn vinh và tỏ lòng biết ơn, tri ân với những người đã tự nguyện hiến máu. Theo số liệu thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 80 triệu đơn vị máu được hiến tặng, nhưng chỉ có 38% ở các nước đang phát triển nơi chiếm đến 82% dân số thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải phụ thuộc vào nguồn máu từ người nhà hoặc bạn bè của bệnh nhân, hơn nữa một số nước vẫn còn tình trạng mua bán máu, trong số này có cả Việt Nam. Tại Việt Nam, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 235/QD-Ttg, ngày 26-03-2008, về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện. Từ ngày 09-06-2008 đến ngày 18-06-2008, tại nhiều địa phương trên cả nước diễn ra các sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người hiến máu, 100 người hiến máu tiêu biểu đến từ 15 tỉnh thành đã hội tụ trong Festival "Trái tim nhân ái Việt Nam 2008" được tổ chức tại Hà Nội ngày 14-06-2008. Một loạt các hoạt động ý nghĩa do chính những người hiến máu đến từ 15 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia và trực tiếp thực hiện đã diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
7. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh
Trong hai ngày 11 và 12-06-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm và tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Nói chuyện với các cử tri, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước là tất cả. Có lòng tin, có sự đồng tâm hiệp lực, cùng sẻ chia và gánh vác, đất nước sẽ vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng của tất cả chúng ta”.Tại quận 1 và quận 3, Chủ tịch nước đã giải đáp nhiều kiến nghị cụ thể của bà con cử tri liên quan đến chủ trương, giải pháp điều hành của Trung ương để kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch nước khẳng định, trong thực tế vẫn còn những yếu kém, xử lý thiếu kinh nghiệm, song Chính phủ đang cố gắng tối đa, bình tĩnh chọn phương thức phù hợp để xử lý tình hình, điều chỉnh các giải pháp trong từng thời điểm. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kiềm chế lạm phát đi cùng đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ mọi mặt cho người nghèo. Chủ tịch nước đề nghị cử tri tăng cường hiến kế, giám sát, đóng góp ý kiến, hỗ trợ chính quyền các cấp, tôn trọng, đặt niềm tin vào sự nghiêm minh của luật pháp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trả lời nhiều câu hỏi của cử tri xung quanh nỗ lực phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước nêu rõ Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề lớn này, sự thành công của công cuộc chống tham nhũng đồng nghĩa với sự toàn vẹn, vững mạnh của chế độ chính trị, sự ổn định và phát triển của đất nước. Với những chủ trương rõ ràng, Chính phủ hiện có đủ điều kiện, cơ chế và quyền hạn, có bộ máy tham mưu mạnh, đang huy động tổng lực để thực thi nhiệm vụ phòng chống tham nhũng với quyết tâm rất lớn. Ngoài việc cung cấp thêm thông tin cho cử tri và khẳng định trách nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch nước đồng thời nêu rõ những chủ trương quan trọng của Trung ương nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế tài chính, hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đối với những kiến nghị cụ thể của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện các dự án quy hoạch, xây dựng và chỉnh trang đô thị, chính sách đền bù giải tỏa và tái định cư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực hơn nữa để giải quyết dứt điểm, làm sáng rõ thông tin, công khai minh bạch mọi chính sách và thủ tục, giải quyết có tình có lý, ưu tiên cho việc ổn định cuộc sống mọi mặt của người dân
8. Các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn
Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank) là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống các Ngân hàng thương mại cổ phần tiến hành tăng lãi suất sau khi quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 14% của Ngân hàng Nhà nước được áp dụng vào ngày 11-6. Với chương trình huy động “Tiết kiệm Siêu lãi suất Mới”, mức lãi suất cao nhất lên tới 19,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, SeABank được xem là ngân hàng đi tiên phong trong cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động VND. Tiếp sau SeAbank là hàng loạt các ngân hàng tiếp tục thông báo tăng lãi suất. Cũng trong ngày 11-6, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) chính thức thông báo huy động vốn với lãi suất 17,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) cũng đưa ra mức tương đương... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngân hàng đánh giá, "đỉnh" lãi suất mới này của SeAbank sẽ không thể có ngân hàng nào vượt qua. Có thể thấy, so với đợt tăng lãi suất vào giữa tháng 5 vừa qua thì với lần tăng lãi suất cơ bản lần này của Ngân hàng Nhà nước, phản ứng của các ngân hàng có vẻ dè dặt hơn, nhìn chung các ngân hàng thương mại vẫn còn "nghe ngóng". Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, những chính sách điều hành nhằm biện pháp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã bước đầu có tác dụng "lan tỏa". Thông qua công cụ điều hành lãi suất, có thể nói, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn đánh giá, đến thời điểm này, Chính phủ phải thận trọng hơn trước vấn đề: Nếu mức lãi suất cơ bản là 14% vẫn không hấp dẫn khi đem so sánh với mức lạm phát của nền kinh tế thì liệu nó có được tiếp tục nâng lên nữa hay không?
9. Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư
Ngày 13-06-2008, tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp (CEO) thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn và coi đây là minh chứng cho sự ủng hộ, niềm tin của các CEO đối với sự phát triển của Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ 8 nhóm giải pháp chống lạm phát với trọng tâm là chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đồng thời tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Chính phủ Việt Nam luôn chào đón và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng và tăng nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái với số vốn tương đương 75% tổng FDI vào Việt Nam trong năm 2007. Điều này khẳng định sự tin tưởng của giới đầu tư quốc tế vào tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn như Ngân hàng Standard Chartered của Anh, Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ, Công ty Royal Phillips Electronics của Hà Lan, Tập đoàn Raytheon International của Mỹ, Tập đoàn Phát triển và Đầu tư Cayan của UAE bày tỏ sự quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam và các vấn đề liên quan đến triển vọng đầu tư vào Việt Nam.
10. Kỳ họp cuối cùng của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trước khi hợp nhất hai cơ quan hội đồng nhân dân của Hà Nội và tỉnh Hà Tây
Vai trò lãnh đạo mới của châu Á trong kinh tế thế giới  (16/06/2008)
Nghe dân nói, nói để dân nghe - ghi nhận ở Vĩnh Phúc  (16/06/2008)
Ngành hậu cần quân đội với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (16/06/2008)
Phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu đưa nền báo chí nước nhà phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa  (16/06/2008)
Phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu đưa nền báo chí nước nhà phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa  (16/06/2008)
Đoàn Tòa thánh Va-ti-can kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (16/06/2008)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên