Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 17 đã khai mạc sáng 15-6 tại thủ đô Cuala Lămpơ của Malaixia với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho chính phủ, giới doanh nghiệp và báo chí của hơn 25 nước. Trong hai ngày làm việc, các đại biểu thảo luận về cách thức đối phó của châu Á trước các cuộc khủng hoảng đang lan rộng trên thế giới, như các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực cũng như những bất ổn tài chính.

Tại Diễn đàn, các nhà lãnh đạo chính phủ và giới kinh doanh, ngày 15-6, đã nhấn mạnh rằng châu Á, trung tâm quyền lực thế giới đang nổi lên, phải đi đầu trong việc tìm ra những giải pháp cho các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, như việc giá dầu và lương thực tăng cao, bởi vì các thể chế toàn cầu như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang tỏ ra bất lực.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Yashwant Sinha, do quyền lực kinh tế đã chuyển từ Mỹ và châu Âu sang châu Á nên khu vực này cần phải đi đầu trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế. Còn Chủ tịch Marcus Agius của Công ty Barclays Plc cho rằng các thể chế toàn cầu đảm trách việc xử lý các vấn đề kinh tế có vẻ như đã lỗi thời.

Ông Yoshimi Watanabe, Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính và dịch vụ tài chính của Nhật Bản, cho rằng các nước châu Á cần hỗ trợ nhau để đối phó với các cuộc khủng hoảng bởi vì không còn có thể hy vọng Mỹ là "đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu". Theo ông, các nước châu Á "đang ở cùng trên một con thuyền và cùng nhằm tới một hướng".

Các đại biểu tham dự diễn đàn này được thông báo rằng châu Á, dẫn đầu là Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ định hướng nền kinh tế toàn cầu trong tương lai, do nhu cầu rất cao của họ đối với hàng tiêu dùng, do tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và có các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh.

Ông Peter Brabeck-Letmathe, Chủ tịch Tập đoàn Nestle của Thụy Sĩ, cho rằng đây là lần đầu tiên châu Á trở thành "người lãnh đạo" của nền kinh tế thế giới./.