Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn

TCCSĐT - Sáng 14-5, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á-Âu lần thứ 2 (gọi tắt là ASEMME 2) khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề ASEMME 2 năm 2009 được chọn là “Đảm bảo chất lượng, công nhận và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM” và “Phát triển nguồn nhân lực bền vững đáp ứng những nhu cầu của ASEM trong tương lai”. Đây là những chủ đề thiết thực góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực giáo dục giữa châu Á và châu Âu.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận cơ chế hợp tác đa phương giữa các thành viên châu Á và châu Âu, tiến tới đẩy mạnh hiệu quả hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này và cho rằng, đây là những chủ đề rất thiết thực không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác giáo dục Á-Âu, mà còn giải quyết những tác động tiêu cực về mặt xã hội của khủng hoảng hiện nay. Châu Á và châu Âu có vị trí quan trọng đối với sự ổn định và phát triển thế giới, và, hợp tác Á-Âu (ASEM) không những thúc đấy hợp tác giữa châu Á và châu Âu, hợp tác song phương giữa các nước thành viên ASEM mà còn thúc đẩy hợp tác với các châu lục khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam luôn coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, đồng thời là một nhân tố quan trọng để thực hiện xoá đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện và mạnh mẽ về giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm tại Hội nghị là phát triển nguồn nhân lực bền vững, mà theo các chuyên gia, là yếu tố tiên quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển của hai châu lục Á và Âu. Trong bối cảnh các nước châu Âu tuy có trình độ giáo dục cao nhưng lại cần nguồn nhân lực chất lượng tốt, ngược lại, châu Á có thừa nguồn nhân lực, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, chất lượng giáo dục, vì thế, theo các chuyên gia, cơ chế hợp tác giữa hai châu lục là rất cần thiết.

Vấn đề này đã được đề cập ngay từ hội nghị Giáo dục Á - Âu lần thứ 1 (ASEMME1) tổ chức tại thủ đô Béc-lin (Đức) năm 2008. Hội nghị Giáo dục Á-Âu (ASEMME2) là bước đi tiếp theo nhằm thảo luận về các cơ chế triển khai hợp tác giáo dục giữa hai châu lục trong thời gian tới.

Đánh giá về tầm quan trọng của cơ chế hợp tác giữa hai châu lục, ông Han By-ong Man, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc nhận định: “Hội nghị ASEM tại Việt Nam là một sự kiện rất lớn để thúc đẩy giáo dục của các quốc gia châu Á và châu Âu. Từ hội nghị này cho thấy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa các quốc gia Á-Âu đang diễn ra tốt đẹp, tạo tiền đề hợp tác sâu rộng và trên nhiều khía cạnh trong nội khối ASEM”.

Phần lớn các đại biểu cho rằng, để hợp tác giáo dục Á-Âu đi vào thực chất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong nội khối. Hợp tác Việt Nam - Vương quốc Anh là một ví dụ. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 5.000 sinh viên, lưu học sinh đang học tập tại Anh. Nguồn nhân lực này không chỉ đóng góp đáng kể vào ngân sách giáo dục của Vương quốc Anh, mà còn giúp Việt Nam có thêm đội ngũ cán bộ có chất lượng chuyên môn cao, am hiểu nước Anh, góp phần tạo cầu nối giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, theo ông Mark Kent - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, đồng thời là trưởng đoàn đại biểu Anh tham gia Hội nghị, việc hợp tác, trao đổi sinh viên là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác giáo dục.

Đại sứ Mark Kent nhận định: “Tôi cho rằng, một trong những biện pháp thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa châu Á và châu Âu là trao đổi sinh viên, học sinh giữa hai châu lục. Đó là một đường “link” để liên kết trong lĩnh vực giáo dục. Hai khu vực có điều kiện phát triển khác nhau, nền tảng giáo dục, môi trường và văn hoá khác nhau. Nếu có sự tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, trong đó có cơ chế trao đổi sinh viên thì sẽ rất hữu ích”.

Còn ông Frank Peza, Trưởng đại diện phái đoàn Oalonie Brúc-xen, đại diện cho đoàn đại biểu Vương quốc Bỉ cho rằng: “Trong bối cảnh các mối quan hệ toàn cầu ngày càng mở rộng như hiện nay, mối quan hệ Á - Âu về kinh tế, chính trị, giáo dục sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Chúng tôi cũng cho rằng sáng kiến Cologne về giáo dục Á-Âu về trao đổi giáo dục giữa thành viên của hai châu lục là rất quan trọng. Theo sáng kiến này, sinh viên châu Âu có thể chọn học tập không chỉ ở nước sở tại, mà còn có thể tham gia học tập ở mọt nước khác ngoài châu lục và cũng tương tự như vậy đối với châu Á. Cơ chế này không chỉ giúp trao đổi thông tin, mà còn giúp các nước hiểu nhau hơn”.

Bên lề Hội nghị, đại diện đoàn Thuỵ Điển cho biết: Với tư cách là Chủ tịch luân phiên EU vào nửa cuối năm nay, Thụy Điển sẽ nỗ lực triển khai các nội dung trọng tâm của hội nghị. Bà Maria Wilernius, Giám đốc chương trình Phát triển Giáo dục chất lượng cao (Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Điển) cho biết: “Chúng tôi cũng rất mong muốn xây dựng một cơ chế để sao cho một sinh viên tốt nghiệp đại học ra, thì bằng đại học ấy có thể vừa được công nhận tại Thuỵ Điển, nhưng cũng được công nhận tại một nước khác. Và chỉ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước Á - Âu mới có thể thực hiện được mục tiêu ấy”./.