Điều hành chính sách tài chính năm 2008 - vững tin hơn về kinh tế vĩ mô trong năm 2009
TCCS - “Con thuyền” kinh tế Việt Nam không khỏi bị tròng trành trước “bão táp” của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2008 về chống lạm phát, ổn định vĩ mô nền kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể vững tin hơn trong thời gian tới với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ về kích cầu, chống suy giảm tăng trưởng kinh tế, ổn định an sinh xã hội...
Năm 2008 đã đi qua trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có nhiều biến động rất phức tạp và khó lường. Trong các tháng nửa đầu năm 2008, giá dầu thô và nhiều loại nguyên liệu, hàng hóa khác trên thị trường thế giới tăng mạnh, dẫn đến lạm phát cao xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Trong nước, đợt rét đậm lịch sử kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã gây tổn thất lớn về vật chất và có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Những diễn biến bất lợi này đã kéo giá cả trong nước tăng mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp.
Từ giữa tháng 6, khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã dẫn đến một số nền kinh tế lớn suy thoái, kinh tế thế giới suy giảm và do vậy có những tác động rõ rệt đến nền kinh tế trong nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (đặc biệt xuất - nhập khẩu hàng hóa) gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm trong các tháng cuối năm 2008. Đầu năm 2009, các chỉ số chứng khoán giảm mạnh, trong khi thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh đã liên tiếp xảy ra tại các địa phương, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân cư. Những diễn biến này đã đưa nền kinh tế nước ta từ trạng thái lạm phát cao ở các tháng đầu năm sang trạng thái suy giảm vào các tháng cuối năm 2008. Điều này cho thấy tính phức tạp trong diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô năm 2008.
Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ban hành 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.Việc thực hiện linh hoạt các nhóm giải pháp đồng bộ này đã giúp tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 tăng 6,18% so với năm 2007. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới. Lạm phát đã được kiềm chế, an sinh xã hội được bảo đảm, nhiều vấn đề bức xúc xã hội đã được giải quyết có hiệu quả. Những nét lớn của tình hình tài chính năm 2008 như sau:
Về cân đối thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), trong điều kiện khó khăn cả trong nước và quốc tế, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các ngành, các cấp, ngành tài chính trong năm 2008 đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng thu cân đối NSNN năm 2008 tăng 31% so với thực hiện năm 2007 và vượt 28% so với dự toán, đạt tỷ lệ động viên 24,1% so GDP (thuế và phí đạt 21,2%). Trong đó, thu nội địa chiếm 55,5% tổng thu, thu từ dầu thô chiếm 27,5% và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 27,2% tổng thu NSNN. Số thu NSNN năm 2008 vượt dự toán lớn chủ yếu do kinh tế tăng trưởng ở mức khá, vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh, giá dầu thô cao và các biện pháp điều chỉnh thuế nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế nhập siêu.
Về chi cân đối NSNN cả năm vượt 23,2% so với dự toán và tăng khoảng 23% so với thực hiện năm 2007, bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng theo dự toán. Nhờ có tăng thu đã tạo nguồn tăng chi cho các nhiệm vụ an sinh xã hội, chi bù lỗ dầu để ổn định giá bán trong nước, chi phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; dành trên 36.000 tỉ đồng tăng chi đầu tư phát triển; giảm bội chi NSNN và chuyển nguồn sang năm 2009, qua đó góp phần đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2008 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Như vậy, với kết quả thực hiện thu - chi NSNN năm 2008, hoạt động tài chính - ngân sách đã cơ bản theo sát mục tiêu nhiệm vụ 5năm 2006 - 2010 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đề ra. Tổng thu NSNN trong 3 năm 2006 - 2008 ước đạt 67,4% chỉ tiêu 5 năm. Tốc độ tăng thu bình quân (đã loại trừ yếu tố tăng giá dầu) là 13,4% (chỉ tiêu đề ra cho 5 năm là 10,8%/năm). Quy mô thu NSNN năm 2008 tăng 75% so với năm 2005, động viên NSNN 3 năm 2006 - 2008 từ thuế và phí (đã loại trừ yếu tố tăng giá dầu) đạt 23% GDP (mục tiêu đề ra cho 5 năm là 20% - 21%GDP).
Tổng chi NSNN trong 3 năm 2006 - 2008 ước đạt 64% chỉ tiêu 5 năm 2006 - 2010. Tốc độ tăng chi bình quân hằng năm đạt 21,3%/năm (chỉ tiêu đề ra 11,2%/năm). Quy mô chi NSNN năm 2008 tăng 79% so với năm 2005. Cơ cấu chi đang thay đổi tích cực theo hướng tăng chi cho con người, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tăng cường đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Về cán cân thanh toán quốc tế, trong năm 2008, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đạt 143,4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 62,7 tỉ USD (tăng 29,1% so với năm 2007) và nhập khẩu đạt 80,7 tỉ USD (tăng 28,6% so với năm 2007). Cán cân thương mại của cả nước tiếp tục trong tình trạng thâm hụt ở mức khá cao, ước tính 18 tỉ USD, tăng 27,5% so với năm 2007 và bằng 28,7% kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2008 tăng cao nhất trong các năm qua nhờ môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện và lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và phát triển dài hạn của Việt Nam. Mặc dù trong các tháng cuối năm có những dấu hiệu chậm tiến độ đầu tư ở một số dự án lớn, nhưng mức vốn giải ngân năm 2008 đạt 11,5 tỉ USD, tăng 43,2% so với năm 2007, trong đó phần vốn nước ngoài đạt khoảng 9 tỉ USD. Giải ngân ODA cả năm 2008 cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng mức giải ngân ODA của cả năm ước đạt 2,26 tỉ USD, vượt 18% kế hoạch và tăng 12% so với thực hiện năm 2007. Trong đó, vốn vay trung và dài hạn ước đạt 1,94 tỉ USD và viện trợ ước đạt 320 triệu USD. Với kết quả giải ngân FDI và ODA nêu trên, cán cân vốn và tài chính (ròng) ước đạt mức thặng dư 15,36 tỉ USD. Như vậy, tổng cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong năm 2008 ước đạt mức thặng dư khoảng 800 triệu USD.
Chính sách tài chính đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế nhập siêu, giữ vững cán cân thanh toán quốc tế. Việc điều hành chính sách thuế nhập khẩu đã bảo đảm các cam kết đối với WTO và các thỏa thuận khác góp phần phát triển sản xuất trong nước, kiềm chế nhập siêu.
Về lạm phát, năm 2008 có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường. Trong những tháng đầu năm, lạm phát tăng nhanh một phần do ảnh hưởng của biến động giá cả trên thị trường thế giới, đặc biệt giá lương thực và giá dầu thô, một phần do tốc độ tăng kỷ lục của các dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường trong nước. Mức lạm phát theo tháng của 6 tháng đầu năm luôn vượt quá 2%, trong đó tháng 5 có mức lạm phát lên tới 3,91%. Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp như thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng; điều chỉnh cơ chế lãi suất, tỷ giá; tiết kiệm chi tiêu ngân sách; sắp xếp lại kế hoạch đầu tư và cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả; tăng cường quản lý nhập khẩu, tình trạng lạm phát cao đã được kiềm chế, thị trường, giá cả dần đi vào ổn định. Từ đầu quý IV năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng liên tiếp giảm: tháng 10 giảm 0,19% so với tháng trước, tháng 11 giảm 0,76% và tháng 12 giảm 0,68%. Tính chung cả năm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2008 đã tăng 19,89% so với cùng kỳ năm 2007. Trong bối cảnh lạm phát cao, nhưng trong năm 2008, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh một bước giá các sản phẩm xăng dầu và tuyên bố thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các sản phẩm dầu từ ngày 18-9-2008, đối với một số mặt hàng khác được ổn định trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ về giá cả.
Về thị trường tài chính, năm 2008 cũng là năm chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp. Thị trường chứng khoán suy giảm mạnh ngay từ đầu năm: Trong 6 tháng đầu năm chỉ số Vietnam Index đã giảm liên tục từ mốc 921 điểm xuống chỉ còn 366 điểm (ngày 20-6-2008). Trong nửa cuối năm 2008, mặc dù có sự phục hồi lên mức 575 điểm (27-8-2008), chỉ số Vietnam Index nhanh chóng mất điểm và đóng cửa cuối năm ở mức 315 điểm. Để ổn định thị trường và củng cố lòng tin của nhà đầu tư, trong năm 2008, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đồng bộ. ủy ban chứng khoán Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh biên độ giao dịch, đồng thời thực hiện điều hòa kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý các vi phạm Luật Chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các biện pháp linh hoạt nhằm kiểm soát tình trạng cho vay trong giao dịch chứng khoán, một mặt, nhằm giữ ổn định cho hệ thống ngân hàng; mặt khác, tạo tính thanh khoản cao cho thị trường.
Tính đến ngày 31-12-2008, có 342 công ty và chứng chỉ quỹ được niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HASTC, trong đó có 91 công ty mới được niêm yết trong năm 2008. Đến ngày 31-12-2008, tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán đạt khoảng 225.300 tỉ đồng (tương đương khoảng 15% GDP), giảm khoảng 45% so với mức giá trị vốn hóa cuối năm 2007.
Thị trường bảo hiểm trong năm 2008 tiếp tục phát triển khá. Tổng doanh thu bảo hiểm của toàn thị trường ước đạt 26.082 tỉ đồng. Ngành bảo hiểm cũng đã huy động và đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 57.000 tỉ đồng, tăng khoảng 22% so với năm 2007. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết, bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 6.400 tỉ đồng, bảo đảm sự phát triển ổn định của các tổ chức, cá nhân không may gặp rủi ro, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tóm lại, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động phức tạp cả trong và ngoài nước, song tình hình tài chính vĩ mô của cả nước năm 2008 vẫn được duy trì ổn định, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, thị trường chứng khoán vẫn bảo đảm thanh khoản và duy trì hoạt động, dòng vốn vào ra vẫn trong tầm kiểm soát... tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng cho việc điều hành chính sách của Chính phủ trong năm 2009 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới.
Định hướng, giải pháp kích cầu năm 2009
Bước vào năm 2009, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến tiêu cực. Tình trạng suy giảm tiêu dùng, đầu tư, tăng tỷ lệ thất nghiệp, phá sản doanh nghiệp và ngân hàng tại các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng của thế giới và các nền kinh tế lớn. Ngày 18-3-2009, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm ở mức trong khoảng từ -1% tới -0,5% trong năm 2009 (dự báo tháng 1-2009 là +0,5%); kinh tế Mỹ giảm 2,6% (dự báo tháng 1-2009 là -1,6%), Khu vực đồng ơ-rô giảm 3,2% (dự báo tháng 1-2009 là -2%) và Nhật Bản giảm 5,8% (dự báo tháng 1 là -2,6%).
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta cũng gặp nhiều khó khăn ngay trong các tháng đầu năm 2009. Tăng trưởng công nghiệp 2 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch xuất - nhập khẩu quý I-2009 giảm mạnh, ước đạt 25,31 tỉ USD, giảm 27% so với quý I năm 2008. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 13,48 tỉ USD, tăng 2,4% và nhập khẩu ước đạt 11,83 tỉ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2007.
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP với mục tiêu là “Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả trong đó nhiệm vụ trọng tâm là chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội”. Về kinh tế, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 được dự báo là khoảng 5%. Để thực hiện được mục tiêu này, những giải pháp cơ chế, chính sách chủ yếu của năm 2009 được tập trung vào 5 nhóm sau đây.
Một là, thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao như: các sản phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản phẩm nhựa và các mặt hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh, khai thông thị trường tiêu thụ của những loại nông sản có khối lượng hàng hóa lớn và sản xuất tập trung như: lúa gạo, thủy sản, cà phê, cao su... áp dụng các chính sách tài chính, tiền tệ cần thiết để hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp như: thép, xi-măng, giấy, sản phẩm hóa chất... Tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, không để xảy ra dịch bệnh tràn lan; đặc biệt chú ý giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, không để diễn ra tình trạng được mùa lại mất giá. Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế thu mua đối với các sản phẩm: lúa gạo, cà phê, chè, cao su, điều hạt, cá nuôi, tôm nuôi; chính sách, cơ chế hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng.
Hai là, thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng thông qua việc tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh:
Rà soát tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng.
Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ, cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với các dự án đã có trong danh mục được phê duyệt; trên cơ sở đó thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình và được thanh toán theo tiến độ, sớm hoàn thành dứt điểm dự án, công trình. Đồng thời, cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trái phiếu chính phủ còn lại của năm 2008 trong năm 2009.
Cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại của năm 2008 đến hết tháng 6 năm 2009 đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn NSNN. Tạm hoãn thu hồi các khoản vốn NSNN đã ứng trước kế hoạch năm 2009, trừ các khoản đã được tạm ứng năm 2009 để hoàn thành trong năm 2008. Đối với các dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để đăng ký nguồn vốn.
Triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho người nghèo, ban hành chính sách xây dựng Quỹ nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015 và cơ chế phù hợp để bảo đảm khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Ba là, về chính sách tài chính, tiền tệ:
Về chính sách tài chính: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV/2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 9 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử.
Tạm hoàn 90% thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán.
Điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số loại tài nguyên, khoáng sản để giữ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước; điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Điều chỉnh tăng thuế trong khuôn khổ cam kết WTO tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước kiềm chế nhập siêu.
Giãn thời gian ân hạn nộp thuế đối với một số ngành hàng như đóng tàu, sản xuất cơ khí, thực hiện chính sách ân hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Cải cách thủ tục xuất - nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đơn giản các thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế...
Quy định tỷ lệ phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu không phải chịu thuế nhập khẩu.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho phát hành bổ sung 20.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2009 để tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, nhà ở cho sinh viên; tạo nguồn tạm ứng vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách; các công trình cần đầu tư, đang làm dở dang thiếu vốn; bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA; khai thông các công trình đầu tư FDI; các công trình quan trọng phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... hoàn thành trong năm 2009 và năm 2010.
Về chính sách tiền tệ: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và doanh nghiệp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng của các tổ chức và cá nhân để phục vụ sản xuất kinh doanh, bao gồm cả cho vay ngắn hạn và trung, dài hạn. Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, lãi suất tín dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển; chính sách về bảo lãnh vay nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, điều chỉnh hợp lý, hạ lãi suất cho vay theo tín hiệu thị trường. Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá ngoại tệ theo tín hiệu thị trường, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm không thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế.
Triển khai thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo thêm nhiều việc làm mới.
Bốn là, thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai tiếp tục các biện pháp hỗ trợ lương thực, chi phí sửa chữa nhà ở, phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, bảo đảm không để xảy ra tình trạng người dân bị đói và nhanh chóng khôi phục sản xuất sau lũ, lụt.
Rà soát, xây dựng để đưa vào áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo.
Thực hiện các biện pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà cho người nghèo, các đối tượng chính sách, nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho học sinh, sinh viên.
Tổ chức triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để bùng phát dịch bệnh; tăng cường khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho người nghèo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các bệnh viện.
Thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, bảo đảm vốn cho sinh viên nghèo vay đi học.
Bổ sung dự trữ quốc gia về lương thực để chủ động cứu trợ cho người dân ở các vùng bị lũ, lụt, không để xảy ra tình trạng thiếu đói ở những vùng bị thiên tai. Tiếp tục thực hiện trợ cấp khó khăn cho người hưởng lương từ NSNN có đời sống khó khăn, thu nhập thấp.
Năm là, tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện. Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt, linh hoạt và kịp thời các giải pháp điều hành phù hợp với những biến đổi của tình hình, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác dự báo, phân tích kinh tế; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Trung ương và địa phương để tăng cường sự đồng thuận của xã hội, sự ủng hộ của người dân và sự tham gia, tin tưởng của các nhà đầu tư. Trong tháng 4-2009, Chính phủ đã tổ chức các đoàn đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục có các diễn biến phức tạp, hậu quả của nó sẽ nặng nề hơn so với dự báo; kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Tình hình này đòi hỏi các nền kinh tế và các doanh nghiệp cần có sự nhìn nhận khắt khe hơn đối với diễn biến của thị trường. Năm 2009 là năm đầy thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam, dự báo nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn khi nguồn vốn trong và ngoài nước không dồi dào và chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, nền kinh tế nước ta cũng có những thuận lợi cơ bản như ổn định chính trị, mức tăng trưởng năm 2008 là tiền đề cho năm 2009. Quý I năm 2009, tuy kinh tế suy giảm nhưng nhiều lĩnh vực có dấu hiệu tích cực (sản xuất nông nghiệp được mùa duy trì được tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tháng 2 và tháng 3 đã tăng trưởng trở lại, dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương). Vì vậy, năm 2009 vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng ta phát huy được những lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng với sức mua lớn.
Trong bối cảnh như vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính hết sức nặng nề. Với quyết tâm nâng cao năng lực, hoạch định chính sách và cải cách thể chế, thủ tục hành chính, dưới sự chỉ đạo của Đảng, ngành tài chính tập trung vào các công việc lớn như:
Chính sách tài chính tập trung huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thực hiện mục tiêu trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Chính sách tài chính thúc đẩy cải cách cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế bảo đảm phát triển bền vững.
Chính sách tài chính tạo động lực để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có vấn đề chính sách điều hành giá cả hàng hóa, phát triển thị trường vốn, thị trường sức lao động, bất động sản...
Chính sách tài chính bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ thu chi NSNN góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2008 về kinh tế vĩ mô, với môi trường chính trị xã hội ổn định; nội lực và tiềm năng tăng trưởng còn có thể phát huy mạnh hơn; thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển, quan hệ và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng phát triển của nền kinh tế. Chính phủ nhận thức đầy đủ khó khăn và luôn theo sát các biến động của thị trường thế giới để có các giải pháp kịp thời, chính xác và đồng bộ nhằm hạn chế tác động, tận dụng thời cơ để phát huy tiềm năng tăng trưởng của đất nước, duy trì được mục tiêu tăng trưởng hợp lý, tạo đà cho việc tăng trưởng và phát triển kinh tế cao hơn trong thời gian tới./.
Trở ngại đối với chính sách hướng Ðông của EU  (14/05/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5  (14/05/2009)
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5  (14/05/2009)
Gieo đức tin về hòa bình  (14/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên