Việt Nam - Ấn Độ: Tình thân thiết không thay đổi qua thời gian
TCCS ĐT - Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có quan hệ truyền thống, lâu đời, cùng chia sẻ với nhau những giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội. Nền độc lập, tự chủ của Việt Nam, sự thống nhất dân tộc của Ấn Độ tạo tiền đề để hai nước thiết lập quan hệ song phương, cùng hoà mình vào dòng chảy chung của lịch sử khu vực.
Sau "Chiến tranh lạnh", đường lối đổi mới ở Việt Nam và Chính sách hướng Đông của Ấn Độ đã tạo cơ sở để hai quốc gia nâng quan hệ truyền thống, toàn diện lên tầm cao mới. Đặc biệt, quan hệ chính trị, đối ngoại giữa hai nước đã có những bước phát triển theo hướng ngày càng rộng mở và chặt chẽ.
1. Đổi mới và “Hướng Đông”
Sau gần bốn thập niên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ chính trị, ngoại giao nói riêng đã có những bước đột phá phát triển và đạt được những thành công lớn trên tinh thần hữu nghị, truyền thống và đối tác chiến lược. Quan hệ đó được tiến hành nổi bật trên hai kênh: quan hệ giữa hai Nhà nước và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với những đảng phái chính trị hàng đầu Ấn Độ.
Trong đường lối chính sách đối ngoại, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Ngày 9-3-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 04-CT/TW về Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ. Theo đó, việc đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với Ấn Độ cần quan tâm theo hướng sau:
- Quán triệt đường lối của Đảng về tầm quan trọng chiến lược trong tăng cường hợp tác với Ấn Độ về mọi mặt, đặc biệt là hợp tác kinh tế - khoa học kỹ thuật.
- Rà soát lại các nội dung hợp tác với Ấn Độ để có kế hoạch cụ thể tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản đã thoả thuận nhằm sớm đưa các kết quả hợp tác ứng dụng vào cuộc sống.
- Sớm có kế hoạch thực hiện những thoả thuận đã đạt được, xác định việc sử dụng các khoản tín dụng và hỗ trợ tài chính của Ấn Độ. Trước mắt, cần triển khai thoả thuận về khai thác dầu khí mà Thủ tướng Ấn Độ coi là cơ sở cho việc hợp tác về kinh tế giữa hai nước.
- Các ngành giáo dục, văn hoá, xã hội, thể dục thể thao, du lịch,… nghiên cứu và chủ động đề xuất những khả năng, biện pháp và hình thức mới thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ về các mặt với Ấn Độ.
Quan hệ giữa hai Nhà nước Việt Nam và Ấn Độ không ngừng được củng cố và tăng cường qua các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao cũng như các đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành hai nước. Những chuyến thăm này được coi là những mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ giữa hai quốc gia.
- Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ra-díp Gan-đi vào năm 1988 được đánh giá là mở đầu và tạo động lực mới cho mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Thủ tướng Ấn Độ (sau chuyến thăm đầu tiên vào năm 1985). Như vậy, chỉ trong vòng ba năm, Thủ tướng R. Gan-đi đã thăm Việt Nam hai lần; trong chuyến thăm năm 1988, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định: “Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Chúng tôi ủng hộ các bạn trong các nỗ lực phát triển kinh tế và Ấn Độ sẽ luôn đứng về phía Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
- Năm 1989, nhân kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Cộng hoà Ấn Độ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã tới thăm chính thức Ấn Độ và dự Lễ Quốc khánh Ấn Độ năm 1989. Trong các cuộc hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi về những vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời thảo luận tìm giải pháp tăng cường quan hệ giữa hai nước.
- Vào thập niên cuối của thế kỷ XX, quan hệ giữa hai nhà nước được đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Ấn Độ Ven-ka-ta-na-man thăm chính thức Việt Nam (tháng 4-1991). Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh chính sách nhất quán của Ấn Độ là tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, khoa học - kỹ thuật và đào tạo cán bộ.
- Một năm sau chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ đến Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ (9-1992). Chuyến thăm này thực sự có ý nghĩa khi tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động to lớn. Lãnh đạo hai quốc gia đã chủ trương Việt Nam và Ấn Độ cần phải thay đổi cơ chế và phương thức hợp tác nhằm đáp ứng tích cực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới và cải cách ở mỗi nước.
- Trong khuôn khổ hợp tác song phương, đồng thời thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, tháng 9-1993 Phó Tổng thống Ấn Độ R.K.Na-ra-y-a-nan dẫn đầu Đoàn đại biểu Ấn Độ thăm Việt Nam. Trong cuộc tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh: Trong tình hình mới, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy về chính trị, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật và văn hoá để phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển của mỗi bên. Phó Tổng thống Ấn Độ cũng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được, cũng như đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở của Việt Nam, đồng thời khẳng định: hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Ấn Độ là tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm của nhân dân hai nước. Khi tiếp Phó Tổng thống R.K.Na-ra-y-a-nan, Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định lập trường của Việt Nam là ủng hộ Ấn Độ trở thành Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. [1]
- Trong số những chuyến thăm cấp Nhà nước biểu hiện mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam - Ấn Độ, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ N. Rao (4-1994) được đánh giá là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã chỉ ra những trở ngại trong hợp tác, đồng thời trao đổi về những phương hướng mới và những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia về kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học - kỹ thuật nhằm đưa mối quan hệ đó lên ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
- Từ giữa năm 1995, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hai bên, mối quan hệ đó từng bước đã được phục hồi và phát triển. Đầu năm 1997, với mong muốn thắt chặt quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có chuyến thăm đến Ấn Độ (3-1997). Đây là sự kiện quan trọng, mang lại nguồn sinh lực mới cho quan hệ giữa hai nước, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử bang giao Việt Nam - Ấn Độ. Ấn Độ đánh giá cao Việt Nam đối với việc ủng hộ tích cực Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại đầy đủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như việc Ấn Độ tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM),...
- Năm 1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Ấn Độ - đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi Việt Nam thống nhất (1975) và từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Trong các cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi ý kiến về việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác nhiều mặt giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Việt Nam tái khẳng định việc ủng hộ Ấn Độ trở thành Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,....
- Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt xu thế quốc tế hoá và khu vực hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ, mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao nói riêng cũng được duy trì và có những bước phát triển mới.
Đầu năm 2001, Thủ tướng Ấn Độ A.B.Vát-pai-e thăm chính thức Việt Nam (1-2001). Chuyến thăm diễn ra vào đầu năm mới và cũng là Thiên niên kỷ mới cho thấy Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chuyến thăm nhằm khẳng định mối quan hệ truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, đặc biệt thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại đầu tư, khoa học công nghệ cho tuơng xứng với quan hệ chính trị hai nước.
- Năm 2003, quan hệ song phương giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới, đánh dấu bằng chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4-2003). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI. Tuyên bố khẳng định: “Bước vào thế kỷ XXI, hai bên quyết tâm phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới nhằm ứng phó với các thách thức mới của toàn cầu hoá, mối đe doạ của khủng bố quốc tế và những thách thức to lớn đối với hệ thống quan hệ quốc tế. Hai bên phấn đấu phát triển khía cạnh chiến lược trong quan hệ đối tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần hoà bình, ổn định, hợp tác và sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Hai bên sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có và tạo động lực mới cho sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước. Trên cơ sở quán triệt tầm quan trọng chiến lược mới của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, các bộ, ngành, các nghị sỹ Quốc hội, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quần chúng hai nước sẽ tăng cường trao đổi, giao lưu và tiếp xúc hữu nghị, để củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác với nhau”.[2] Hai bên đã thoả thuận thực hiện trong vòng 15 năm tới một Chương trình hợp tác toàn diện bao gồm 9 điểm được ký kết tại Niu Đê-li ngày 1-5-2003.
- Tháng 3-2010 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ. Chuyến thăm tiếp tục góp phần củng cố và tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn trân trọng gìn giữ và không ngừng phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước. Năm 2010, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị cấp cao Đông Á, Việt Nam có điều kiện giúp tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN.
Như vậy, các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước, một mặt thể hiện sự gần gũi, thân thiết của chính phủ và nhân dân hai nước; mặt khác đã tạo cơ hội để hai bên tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển, góp phần không nhỏ thực hiện thành công quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước của cả Việt Nam và Ấn Độ.
Cùng với quan hệ Nhà nước, quan hệ Đảng giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ chính thức với hai Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít (CPI-M) từ năm 1978, với Đảng Quốc đại (I) từ năm 1982 và với Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) từ năm 2003. Các Đảng thường xuyên cử đoàn đại biểu tham dự Đại hội của nhau. Các chuyến thăm cũng như cử đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng của nhau đã chứng tỏ sự mong muốn đẩy mạnh quan hệ đảng giữa hai nước.
Trong mối quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng ở Ấn Độ, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và hai Đảng Cộng sản Ấn Độ có nhiều điểm nổi bật hơn cả. Hai Đảng Cộng sản Ấn Độ đã từng tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Những truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị Việt - Ấn, sự tin cậy lẫn nhau tiếp tục được tăng cường, hai bên có nhiều điểm tương đồng về thế giới đương đại, phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.
2. Hành trình đi tới quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ đã và đang có mối quan hệ chính trị, ngoại giao hết sức tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ của hai nước. Mối quan hệ đó là sự tiếp nối truyền thống, hữu nghị được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp.
Từ sau “Chiến tranh lạnh” đến nay tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, song mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ về chính trị, ngoại giao nói riêng ngày càng được củng cố và phát triển, như lời của một học giả Ấn Độ đã đánh giá: Tình thân thiết Ấn Độ - Việt Nam không hề thay đổi qua thời gian, mà hơn thế nữa trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, mối quan hệ đó còn được tăng cường hơn.
Mối quan hệ chính trị, ngoại giao Việt - Ấn đã mở đường và đặt nền móng cho mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Mối quan hệ này đã góp phần to lớn vào thắng lợi trong quan hệ song phương giữa hai nước, cũng như quan hệ đa phương giữa hai nước với các tổ chức khu vực và quốc tế.
Như vậy, sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, quan hệ chính trị, ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ tiến triển tốt đẹp, thể hiện nổi bật qua quan hệ giữa hai Nhà nước và quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Quốc đại I, Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít (CPI-M). Quan hệ chính trị, ngoại giao Việt - Ấn đã góp phần phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Ấn Độ, vì lợi ích của hai quốc gia và thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới./.
[1] Báo Nhân Dân, ngày 23-9-1993.
[2]Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Ấn Độ bước vào thế kỷ 21/ Dẫn theo Nguyễn Vũ Tùng (Chủ biên): Khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2007, tr. 216 - 219 & 220.
[3] 8 Văn kiện quan trọng bao gồm: Hiệp định vận tải đường biển; Bản ghi nhớ về trao đổi đất và tài sản đối với Cơ quan đại diện ngoại giao; Bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng; Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ để triển khai Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá và nuôi trồng thủy sản; Chương trình trao đổi văn hoá; Chương trình trao đổi giáo dục; Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
[4] Báo Nhân dân, ngày 28-11-2008.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm việc với ba doanh nghiệp thành viên Vinashin  (15/08/2010)
Hội nghị Quan chức cấp cao Văn hóa - Xã hội ASEAN  (14/08/2010)
IMF thúc đẩy các biện pháp về cải cách quản lý  (14/08/2010)
IMF thúc đẩy các biện pháp về cải cách quản lý  (14/08/2010)
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 thứ trưởng mới  (14/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay