Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-4-2019

Hồng Ngọc tổng hợp
22:03, ngày 22-04-2019
TCCSĐT - Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp và người dân; Năm 2020, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tạo môi trường an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số; Khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; Bài học lớn nhất về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam; Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy; là những tin nổi bật tuần qua.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Ngày 16-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị thảo luận về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Theo đó, đa số các đại biểu nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính được xem là giải pháp chính để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, người dân, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Tư pháp, chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, bao gồm 5 loại chi phí: Chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, phí và lệ phí, chi phí rủi ro pháp lý, chi phí không chính thức. Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan, địa phương nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, góp phần nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là chỉ số B1), hướng đến mục tiêu là từ năm 2019 - 2021 Việt Nam đạt kết quả nâng xếp hạng chỉ số B1 từ 5 lên 10 bậc, cụ thể là tăng ít nhất 2 bậc trong năm 2019, tăng từ 3 lên 5 bậc trong năm 2020 và tăng từ 5 lên 10 bậc vào năm 2021. Hiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 96/140 nước về chỉ số B1.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, chi phí thủ tục hành chính được xem là một gánh nặng đối với doanh nghiệp và người dân. Trong đó, ông Hiếu nhận định nhiều loại thủ tục có thể nghiên cứu cắt bỏ hoặc kết hợp trong quá trình làm thủ tục khác, ví dụ như thủ tục: Thông báo mẫu dấu, mua hoặc tự in hóa đơn VAT, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động lần đầu với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính bằng việc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, trùng lặp; đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ; giảm tần suất thực hiện thủ tục…Đồng thời, các cơ quan thực thi ở các bộ và ở địa phương cần tổ chức thực thi pháp luật một cách hiệu quả như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đúng hẹn; ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu…

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố góp phần chính trong nhiệm vụ nâng hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật. Ông Thạch đề xuất chính quyền địa phương cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền; thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị, các bộ, cơ quan, địa phương cần tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực tiễn nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp mới về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo biểu mẫu đã ban hành trước ngày 10 của tháng cuối mỗi quý và trước ngày 10 tháng 12 của năm 2019 để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp báo cáo Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có hướng dẫn các vấn đề phát sinh.

Năm 2020, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Trong Thông báo 153/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) yêu cầu Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trước hết là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định.

Theo thông báo, năm 2018, nhiều nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành: 19/20 Nghị quyết Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đã được ban hành; nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ; nguồn vốn thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Quốc hội đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc thu thập thông tin dân cư đã đạt khoảng 86%, trong đó có 16 địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư; Bộ Tư pháp đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 địa phương; Bộ Công an cấp 12 triệu thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương...

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện, nhưng một số nhiệm vụ, nhất là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa bảo đảm tiến độ do chờ phân bổ nguồn vốn; việc thu thập thông tin dân cư cũng chưa hoàn thành. Đồng thời, vẫn còn bộ, ngành chưa ban hành kế hoạch để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc phát hiện, thu thập thông tin, chuẩn hóa và cập nhật kịp thời khi có thay đổi để bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác. Trong quá trình thu thập dữ liệu dân cư, phải có sự chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, bảo đảm chính xác, không trùng lặp, lãng phí.

Tạo môi trường an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số

"Năm 2019 không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin. Một Hub về chia sẻ thông tin an toàn, an ninh mạng của ASEAN sẽ được hình thành tại Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh mạng" - là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019) với chủ đề: “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số” ngày 17-4 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, an toàn, an ninh không gian mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, tạo ra môi trường an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu, từ năm 2019, các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam; giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng; đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, có khả năng phục hồi khi bị tấn công. Mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là xu hướng quan trọng mang tính sống còn đối với mỗi quốc gia để hình thành và thúc đẩy nền kinh tế số - xã hội số. Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Dịp này, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018, theo tứ tự từ A đến E. Theo đó, trong số 90 cơ quan bộ, ngành, địa phương được đánh giá, không có cơ quan nào xếp loại A và loại E, số cơ quan loại C nhiều nhất, cho thấy không có cơ quan nào là chưa quan tâm triển khai biện pháp an toàn, an ninh mạng, nhưng chưa có cơ quan nào được đánh giá triển khai tốt.

Khảo sát của Cục An toàn thông tin cũng cho thấy chỉ có 49,4% cơ quan có đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm về an toàn thông tin. Cơ quan nào có đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thông tin thì xếp hạng cao hơn. Bên cạnh đó, trong số các bộ, ngành được khảo sát, chỉ có 25,3% có khả năng ghi nhận các cuộc tấn công mạng, có những cơ quan mua sắm thiết bị để đảm bảo an toàn thông tin, nhưng không đủ lực lượng để vận hành. Hầu hết các cơ quan lúng túng, chậm xử lý khi bị tấn công…

Khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản

Để khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 01-01-2019 và bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 01-7-2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 15-4-2019 đối với các văn bản nợ đọng quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01-01-2019; ban hành trước ngày 15-5-2019 đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01-7-2019.

Sau thời điểm này, Bộ trưởng nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và trách nhiệm kỷ luật trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo, trình các văn bản; tập trung nguồn lực, ưu tiên thẩm định hồ sơ các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc soạn thảo, xử lý kịp thời các vướng mắc, những vấn đề còn ý kiến khác nhau; tập trung thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành văn bản.

Bài học lớn nhất về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp mở đầu của chuyên đề GovTech thuộc Hội nghị "Spring Meetings 2019" do Ngân hàng Thế giới tổ chức về Quản trị số, phát triển Chính phủ số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ về các vấn đề liên quan xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết luôn trăn trở với 2 câu hỏi lớn. Đó là, rào cản phát triển Chính phủ điện tử là gì, tại sao Việt Nam triển khai xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tương đối dài như vậy mà kết quả không tương xứng? Thứ hai, làm thế nào để vượt qua các rào cản đó, triển khai nhanh, có hiệu quả chương trình Chính phủ điện tử?

Rào cản trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là thiếu các nền tảng pháp lý quan trọng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về hạ tầng công nghệ, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam chưa phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Chưa có các hệ thống nền tảng dùng chung gồm Nền tảng hạ tầng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống xác thực tập trung, Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu quốc gia quan như cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai chưa hoàn thành.

Trong vấn đề nguồn nhân lực, việc tổ chức thực hiện chưa phát huy vai trò người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó là thói quen sử dụng văn bản giấy tờ của cán bộ, công chức cũng như chưa tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Từ hạn chế đã xác định, Bộ trưởng cho biết những cách làm mà Việt Nam đề xuất và triển khai có hiệu quả trong thời gian vừa qua là "Đặt người dân lên trên hết với Chính phủ đơn giản, hiệu quả và minh bạch".

Bài học lớn nhất, theo Bộ trưởng, là phải triển khai đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ (BPR) và ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, đây là yếu tố quyết định thành công.

Ngoài ra, cần phải có chiến lược quản lý để thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử. Do vậy cần thiết phải triển khai song song việc đào tạo, tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống.

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy

Ngày 19-4, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 1 năm thực hiện Thông báo số 30-TB/TW và Kết luận số 17-KT/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giảm biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu nhiệm vụ giải pháp giai đoạn 2017-2021.

Để thực hiện tốt việc tinh giản biên chế, Thành ủy đã chủ động giao biên chế giảm dần theo từng năm, từ đó các đơn vị phải cắt giảm biên chế để từng bước tiệm cận biên chế Trung ương giao. Theo đó, Thành phố đã cắt giảm 4,75% số biên chế hành chính và 10,51% số người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Khối đảng, đoàn thể thành phố và quận, huyện chủ động xây dựng lộ trình cắt giảm từ 10-30% biên chế (giai đoạn 2011-2015 giao 4.549 biên chế; năm 2018 giao 3.924 biên chế, giảm 625 nhân sự, chiếm 13,74%), hướng đến thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế của Trung ương. Về kết quả giải quyết hồ sơ tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị, tính đến 30-6-2018 là 334 trường hợp, đến nay là 472 trường hợp, trong đó có 93 trường hợp là công chức, 170 trường hợp là viên chức; hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 142 trường hợp, khối đảng - đoàn thể là 67 trường hợp.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu từ sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Đến ngày 30-6-2018, có 40 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, giảm giao biên chế 23.511 người.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; quy hoạch, phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp; thực hiện quy định về số lượng cấp phó lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả xây dựng cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức./.