Việt Nam - Hà Lan hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau
TCCSĐT - Ngày 09-4, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dự cuộc Tọa đàm với 70 doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cara van Nieuwenhuizen đồng chủ trì Phiên họp lần thứ VII của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Theo đó, hai bên đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, trưa 09-4, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự cuộc Tọa đàm với 70 doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam và Hà Lan tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã có mối quan hệ giao thương từ lâu đời.
Đầu thế kỷ XVII, các đội tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã cập cảng Hội An ở tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, góp phần đưa cảng Hội An tham gia vào mạng lưới thương mại toàn cầu ngay từ buổi đầu sơ khai, đồng thời cũng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối giao thương giữa Việt Nam và Hà Lan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là điểm tựa lịch sử quan trọng để hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 9,5 tỷ USD, với những tập đoàn nổi tiếng như Heineken, Unilever, Shell... Năm 2018, kim ngạch song phương đạt trên 7,84 tỷ USD (chiếm khoảng 1,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, gần 14,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước EU). Cũng trong năm qua, đã có 77.300 lượt du khách Hà Lan tới thăm Việt Nam, đứng thứ 4 trong số du khách châu Âu.
Coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte và các doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan tới Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là cơ hội quan trọng để đẩy mạnh hợp tác đầu tư và hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp của hai bên.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn 5 năm tới. Do đó, Chính phủ sẽ tập trung vào 5 định hướng lớn, trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về đầu tư, kinh doanh, thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ để trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới chuẩn mực thị trường của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng bày tỏ, khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội thuận lợi mới cho các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các doanh nghiệp Hà Lan ủng hộ, thúc đẩy việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định quan trọng này.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư trong lĩnh vực có thế mạnh như điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, thủy lợi, công nghiệp thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, phong điện, cảng biển, đóng tàu, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, tăng trưởng xanh.
“Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Bày tỏ vui mừng khi được tới thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: “Chúng tôi cảm nhận được sức sống của Việt Nam không phải chỉ qua các con số báo cáo mà ở mọi nơi của Việt Nam”.
Ông khẳng định “không phàn nàn về việc kinh doanh tại Việt Nam” và “ghen tỵ với sự tăng trưởng của các bạn;” cho rằng Chính phủ hai nước cần tiếp tục loại bỏ rào cản càng nhiều càng tốt để các doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư.
Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao vị thế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và các chỉ số đổi mới sáng tạo; tin tưởng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài việc coi trọng truyền thống thương mại, Thủ tướng Hà Lan cho rằng hai bên có nhiều điểm tương đồng như tiềm năng về kinh tế biển, có đồng bằng châu thổ và đang gặp khó khăn vì biến đổi khí hậu... Do đó, 70 doanh nghiệp Hà Lan sang Việt Nam lần này có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, ngành nước, điện gió… sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Tại buổi Tọa đàm, Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp Hà Lan bày tỏ sẵn lòng hợp tác, đầu tư vì lợi ích của hai bên và phù hợp với các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp trả lời các kiến nghị cụ thể của các CEO về chủ trương hay các dự án đang đầu tư tại Việt Nam.
** Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cara van Nieuwenhuizen đồng chủ trì Phiên họp lần thứ VII của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là sự trùng hợp thú vị nhưng không phải là ngẫu nhiên khi phiên họp này được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngài Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước.
“Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển rất hiệu quả và đặc biệt năng động trong mọi lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao đến thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp và đặc biệt là môi trường. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước vào năm 2010 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước chúng ta mà không phải mối quan hệ song phương nào cũng có được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Sáu phiên họp trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước đã và đang chứng minh hiệu quả to lớn qua nhiều chương trình, dự án cụ thể tại Việt Nam. Hiện nay và trong thời gian tới, đây tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên và là một trong những trụ cột quan trọng quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ Hà Lan, các bộ, ngành, cơ quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Hà Lan vì những hỗ trợ và đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển bền vững tại Việt Nam trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trong những năm vừa qua”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, là hai nước đồng bằng châu thổ, Hà Lan và Việt Nam cùng nằm trong số những quốc gia phải đối phó với những thách thức to lớn và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do vậy việc nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ thích hợp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề rất quan trọng đối với cả hai nước.
Nhận định về vấn đề quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng cho rằng đây là những lĩnh vực phức tạp, có tính liên vùng, liên ngành, đặc biệt đối với những vùng có đặc tính mẫn cảm, dễ bị tổn thương như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng của Việt Nam hay các đồng bằng của Hà Lan.
Kể từ sau Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ năm 2017 tại Vương quốc Hà Lan, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực, chủ động, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết quốc tế trong triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất, nhiều khó khăn trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Với kinh nghiệm và thế mạnh về quy hoạch, quản lý, sử dụng tài nguyên nước và phát triển các mô hình sinh kế bền vững trong thích ứng với biến đổi khí hậu, tôi tin tưởng và hy vọng Hà Lan sẽ tiếp tục mang tới những bài học quý giá cho Việt Nam để xây dựng bộ máy điều phối liên ngành, liên vùng hiệu quả” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất. Cùng với đó, Hà Lan cũng có thể giúp Việt Nam quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch bảo vệ môi trường; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm thực biển và sụt lún đất; thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đô thị và phát triển năng lượng tái tạo…
Phó Thủ tướng đề nghị tại Phiên họp lần thứ VII này hai bên trao đổi, tổng kết các chính sách triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý nước; kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hợp tác chính đã ký kết thực hiện tại phiên họp lần trước và đề xuất các hoạt động hợp tác mới, cụ thể hơn trong giai đoạn tới.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết ở cấp cao đối với Thỏa thuận đối tác chiến lược, chỉ đạo các bộ, ngành cùng chung tay góp sức để sự hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển và thành công”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Hà Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về vấn đề quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, đây cũng chính là cơ hội hợp tác của hai quốc gia. Kể từ khi hai bên chính thức ký thỏa thuận đối tác chiến lược, Việt Nam và Hà Lan đã trải qua một chặng đường dài để duy trì hợp tác song phương. Nhiều nội dung hợp tác đã được hai nước ký kết và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều bộ, viện nghiên cứu, trường đại học và cố vấn kỹ thuật Hà Lan trong những năm qua. Đồng thời Bộ trưởng cũng đề xuất Hà Lan cùng hợp tác và tham gia vào xây dựng nguồn vốn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh hợp tác trong khu vực, xây dựng Trung tâm dữ liệu tích hợp, kiểm soát sụt lún đất và xói mòn, soạn thảo Chiến lược ngăn chặn nước lũ và hợp tác các chương trình chuyển đổi nông nghiệp, tất cả vì sự phát triển bền vững của khu vực châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
“Chính phủ Hà Lan đánh giá cao việc Việt Nam chú trọng đến các vấn đề về quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hà Lan rất mong được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế hiệu quả để từ đó mối quan hệ hợp tác hai bên được bền vững hơn. Các doanh nghiệp của Hà Lan luôn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, bảo đảm uy tín và luôn coi trọng trách nhiệm đạo đức trong kinh doanh. Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cần là vấn đề được đẩy mạnh trong các chương trình nghị sự chính trị. Cả Việt Nam và Hà Lan đều có thể trở thành một phần của nhóm các quốc gia mũi nhọn trên toàn cầu, thúc đẩy mục tiêu và hành động quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”. Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cara van Nieuwenhuizen nêu rõ.
Trong thời gian tới Bộ trưởng Cara van Nieuwenhuizen sẽ hội đàm với các bộ trưởng các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải và thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hà Nội. Các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Bộ trưởng Cora van Nieuwenhuizen đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát thực hiện các chính sách của Việt Nam và xây dựng các chính sách mới, thảo luận về các cơ hội để cải thiện ngành logistics của Việt Nam, như việc phát triển giao thông đường thủy nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện đại hóa cảng biển và mô hình thành phố sân bay. Ngày 10/4, Bộ trưởng Cara van Nieuwenhuizen sẽ thăm Hội An, nơi một liên danh các công ty Hà Lan và Việt Nam đã phát triển một kế hoạch nhằm chống xói lở, bảo vệ bờ biển Hội An. Các bên hiện đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam để tìm cách bảo vệ bờ biển này thông qua việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên biển trong tương lai.
Ngày 11-4, chương trình làm việc của Bộ trưởng Cara van Nieuwenhuizen tập trung chủ yếu vào các vấn đề quản lý nước tại Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những vấn đề do hạn hán, lũ lụt và ô nhiễm nguồn nước gây ra. Cùng là một quốc gia đồng bằng và có bờ biển dài, Hà Lan hợp tác với Việt Nam để chia sẻ kiến thức về quản lý nước với tất cả các bên liên quan và sống chung với thiên nhiên đang biến đổi từng ngày.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Nieuwenhuizen, Hà Lan sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn về cách thức khơi nguồn tài chính cho các sáng kiến quản lý nước để ngăn chặn lũ lụt, chú trọng đặc biệt tới nguồn tài chính từ khu vực tư nhân và các ưu đãi mà chính phủ cần tạo ra cho các nhà đầu tư để họ có thể thu hồi vốn trong tương lai. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nước sẽ được kết nối với cộng đồng tài chính trong loạt cuộc hội thảo với chủ đề “Đối thoại kinh doanh ngành nước: Khơi dòng tài chính”. Bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về một đề xuất Đối tác công tư (PPP) về phòng chống bão lụt và các giải pháp chống sụt lún đất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm ký kết một Biên bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực này.
“Chương trình làm việc của đoàn doanh nghiệp Hà Lan lần này được tập trung chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, điểm dừng tại Đà Nẵng và Hội An. Ở mỗi thành phố, chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện với các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu đến từ Việt Nam và Hà Lan. Nhưng quan trọng hơn cả, các bên đã có những cuộc trao đổi và đối thoại với nhau. Và đó là những gì nhiệm vụ này của chúng tôi hướng tới: thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới, chia sẻ kiến thức và chuyên môn và cùng nhau xây dựng những kế hoạch hành động cho tương lai.” Bộ trưởng van Nieuwenhuizen cho biết.
Theo chương trình làm việc, các bên sẽ cập nhật về tình hình triển khai Thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và Ý định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan, về hợp tác thúc đẩy và phát triển các dự án chuyển đổi có quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tình hình thực hiện các nội dung hợp tác theo Biên bản Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, bao gồm sáu nội dung hợp tác: Hợp tác giáo dục đại học và sau đại học về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước; Hợp tác kinh doanh và thuơng mại; Hợp tác giữa các thành phố; Hợp tác sông Hồng; Chương trình đầu tư phát triển Cơ sở hạ tầng; Quan hệ giữa nông nghiệp và nước.
Trước khi bế mạc, hai bên cũng sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng./.
Agribank tự hào được vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2018  (09/04/2019)
Tình hình sản xuất, kinh doanh quý I của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (09/04/2019)
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam  (09/04/2019)
Tuyên bố chung Việt Nam - Hà Lan  (09/04/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01 đến 07-4-2019)  (09/04/2019)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay