Trong bối cảnh tình hình Xi-ri đang xấu đi nghiêm trọng, Anh và các đồng minh phương Tây hối thúc Hội đồng Bảo an (HĐBA) thông qua một nghị quyết lên án Xi-ri, cho rằng chính quyền của Tổng thống An Át-xát đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, nhiều nước ủy viên khác trong HĐBA, trong đó có Nga và Trung Quốc - hai ủy viên thường trực, đã lên tiếng bác bỏ. Một số nước tỏ ra do dự, do những hành động mới đây của NATO ở Li-bi.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 10-5 của HĐBA, Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc (LHQ) Pi-tơ Uýt-tích (Peter Wittig) đề nghị đưa ra trước công lý những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu trong những ngày qua tại Xi-ri. Đại diện của Pháp kêu gọi chính quyền của Tổng thống An Át-xát hợp tác với nhóm điều tra của LHQ, cho phép đoàn viện trợ nhân đạo tiếp cận thành phố Đa-ra (Daraa) và nhiều thành phố khác. Theo các chuyên gia, số phận của dự thảo nghị quyết này nằm trong tay Ấn Độ, Nam Phi và Braxin, những nước được xem là có ảnh hưởng nhưng còn do dự.

Từ ngày 10-5, lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) đối với Xi-ri, cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào 13 quan chức cấp cao nước này, đã chính thức có hiệu lực. Phản đối lệnh trừng phạt này, hàng trăm người Xi-ri đã tụ tập trước trụ sở Đại sứ quán Pháp và trụ sở ngoại giao đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) tại Đa-mát (Damascus). Hãng thông tấn SANA đưa tin những người biểu tình tuyên bố "nhân dân Xi-ri không sợ hãi trước các âm mưu và chiến dịch truyền thông đánh lạc hướng nhằm xúi giục bạo loạn, phá hoại an ninh và ổn định của Xi-ri".
Hai ngày trước đó, hàng trăm người dân Xi-ri cũng đã biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Đa-mát để phản đối sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ Xi-ri.

Gần hai tháng qua, Xi-ri đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nhằm kêu gọi cải cách. Chính quyền Xi-ri khẳng định: các hành động bạo lực trong các cuộc biểu tình là do "các nhóm khủng bố có vũ trang" tiến hành./.