Quốc hội nước ta qua các kỳ bầu cử
I. Các khóa Quốc hội nước ta
Quốc hội khóa I (1946 - 1960) ra đời sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta, diễn ra ngày 6-1-1946, gồm 403 đại biểu. Tại Kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I đã công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Bác Hồ làm Chủ tịch, ông Vĩnh Thụy (tức là cựu hoàng Bảo Đại) làm cố vấn tối cao. Với 12 kỳ họp, Quốc hội khóa I đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, 11 đạo luật và 50 nghị quyết, phê chuẩn Hiệp định Giơ-ne-vơ. Luật Cải cách ruộng đất được thông qua tại kỳ họp thứ 3 (năm 1953) là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách "người cày có ruộng" và chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân. Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.
Quốc hội khóa II (1960 - 1964) được bầu ngày 8-5-1960, gồm 453 đại biểu (362 đại biểu được bầu, 91 đại biểu khóa I của miền Nam được lưu nhiệm). Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II (từ ngày 6 đến 15-7-1960), Quốc hội bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 21 Ủy viên chính thức, 5 Ủy viên dự khuyết. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu ngày 26-4-1964, gồm 453 đại biểu (366 đại biểu được bầu, 87 đại biểu khóa I của miền Nam được lưu nhiệm). Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 23 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa III kéo dài 7 năm và có 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 lần, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại và tổ chức hành chính, nhân sự.
Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) có 420 đại biểu, được bầu ngày 11-4-1971, với nhiệm kỳ 4 năm và đã có 5 kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh là Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, 17 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Quốc hội khóa V (1975 - 1976) có 424 đại biểu, được bầu ngày 6-4-1975, hoạt động chưa đầy 2 năm (1975-1976) và chỉ có 2 kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, 11 Ủy viên chính thức và 3 Ủy viên dự khuyết. Một trong những sự kiện quan trọng nhất của Quốc hội khóa này là thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương thống nhất nước nhà về mặt nhà nước mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.
Quốc hội khóa VI (1976-1981) - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được bầu ngày 25-4-1976, với 492 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, 13 Ủy viên chính thức, 2 Ủy viên dự khuyết. Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976 - 1981), với 7 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh và thông qua Hiến pháp năm 1980, tại Kỳ họp thứ 7, ngày 18-12-1980...
Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) được bầu ngày 26-4-1981, gồm có 496 đại biểu. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Nhà nước gồm 12 thành viên đảm nhận chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội. Quốc hội khóa VII họp 12 kỳ, ban hành 10 đạo luật và 35 nghị quyết. Đáng chú ý ở khóa này là lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Quốc hội còn tăng cường triển khai thực hiện chức năng giám sát và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội khóa VIII (1987-1992) được bầu ngày 19-4-1987, có 496 đại biểu. Trong nhiệm kỳ này, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Nhà nước gồm 15 thành viên. Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992 tại Kỳ họp thứ 11 ngày 15-4-1992. Đây là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội VI của Đảng đề ra. Quốc hội khóa này đã có 11 kỳ họp, ban hành 2 bộ luật, 25 đạo luật và Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng thể chế hóa đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần ở nước ta, tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1980 một cách cơ bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Quốc hội khóa IX (1992-1997) được bầu ngày 19-7-1992, gồm có 395 đại biểu, nhiệm kỳ hoạt động là 5 năm. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch và 9 Ủy viên Ban Thường vụ. Quốc hội khóa IX đã đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đổi mới của Đảng theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Tại các kỳ họp, Quốc hội đã tập trung thời gian, trí tuệ để đẩy mạnh hoạt động lập pháp với kết quả là 36 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý hình thành môi trường ổn định, thuận lợi cho sự phát triển các thành phần kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường hoạt động đối ngoại.
Quốc hội khóa X (1997 - 2002) gồm 450 đại biểu, được bầu ngày 20-7-1997. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 14 thành viên, gồm Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, 5 Phó Chủ tịch và 8 Ủy viên. Tại Kỳ họp thứ 9, đồng chí Nguyễn Văn An được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đẩy mạnh công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với 32 luật và bộ luật, 39 pháp lệnh, Quốc hội khóa X đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) được bầu ngày 19-5-2002, có 498 đại biểu trúng cử với số cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,73%, cao nhất so với các khóa bầu cử trước đó. Tại Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 19-7 đến ngày 12-8-2002), đồng chí Nguyễn Văn An được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch và 9 thành viên trong Ban Thường vụ. Tại Kỳ họp thứ 9, đồng Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Tính đến hết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua 44 văn bản luật và 26 pháp lệnh. Hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XI không chỉ nhiều về số lượng mà còn bảo đảm về chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Các vấn đề quan trọng của đất nước như: phân bổ ngân sách trung ương, xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng Đường Hồ Chí Minh, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... đã được Quốc hội xem xét, quyết định có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tháng 6-2003, Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động giám sát nhằm cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Công tác đối ngoại của Quốc hội khóa này tiếp tục được tăng cường với sự thành công của một loạt các hoạt động ngoại giao, tổ chức hội nghị quốc tế...
II. Một số điểm mới trong bầu cử Quốc hội khóa XII
Ngày 20-5-2007, cả nước sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XII, nhiệm kỳ 2007 - 2012. Dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội được bầu khóa XII là 500 đại biểu. Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII gồm 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Hội đồng; thành lập 3 tiểu ban phục vụ bầu cử gồm: Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban An ninh và Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Dự kiến cơ cấu số lượng đại biểu chuyên trách của Quốc hội khóa XII chiếm 30% trên tổng số đại biểu Quốc hội (tăng 5% so với khóa XI). Ngoài các đại biểu chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước đều sẽ có một đại biểu chuyên trách. Riêng ở 4 địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Nghệ An - mỗi địa phương có 2 đại biểu chuyên trách.
Trong cuộc bầu cử lần này, mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là 2 ứng cử viên. Sau Hội nghị hiệp thương lần hai (ngày 20-3-2007), có 1.313 người ứng cử, trong đó có 160 đại biểu khóa XI, có 223 người tự ứng cử; người trẻ tuổi nhất là 22 tuổi và cao tuổi nhất là 74 tuổi, đều ở Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh có số người tự ứng cử đông nhất: 101 người; Hà Nội có 53 người. Gần 80% số người trong danh sách sơ bộ đề cử, ứng cử của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước có học vấn từ đại học trở lên, trong đó có nhiều người có học vấn trên đại học. Khóa này, Quốc hội phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu là nữ, chiếm khoảng 30%, người ngoài đảng chiếm khoảng 10%; có cơ cấu hợp lý để đại diện cho đủ các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành, các dân tộc, tôn giáo...
III. Lịch bầu cử Quốc hội khóa XII từ nay đến 20-5-2007
- Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ được tiến hành chậm nhất là ngày 15-4-2007, để lập danh sách chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Chậm nhất là ngày 20-4-2007, sẽ niêm yết công khai Danh sách cử tri, đến ngày 25-4-2007 sẽ lập và công bố danh sách các ứng cử viên theo từng đơn vị bầu cử.
- Ngày 20-5-2007 là ngày bầu cử Quốc hội khóa XII.
Kế thừa và phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội  (17/05/2007)
Tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân  (17/05/2007)
Chọn ai vào Quốc hội khóa XII  (17/05/2007)
Trung Quốc: “Dân chủ trong Đảng là sinh mệnh của Đảng”  (17/05/2007)
Quản lý theo kết quả  (17/05/2007)
Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất mạch tích hợp  (17/05/2007)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên