Một số bài học kinh nghiệm tiến hành công tác địch vận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07-5-1954) là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta, giáng đòn quyết định đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp; là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện đặc sắc “làm thay đổi số phận thế giới”(1). Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ do nhiều yếu tố tạo thành, tạo nên sức mạnh tổng hợp, trong đó có vai trò quan trọng của công tác địch vận.
Công tác địch vận: Mũi tiến công sắc bén
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cùng với các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế… công tác địch vận được sử dụng như một mũi tên tiến công sắc bén vào hàng ngũ kẻ thù. Trong từng thời kỳ, công tác này có những tên gọi khác nhau như: tâm công, binh vận, địch vận, binh - địch vận và tuyên truyền đặc biệt. Trong kháng chiến chống Pháp nói chung, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, công tác địch vận là một bộ phận của công tác vận động cách mạng của Đảng, một mũi tên tiến công của cách mạng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là một mặt của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ sĩ quan và binh sĩ quân đội Pháp ủng hộ chính nghĩa, đứng về phía cách mạng, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa, làm cho quân đội Pháp tan rã về chính trị, tư tưởng, tinh thần và tổ chức.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó của công tác địch vận, Đảng ta xác định: “Tác chiến quan trọng như thế nào thì địch vận cũng cần như thế”(2). Công tác địch vận không phải của riêng bộ đội, mà cả đoàn thể cũng phải làm. Phải dùng mọi hình thức, nắm lấy mọi cơ hội mà tuyên truyền làm tan rã tinh thần của địch. Thấm nhuần tư tưởng đó, công tác địch vận được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên khắp cả nước hưởng ứng, triển khai thực hiện, trở thành nhiệm vụ mang tính chiến lược và có tính chất quần chúng rộng rãi. Bộ máy địch vận được hình thành thống nhất từ Trung ương đến khu, liên khu, liên tỉnh, liên huyện và các đơn vị bộ đội chủ lực. Nhiều hình thức, biện pháp địch vận được tiến hành như: rải truyền đơn; gọi loa; kẻ, vẽ khẩu hiệu, phát hành báo chí; vận động binh lính đấu tranh, bỏ hàng ngũ Pháp, theo lực lượng kháng chiến, đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh, tổ chức hồi hương cho tù binh, hàng binh.
Trong suốt 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã làm rất tốt công tác địch vận, càng đánh mạnh càng phải khắc phục mọi khó khăn để phát triển địch vận. Không có giấy thì làm bằng lá, bằng tre, cắt chữ từ báo cũ; không in được thì viết tay, không có mực thì lấy nhọ nồi,… làm cho quân Pháp không muốn nhìn cũng phải nhìn, không muốn đọc cũng phải đọc, không muốn nghe cũng phải nghe. Mỗi tờ truyền đơn, biểu ngữ được ví như mỗi viên đạn, nếu đặt đúng chỗ thì đem lại hiệu quả tốt, làm giảm sút tinh thần chiến đấu của địch, ta đỡ tốn xương máu trong chiến đấu. Bên cạnh đó, ta chủ trương thả tù binh bị thương nặng sau mỗi trận đánh vào vị trí địch, làm cho chúng thấy rõ chính sách nhân đạo của ta, cảm phục cử chỉ của ta, từ đó sẽ thấy chiến đấu chống ta là vô nghĩa. Thêm một tên địch nằm trong nhà thương của chúng là thêm một khó khăn cho chúng trong điều kiện tiếp tế ít ỏi, hạn chế. Kết quả là, công tác địch vận đã làm cho binh lính Pháp bị phân hóa sâu sắc, làm thất bại âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp, tinh thần chiến đấu của binh lính Pháp bị giảm sút, nhiều binh lính trong hàng ngũ quân Pháp từ bỏ vũ khí trở về quê hương hoặc chạy sang hàng ngũ của ta, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vận dụng và phát triển sáng tạo những kinh nghiệm tiến hành công tác địch vận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Từ thực tiễn tiến hành công tác địch vận của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác địch vận.
Tiến công chính trị vào hàng ngũ binh lính trong quân đội địch, đánh vào lòng người để “không đánh mà thắng” là một kế sách đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, được đề ra và vận dụng có kết quả trong các cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng công tác tuyên truyền, vận động binh sĩ trong quân đội đối phương. Công tác địch vận được Đảng xác định là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược và đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân tổ chức thực hiện. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác địch vận luôn được các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Mũi tiến công địch vận đánh vào chỗ yếu cơ bản nhất của quân đội Pháp là về chính trị, tinh thần, làm cho chúng bị lung lay, dao động, giảm sút tinh thần và suy sụp ý chí chiến đấu, đi tới hạ vũ khí đầu hàng ta. Xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác địch vận ngay từ đầu và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những kinh nghiệm quý báu, đồng thời là nguyên nhân thành công của công tác này trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hai là, công tác địch vận được tiến hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, công tác địch vận là một bộ phận công tác vận động cách mạng của Đảng, vì vậy, tiến hành công tác địch vận là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân. Để bảo đảm công tác địch vận luôn đi đúng hướng và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các mặt đấu tranh, của nhiều lực lượng theo một chủ trương, kế hoạch tập trung, đòi hỏi trong từng thời kỳ, Đảng phải có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hệ thống tổ chức cơ quan địch vận các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải hoạt động nhịp nhàng, thống nhất theo chủ trương, phương hướng và kế hoạch đã xác định của Đảng. Có như vậy, mới có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành với nhiều hoạt động khác nhau, đặc biệt là các hoạt động quân sự, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp tiến công vào hàng ngũ kẻ thù. Các cơ quan địch vận phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng cùng cấp và sự chỉ đạo thường xuyên của người chỉ huy và cơ quan ngành dọc cấp trên.
Với những chủ trương đúng đắn, kịp thời và vai trò chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp, sâu sát, thống nhất của Đảng, công tác địch vận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn đi đúng hướng và thu được kết quả to lớn, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Đây cũng chính là một trong những kinh nghiệm quý báu có tính chất nguyên tắc cần được vận dụng và phát huy vào tình hình thực tiễn trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.
Ba là, nghiên cứu kỹ đặc điểm đối tượng, đề ra chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp, huy động và tổ chức nhiều lực lượng tham gia công tác địch vận.
Dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ. Trong bối cảnh chung đó, công tác địch vận phải hoạt động trong điều kiện nhiều thiếu thốn về cả nhân lực và phương tiện làm việc, lại phải tiến hành với đội quân xâm lược Pháp gồm nhiều thành phần phức tạp, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, ngành địch vận phải sử dụng đến 13 thứ tiếng, trong đó chú trọng đối tượng lính Pháp, Đức và lính Phi. Ngoài ra còn đối tượng đông đảo là binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp, trong đó có một bộ phận không nhỏ là người dân tộc thiểu số, người thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Vì vậy, để tiến hành tuyên truyền, địch vận có hiệu quả, phải nghiên cứu kỹ lưỡng đối tượng, từ đó đề ra nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, vật lực để tiến hành công tác ngày càng có hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành địch vận đã huy động và tổ chức cho nhiều lực lượng tham gia công tác địch vận, với lực lượng nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bên cạnh đó là đông đảo quần chúng cách mạng, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ... Thực hiện chủ trương đó, công tác địch vận trở thành một mặt trận rộng lớn bủa vây quân địch, làm cho quân địch dù ở bất cứ đâu, đi đến bất cứ nơi nào cũng bị phản đối, bị tác động về chính trị, tư tưởng, tinh thần. Binh sĩ địch đi đến đâu cũng được nghe tuyên truyền giải thích về chính sách cách mạng, được hướng dẫn hành động đấu tranh, được chỉ cho con đường chính nghĩa, trở về với cuộc đấu tranh của dân tộc, chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp.
Bốn là, công tác địch vận phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và các mặt đấu tranh khác, đồng thời phải gắn chặt với công tác dân vận.
Kết hợp tác chiến với địch vận là một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tiến công quân sự tạo thời cơ rất quan trọng cho công tác địch vận, nhưng nếu thiếu đòn tiến công về chính trị thì việc giành thắng lợi về quân sự sẽ gặp khó khăn hơn, tổn thất có thể lớn hơn, thậm chí có thể để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy, cần khắc phục tư tưởng tiến công quân sự đơn thuần, coi nhẹ mũi tiến công chính trị, ngoại giao và địch vận, kể cả khi thế và lực của cuộc kháng chiến đã áp đảo đối phương. Ngược lại, thắng lợi quân sự chính là thời cơ hết sức thuận lợi để tiến hành công tác địch vận, vừa đỡ tốn xương máu, vừa làm tăng ý nghĩa chiến thắng của quân đội cách mạng.
Qua thực tế Chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể khẳng định, công tác địch vận và dân vận phải kết hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau, phục vụ lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Sức mạnh của cuộc kháng chiến là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố hợp thành. Đối với công tác địch vận, để tiến hành có hiệu quả, phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, ngoại giao, phải gắn chặt với công tác dân vận. Đây là một trong những bài học quan trọng có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu theo dòng chảy của thời gian nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta cần vận dụng và phát triển sáng tạo những kinh nghiệm tiến hành công tác địch vận của Đảng ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới hiện nay, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch./.
-------------------
Tài liệu tham khảo
1. Diễn văn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại cuộc mít tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Báo Nhân dân, ngày 06-5-2004
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 197
Sri Lanka rúng động với 8 vụ nổ liên tiếp trong ngày  (21/04/2019)
Trưng bày giới thiệu hơn 900 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (21/04/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam