Quan hệ Việt Nam - Hung-ga-ri

14:25, ngày 15-05-2008

Nằm giữa Trung Âu, diện tích trên 93.000 km2 với khoảng 10 triệu dân (năm 2007), Hung-ga-ri là nước có đường biên giới chung dài 2216,8 km với các nước U-crai-na, Ru-ma-ni, Xéc-bia- Môn-tê-nê-grô, Crô-a-ti-a, Áo và Xlô-va-ki-a. Là nước nội địa, không có biển, nhưng với địa hình hầu hết là đồng bằng, thiên nhiên đã ban tặng cho Hung-ga-ri khí hậu ôn đới do chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa và Địa Trung Hải, nhiệt độ trung bình trong năm 120C chứa đựng tiềm năng lớn cho ngành du lịch phát triển.

Từ năm 2002 đến năm 2006, các chỉ số kinh tế chính của Hung-ga-ri thể hiện ở các mức:

2002

2003

2004

2005

2006

2007

  Tăng trưởng GDP

3,3%

2,9%

4%

4,2%

3,9%

2,1%

  Lạm phát

5,2%

5%

5,6%

2%

2%

7,8%

  Thâm hụt ngân sách

9,2%

5,6%

5,2%

6,1%

9,8%

 

  Thất nghiệp

 

 

5,8%

7,2%

 

7,7%

  Đầu tư nước ngoài

 

 

Tăng 10%

 

Tăng 20%

Về cơ cấu kinh tế: công nghiệp của Hung-ga-ri chiếm 32,4% GDP, nông nghiệp: 3,4% GDP, dịch vụ - du lịch: 64,2%. Theo phân bổ lao động, ngành dịch vụ thu hút lực lượng lao động nhiều nhất tới 61,2%, tiếp theo là công nghiệp Hung-ga-ri 33,3%. Tuy đất đai Hung-ga-ri màu mỡ nhưng ngành nông nghiệp chỉ thu hút 5,5% lao động. Tổng sản phẩm quốc nội tính theo sức mua của Hung-ga-ri năm 2007 là 194,2 tỉ USD; GDP bình quân đầu người đạt 19.500 USD; Xuất nhập khẩu của Hung-ga-ri trong năm qua đạt 171,72 tỉ USD, trong đó, riêng xuất khẩu là: 85,73 tỉ USD; nhập khẩu: 85,99 tỉ USD. Những bạn hàng xuất khẩu chủ yếu của Hung-ga-ri là: Đức(27,1%), Nga (8,2%), Trung Quốc (6,9%), Áo (6,2%), Ý (4,6%), Hà Lan (4,3%), Pháp (4,7%).

Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2007-2013, Hung-ga-ri được EU hỗ trợ khoảng 8000 tỉ Pho-ring (tiền Hung-ga-ri) tương đương với 32 tỉ ơ-rô để phát triển. Đây là cơ hội lớn, nhưng để nhận được, Hung-ga-ri phải đáp ứng các tiêu chuận của EU. Chính phủ của Thủ tướng Du-tran Phe-ren-xơ (Gyurcsany Ferenc) đã đề ra “Chương trình tiếp cận" và "thắt lưng buộc bụng" và đã được EU ủng hộ, gồm các biện pháp cải cách đồng bộ và rất quyết liệt, trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, hành chính và hệ thống phúc lợi xã hội.

Với việc nhất quán thực hiện 3 mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại từ sau khi chuyển đổi là: Nhanh chóng hội nhập các tổ chức châu Âu và Đại Tây Dương, trước hết là NATO và EU; Củng cố quan hệ với các nước láng giềng, khu vực; Bảo vệ lợi ích của cộng đồng Hung-ga-ri sống ở nước ngoài, trước hết là ở các nước láng giềng, tới nay, Hung-ga-ri đã là thành viên của hàng chục tổ chức quốc tế như: EU, FAO, NATO, IAEA, ICAO, ILO, IMF, NAM, OECD, OSCE, UN, UNESCO, WTO…Bên cạnh đó, Hung-ga-ri cũng quan tâm phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật với các nước đầy tiềm năng ở châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 3-2-1950, Việt Nam - Hung-ga-ri đã có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Hung-ga-ri đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu. Trong phong trào "Việt Nam, chúng tôi bên cạnh các bạn!", Hung-ga-ri tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ nhân dân ta, tham gia Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Pa-ri về Việt nam, đào tạo cho ta gần 3500 cán bộ khoa học kỹ thuật các cấp và xoá nợ cho ta từ năm 1973 về trước.

Đến những năm đầu thập kỷ 90, quan hệ hai nước bị giảm sút, nhưng từ năm 1992, các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đã dần được phục hồi thông qua những chuyến trao đổi nhiều đoàn cấp cao giữa hai nước. Đó là các chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm hồi tháng 5-1992, chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương tháng 8-1994, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu tháng 9-1995, chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 5-1997, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu tháng 12-1999, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tháng 9-2003, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5-2004.

Về phía Hung-ga-ri cũng có các chuyến thăm ngoại giao như chuyến thăm của Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Ph.Ma-ti-át tháng 4-1996, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Cô-rô-đi Ma-ria, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Cô-vát La-xlô tháng 4-1997, chuyến thăm của Tổng thống Guên-xơ A-rơ-pát tháng 2-1998, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Quốc hội Xi-li Co-to-lin tháng 4-2000, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Xi-li Co-to-lin tháng 3-2004, chuyến thăm của Thủ tướng Hung-ga-ri G.Phe-ren-xơ (Gyurcsany Ferenc) tháng 7-2005, chuyến thăm của Đặc phái viên Thủ tướng, ông M.Pi-tơ vào tháng 3-2007, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Guên-xơ King-go tới Việt Nam tháng 3-2008.

Quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hung-ga-ri  tiếp tục phát triển. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hung-ga-ri là cà phê, gạo, nông sản thực phẩm chế biến hàng dệt may, túi xách, đồ gỗ trang trí nội thất, các mặt hàng điện gia dung… Còn các mặt hàng xuất khẩu chính của Hung-ga-ri sang Việt Nam chủ yếu là dược phẩm và trang thiết bị y tế.

 

Năm 2004

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

   Hung-ga-ri xuất

16,40

18,47

25,20

26,90

   Việt Nam xuất

21,64

27,03

31,80

62,70

Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều

38,04

45,50

57,00

89,60

                                                                                              (đơn vị: triệu USD)

Hung-ga-ri ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và miễn đàm phán cho Việt Nam; ủng hộ Việt Nam ứng cử và chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009.

Về viện trợ phát triển: Từ năm 2003, Hung-ga-ri coi Việt Nam là một trong số các nước đối tác chiến lược trong chính sách ODA của mình. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hung-ga-ri G.Phe-re-xơ tháng 7-2005, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác phát triển nhằm xác định những nguyên tắc chung cho việc cung cấp và tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của Hung-ga-ri cho Việt Nam trong thời gian tới.
 
Năm 2005, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hung-ga-ri. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hung-ga-ri (19-23-7-2005), tại các cuộc tiếp xúc, trao đổi, hai bên đều khẳng định quyết tâm và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, nâng quan hệ lên một tầm cao mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, trong bối cảnh cả hai nước đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
 
Cho đến nay, Việt Nam và Hung-ga-ri đã ký kết nhiều văn bản: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác chống tội phạm có tổ chức, Tuyên bố chung về phát triển quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam và Hung-ga-ri, Hiệp định hợp tác kinh tế (thay cho Hiệp định Thương mại và Thanh toán ký năm 1992 hết hiệu lực ngày 1-5-2004 do Hung-ga-ri vào EU), Hiệp định hợp tác nông nghiệp, Hiệp định hợp tác phát triển, Hiệp định hợp tác khoa học - công nghệ, thoả thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Bộ Kinh tế - Giao thông Hung-ga-ri, cũng như các Kế hoạch hợp tác giữa các ngành giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hoá, phát thanh, hải quan.../.