Không xoá bỏ trợ cấp nông nghiệp khó có thể giải được bài toán an ninh lương thực toàn cầu
TCCSĐT - Nạn kham hiếm lương thực đang trở thành thực tế. Một trong những lý dó chủ yếu dẫn đến sự thiếu hụt đó là do các nước phát triển duy trì một chính sách trợ cấp nông nghiệp làm tê liệt những nỗ lực mở mang nông nghiệp thương phẩm ở nhiều nước đang phát triển. Chính sách đó đã đảm bảo được an ninh lương thực cục bộ cho các nước phát triển trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ngày nay, khi sản xuất nông nghiệp ở các nước phát triển đã đạt tới ngưỡng cản kỹ thuật, lời giải của bài toán an ninh lương thực toàn cầu chỉ có thể tìm được ở các nước đang phát triển. Chìa khoá để giải bài toán đó là việc từ bỏ vô điều kiện các khoản trợ cấp nông nghiệp để tạo ra một sân chơi bình đẳng trên phạm vi toàn cầu.
Thiếu hụt lương thực toàn cầu đang trở thành thực tế
Theo ước tính của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), hiện trên thế giới có tới 1,02 tỉ người thiếu ăn; 5 triệu trẻ em đã chết trong năm 2009 do thiếu lương thực, hoặc không có loại thức ăn phù hợp cho các em. Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi dân số thế giới không ngừng gia tăng. Trong vòng 40 năm tới, thế giới sẽ có thêm 2,3 tỉ người , đạt con số 9,1 tỉ người vào năm 2050. Lượng lương thực cần thiết sẽ phải nhiều hơn 1,7 lần so với sản lượng nông nghiệp hiện nay của thế giới.
Hồi đầu năm 2008, lo lắng về thiếu hụt lương thực toàn cầu đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngừng xuất khẩu gạo, làm giá mặt hàng này tăng vọt từ 300 USD/tấn lên hơn 1.100 USD/tấn, dẫn đến bạo loạn và cướp giật lương thực xảy ra ở một số nước, trong đó nặng nề nhất là tại Haiti với việc chính quyền sụp đổ. Mới đây, việc Nga cấm xuất khẩu ngũ cốc cũng đã làm giá mặt hàng này tăng vọt từ 130 ơ-rô/tấn lên 210 ơ-rô/tấn. Sự thiếu hụt lương thực đang trở thành thực tế.
Có nhiều yếu tố cho thấy nguồn cung lương thực trên thế giới đang thực sự có vấn đề. Thiên tai liên miên: hạn hán và cháy rừng tại Nga, lũ lụt ở Pa-ki-xtan, Ấn Độ và Trung Quốc… Nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm hàng triệu hécta đất trồng trọt. Nồng độ khí CO2 trong không khí gia tăng cũng sẽ làm giảm sản lượng ngũ cốc…
Nhà kinh tế nông nghiệp Đức nổi tiếng Harald von Witzke khẳng định nhu cầu lương thực toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn khả năng sản xuất của thế giới. Ông là một trong những người đầu tiên dự báo sự tăng giá sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trên thị trường lương thực thế giới trong thế kỷ XXI. Theo ông, trong suốt thế kỷ XX, mặc dù nhu cầu gia tăng đáng kể, nhưng giá lương thực lại giảm, còn trong thế kỷ XX, giá lương thực sẽ tăng mạnh. Năm 2005, ông dự báo trong vòng 10 năm tới giá lương thực sẽ tăng gấp đôi. Những gì đang diễn ra đang khẳng định những tính toán của ông.
Điều đáng chú ý là phần lớn những người thiếu ăn là những người có sức mua thấp hơn 1 USD/ngày. Họ phải chi tới 75% con số đó cho lương thực - thực phẩm. Nếu giá lương thực tăng 50% trở lên, nhưng người này sẽ không còn khả năng duy trì nhu cầu sinh học tối thiểu.
Vì sao lương thực bị thiếu hụt?
Trong một bài báo nhan đề “Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng”, nhật báo Pháp Les Echos cho biết: các chính phủ trên thế giới đã áp dụng trên 1.000 biện pháp bảo hộ mậu dịch khác nhau và còn dự định triển khai thêm hàng trăm biện pháp bảo hộ mậu dịch khác. Các biện pháp bảo hộ này khá tập trung trong lĩnh vực nông sản.
Theo ước tính của Viện nghiên cứu quốc tế về Chính sách lương thực tại Oa-sinh-tơn, chính sách bảo hộ mậu dịch và trợ cấp nông nghiệp của các nước phát triển đã loại bỏ khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và công nghiệp biến chế nông phẩm của các nước đang phát triển 24 tỉ USD mỗi năm, làm các nước nghèo thiệt 40 tỉ USD khi xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển mỗi năm. Các nông dân tại những nước đang phát triển hầu như không thể cạnh tranh nổi với nông sản nhập khẩu từ những nước công nghiệp ngay trên sân nhà vì những mặt hàng đó được trợ cấp từ quá trình sản xuất nên có mức giá rất cạnh tranh.
Sự méo mó của thị trường nông sản do chính sách trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu chính là lý do vì sao các nước đang phát triển không muốn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp. Hệ quả là ruộng đất bỏ hoang, ngành nông nghiệp của họ ngày càng lụn bại, năng suất thấp và mang tính tự cung tự cấp, xa rời thị trường. Trong khi năng suất lao động trong nông nghiệp và hiệu suất sử dụng đất tại các nước phát triển đã cao chạm nguỡng cản kỹ thuật thì năng suất lao động và hiệu quả sử dụng đất ở các nuớc nghèo vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất thấp. Sự lãng phí ấy là nguyên nhân chủ yếu khiến lương thực bị thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu.
Giải pháp nào cho nạn khan hiếm lương thực?
Ở các nước phát triển, sản lượng nông nghiệp sẽ không thể gia tăng đáng kể vì 4 lý do: một là, các diện tích có thể gieo trồng hầu như đã sử dụng hết, việc khai khẩn không thể tiến hành thêm vì lý do bảo vệ môi trường; hai là, giá năng lượng tăng mạnh khiến chi phí của nông dân tăng cao, đồng thời một phần diện tích gieo trồng bị chuyến sang trồng cây nguyên liệu năng lượng sinh học; ba là, nạn khan hiếm nước gia tăng do phá rừng và xây dựng thuỷ điện; bốn là, việc trồng trọt đã đạt tới ngưỡng cản kỹ thuật (tức là với trình độ công nghệ hiện nay thì gần như không thể đạt được năng suất cao hơn nữa). Nói tóm lại, ở các nước phát triển, khoảng trống để tăng sản lượng còn rất ít.
Trong khi đó, ở các nuớc đang phát triển, do không thể cạnh tranh với nông dân các nước phát triển vì chính sách trợ cấp nông nghiệp của chính phủ các nước đó, người nông dân lại bỏ hoang ruộng đồng, không dám vay tín dụng để đầu tư sản xuất, không tổ chức nổi các doanh nghiệp nông thôn sản xuất nông sản thương phẩm. Điều đó khiến cho khoảng trống để tăng sản lượng còn rất nhiều. Vì vậy, hy vọng gia tăng sản lượng nông nghiệp chỉ có thể trông đợi chủ yếu vào các nước đang phát triển. Bằng việc cung cấp tín dụng, công nghệ hiện đại và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho nông dân các nước này, năng suất lao động của họ sẽ tăng mạnh dẫn đến sản lượng nông nghiệp tăng cao. Sự gia tăng của giá nông sản sẽ khuyến khích người nông dân ở các nước đang phát triển “suy nghĩ trên luống cày của mình”.
Như vậy, lời giải cho bài toán an ninh lương thực hiện nay nằm ở chính các nước đang phát triển. Để tìm ra lời giải đó, điều tiên quyết là các nước phát triển phải kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha, để loại bỏ những biến dạng thị trường do trợ cấp và thuế nông sản, để tạo ra một thị trường lương thực toàn cầu linh hoạt, hiệu quả và công bằng hơn. Chỉ khi xoá bỏ trợ cấp nông nghiệp và tự do hoá thương mại nông sản, thế giới mới có một sân chơi bình đẳng. Khi đó, người nông dân Ấn Độ, Tan-da-ni-a hay Bra-xin mới có thể cạnh tranh bình đẳng với các đồng nghiệp của họ tại Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Điều đó khuyến khích họ khai khẩn đất hoang, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp và tổ chức các doanh nghiệp nông thôn hiệu quả, đẩy nhanh việc sản xuất nông nghiệp để lấp khoảng trống đã nêu.
Xoá bỏ trợ cấp nông nghiệp, mở đường cho nông nghiệp ở các nước đang phát triển vươn lên, chính là chìa khoá để giải bài toán an ninh lương thực toàn cầu hiện nay./.
Vì sao Việt Nam không cần đa đảng?  (08/09/2010)
Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin  (08/09/2010)
Quy chế pháp lý của công dân Việt Nam  (08/09/2010)
Quốc phòng an ninh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam  (08/09/2010)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia giới thiệu 8 cuốn sách  (08/09/2010)
Quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Ba Lan  (08/09/2010)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay