Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 6 bộ: Tranh luận tư duy quản lý
TCCSĐT - Nhiều vấn đề về tư duy quản lý được đề cập với các ý kiến tranh luận tại cuộc kiểm tra 6 bộ của Tổ công tác của Thủ tướng chiều 22-4 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Với 43 kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, các Bộ được kiểm tra gồm: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ là tạo bứt phá cho tăng trưởng năm 2019. Chính phủ, Thủ tướng luôn lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, cơ quan, địa phương cần cải cách mạnh mẽ, thực chất.
“Tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, nhất là những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cản hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại ý kiến Thủ tướng.
Tại buổi làm việc, hàng loạt vấn đề chính sách đã được nêu ra, mà trước hết là các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Trong đó, các quy định liên quan tới kinh doanh rượu nhận được ý kiến tranh luận trái chiều, như qui định cấm bán rượu trên internet, giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối các cơ sở lưu trú du lịch…
Không buông quản lý nhưng cần tháo thủ tục
Theo các doanh nghiệp, Luật Du lịch không đề cập yêu cầu về giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ đối các cơ sở lưu trú du lịch. Nhưng theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trường hợp trên vẫn phải xin giấy phép.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Nghị định 105 cần phải được sửa đổi và đồng ý cần xem lại quy định trên. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An giải thích rằng quy định này là nhằm kiểm soát nguồn gốc rượu.
Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ý kiến, các cơ sở lưu trú đã được xếp sao, xếp hạng là đã đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật rồi, các cơ sở này kiến nghị chỉ cần thông báo tới cơ quan nhà nước về việc bán rượu, còn việc kiểm soát nguồn gốc rượu lại được điều chỉnh bởi các quy định khác.
Nêu ý kiến, đồng chí Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), thành viên Tổ công tác cho rằng việc quản lý không thể buông lỏng, nhưng cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bởi trên thực tế kể cả có giấy phép thì doanh nghiệp vẫn có thể bán rượu kém chất lượng hay không rõ nguồn gốc.
Khi đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đồng tình với Bộ Công Thương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn nêu rõ quan điểm không đồng ý với quy định này.
“Chúng ta muốn nói việc thay đổi cách thức quản lý, không buông lỏng quản lý nhưng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đã thực hiện thủ tục rồi nhưng cũng phải xem hiệu quả đích thực thế nào? Thực tế mỗi năm kiểm tra được bao nhiêu cơ sở bán rượu không giấy phép? Quản lý không buông lỏng nhưng cần tháo thủ tục cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
“Quan điểm của chúng tôi là cấp giấy phép là không cần thiết, mà doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc bán rượu, có hợp đồng với cơ sở, sản xuất, kinh doanh rượu đạt yêu cầu. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ theo hướng như vậy. Nếu chỉ đặt vấn đề quản lý mà không tạo điều kiện cho phát triển thì chỉ đạt được một mục tiêu thôi”, Tổ trưởng Tổ công tác đưa quan điểm và nêu thực tế, Nghị định 15 năm 2018 về an toàn thực phẩm cắt giảm thủ tục mạnh mẽ nhưng thực tế vẫn kiểm soát, quản lý được. “Đừng lấy lý do không kiểm soát được mà sinh ra các thủ tục”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhất trí cao với cách tiếp cận của Tổ công tác, đồng thời cho rằng cần chế tài và xử lý nghiêm khắc. Đồng tình, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết sẽ tiếp thu khi đề xuất với Chính phủ.
Nhiều giấy phép, thủ tục sắp được bãi bỏ
Một kiến nghị khác là xem xét bãi bỏ qui định cấm bán rượu trên internet cũng tại Nghị định 105. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng rượu bán trên internet sẽ dễ kiểm soát hơn, nhưng thực tế việc kiểm soát rất khó khăn với thương mại điện tử. Nếu Quốc hội bỏ quy định này khi thông qua dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia, thì sẽ Bộ sẽ đề xuất bỏ quy định này trong Nghị định.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi công nghệ thông tin phát triển thì rất cần cách quản lý phù hợp, nhưng trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét dự thảo luật trên, Tổ công tác ghi nhận ý kiến này để tham mưu, đề xuất chính sách theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn quản lý được.
Trong khi đó, đại diện các bộ đồng tình bãi bỏ giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm với các doanh nghiệp nhập khẩu rượu, theo Nghị định 15 năm 2018. Yêu cầu này gây ra gánh nặng hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Một vấn đề khác được đề cập tại buổi kiểm tra là bất cập tại Thông tư số 21/2017/TT-BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Cụ thể, Thông tư 21 quy định việc công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu phải bổ sung nhiều thông tin không liên quan gì đến hàm lượng formaldehyt, rồi phải công bố hợp quy cả vải sử dụng cho may… gây khó khăn và tốn chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Bộ đã có làm việc với các hiệp hội và có văn bản tháo gỡ, hiện nay còn một số ý kiến. Về công bố hợp quy cả với vải, Bộ cho rằng là cần thiết để kiểm soát theo chuỗi sản xuất. Còn các thông tin mà doanh nghiệp phải kê khai, Bộ sẽ ngồi lại một lần nữa với các doanh nghiệp, nếu không cần thiết thì bãi bỏ.
Cũng tại buổi kiểm tra, nhiều vấn đề đã được mổ xẻ, phân tích cụ thể. Nhiều vấn đề đã được các bộ cam kết sửa đổi và nêu rõ thời hạn xử lý, các vấn đề chưa kịp sửa thì Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các Bộ kiến nghị đưa ngay vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ để xử lý sớm cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác cũng thẳng thắn nêu rõ một số kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp là không hợp lý. Ví dụ, kiến nghị không thu hút các dự án dệt may cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn.
Kết luận buổi kiểm tra, nhấn mạnh tinh thần làm việc là lắng nghe nhiều chiều, vừa bảo đảm lợi ích doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, vừa bảo đảm lợi ích cộng đồng và mục tiêu quản lý nhà nước, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng các Bộ đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các vấn đề tại buổi làm việc sẽ được tập hợp, báo cáo phiên họp Chính phủ gần nhất để xử lý./.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà “sẵn sàng tranh luận” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, do đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác nên ông đã dành thời gian tham gia buổi kiểm tra. Theo Bộ trưởng, nhiều vấn đề doanh nghiệp nêu đã được xem xét trong quá trình sửa đổi các Nghị định và nhiều nội dung sẽ được sửa triệt để. Về bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm tăng cường hậu kiểm, tích hợp các thủ tục. “Tôi muốn nghe doanh nghiệp nhiều hơn và sẵn sàng tranh luận. Bộ sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình mới, sẽ cần nhiều ý kiến góp ý của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong 3 năm gần đây, Bộ không kiểm tra, thanh tra cơ sở dệt may nào. Tuy nhiên, vừa qua trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, có phát sinh một số vấn đề liên quan đến đất đai, Bộ sẽ xem xét kỹ, nếu cần thiết thì mới vào cuộc, nếu các cơ quan khác đã kiểm tra, thanh tra thì đương nhiên Bộ sẽ không kiểm tra, thanh tra để tránh trùng lắp. Trước kiến nghị của doanh nghiệp về thời điểm tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết các nội dung này đã được xử lý tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn luật môi trường đang trình Chính phủ, theo đó cho lựa chọn hình thức ký quỹ theo lô hàng hoặc theo hợp đồng (thời gian ngắn hoặc dài là theo thời gian hợp đồng). Như vậy, vướng mắc này sẽ được tháo gỡ. |
Thủ tướng tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc  (22/04/2019)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên bang Nga thăm, làm việc tại Việt Nam  (22/04/2019)
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần  (22/04/2019)
“Áo hồng cánh sen” đem niềm vui về xã  (22/04/2019)
Tăng cường trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn, đưa Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào cuối năm 2020  (22/04/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-4-2019  (22/04/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên