TCCSĐT - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Pháp trong 3 ngày tuần cuối tháng 3-2019. Chuyến thăm được xem là cơ hội tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác Trung Quốc - Pháp nói riêng, giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

Tạo xung lực mới cho quan hệ Trung Quốc - Pháp

 
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: nytimes.com

Tâm điểm của chuyến thăm lần này là cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp E. Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hai bên kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Tổng thống E. Macron kêu gọi xây dựng mối quan hệ đối tác châu Âu - Trung Quốc bền vững, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp muốn tìm cách tiếp cận thống nhất giữa các nước châu Âu đối với sức ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Trung Quốc. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh một EU thịnh vượng và thống nhất phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về một thế giới đa cực. Theo đó, Bắc Kinh coi trọng vị trí của EU, mong muốn Pháp tiếp tục phát huy vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy EU phát triển quan hệ với Trung Quốc, trong đó có việc đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội đàm, nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Pháp đều cam kết hợp tác để thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các luật định.

Cũng trong chuyến thăm, Tổng thống E. Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng gặp Thủ tướng Đức A. Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker để trao đổi về “những điểm tương đồng” trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc tại Brussels (Bỉ) vào tháng 4 tới.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động với những diễn biến khó lường, Paris và Bắc Kinh đều ý thức được việc tăng cường hợp tác song phương mang lại lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước cả về kinh tế lẫn chính trị. Đối với Pháp, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 và lớn nhất ở châu Á. Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, “quay lưng” lại với châu Âu, đặc biệt sau sự kiện Anh rời khỏi EU, chính quyền Pháp đang hướng tới Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - như là đối tác để làm đối trọng với mối quan hệ thương mại không bền vững với Mỹ và Anh. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tăng cường hợp tác với Pháp cũng đang được Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy, coi Pháp là “cầu nối quan trọng” để tiếp cận châu Âu. Tuy nhiên, mặc dù thương mại song phương vẫn phát triển, song Paris mong muốn cân bằng cán cân thương mại với Bắc Kinh, cũng như tìm cách giúp các doanh nghiệp Pháp tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này. Do vậy, dù còn tồn tại những khó khăn, song có thể nói, chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác cả về chính trị và kinh tế trong tương lai.

Còn nhiều ẩn số sau kết quả cuộc bầu cử ở Thái Lan

 
 Ông Uttama Savanayana, lãnh đạo đảng Palang Pracharat trả lời họp báo sau kết quả bầu cử tại Thái Lan ngày 27-3-2019. Ảnh: todayonline.com

Cuộc bầu cử đầu tiên theo Hiến pháp mới năm 2017 đã khép lại với việc đảng Palang Pracharath (PP) (Quyền lực nhà nước nhân dân) ủng hộ đương kim Thủ tướng Prayuth Chanocha giành nhiều phiếu bầu nhất. Việc người dân Thái Lan bỏ phiếu cho đảng Palang Pracharath phản ánh nguyện vọng về một xã hội ổn định về chính trị để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, song việc thành lập Chính phủ liên minh còn là ẩn số phía trước.

Nhìn lại các cam kết trước bầu cử, có thể thấy, đảng Palang Pracharath đã có đề xuất thu hút được lá phiếu của cử tri. Đó là nâng mức lương tối thiểu lên từ 400 - 425 baht/ngày cũng như giảm thuế thu nhập cá nhân đến 10%. Theo tuyên bố của đảng này, nếu giành quyền thành lập chính phủ, họ sẽ xóa bỏ mức lương tối thiểu 300 baht/ngày. Theo đảng Palang Pracharath, mức lương tối thiểu cho lao động có tay nghề sẽ được nâng lên thành 18.000 baht/tháng trong khi lao động có bằng đại học sẽ là 20.000 baht/tháng. Về thuế thu nhập, bên cạnh việc giảm mạnh 10%, PP cam kết sẽ miễn loại thuế này cho các đối tượng có thu nhập 200.000 baht/năm, thay cho mức 150.000 baht/năm hiện tại.

Trên thực tế, Thái Lan vừa trải qua một thập niên với nền kinh tế trì trệ, cùng các hệ quả tiêu cực đến chính sách kinh tế và xã hội. Kể từ năm 2007, Thái Lan đã tụt hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Để giảm bớt phần nào khó khăn, năm 2017, chính quyền Thủ tướng Prayuth Chanocha đã chi 2 tỷ USD cho các khoản trợ cấp nông nghiệp và gần đây đã chi khoản tiền mặt đến 2,7 tỷ USD cho những người có thu nhập thấp. Đến năm 2018, kinh tế Thái Lan đạt mức tăng trưởng 4,1% và tăng trưởng được chính phủ nước này dự báo là 4% trong năm 2019. Chính vì vậy, nguyện vọng của người dân Thái Lan về một xã hội ổn định về chính trị để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử này, với việc họ bỏ phiếu cho đảng PP - đảng luôn đề cao việc giữ gìn ổn định trật tự, xem đó là thành công của giới cầm quyền hiện nay.

Tuy cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan đã có kết quả nhưng ai là tân Thủ tướng của Thái Lan vẫn là ẩn số. Hiện cả hai đối thủ chính trị đảng PP và đảng Pheu Thai đều muốn lôi kéo, thu phục các đảng có khả năng liên minh và “đánh bại” các đảng đối thủ nhằm xây dựng liên minh giành quyền đứng ra thành lập chính phủ. Theo các nhà phân tích, việc thành lập một chính phủ mới của Thái Lan sẽ phải chờ đến sau lễ đăng quang của Nhà vua Vajiralongkorn vào đầu tháng 5 tới. Khả năng ra đời một chính phủ liên minh do giới quân nhân lãnh đạo là cao, tuy nhiên, các tướng lĩnh hoặc cựu tướng lĩnh cần có sự hợp tác của phe dân sự để bảo đảm bất kỳ chính phủ mới nào có thể vận hành. Và điều mà người dân Thái Lan đều mong đợi lúc này là xây dựng một chính phủ mới nhằm giúp đất nước phát triển kinh tế - xã hội.

Xung quanh cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ

 
 Công tố viên đặc biệt R. Mueller và Tổng thống Mỹ D. Trump tại Washington DC. Ảnh: TTXVN

Kết thúc 22 tháng điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ công bố tóm tắt kết luận theo hướng có lợi cho Tổng thống D. Trump. Tuy nhiên kết quả này dường như lại có khả năng châm ngòi cho sự căng thẳng mới trong nội bộ nước Mỹ.

Vụ việc được khởi đầu ngày 06-4-2017, khi tờ Thời báo New York của Mỹ đăng tải thông tin cho biết, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có bằng chứng về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016, qua đó tạo lợi thế cho ứng cử viên đảng Cộng hòa D. Trump. Chính trường Mỹ sau đó ngày càng nóng lên, căng thẳng hơn sau khi nhiều quan chức chính quyền Tổng thống D. Trump thừa nhận có mối quan hệ với giới chức Nga.

Sau gần hai năm điều tra gây tranh cãi, ngày 24-3-2019, cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tống thống Mỹ năm 2016 với hai triệu trang tài liệu, tốn kém hơn 30 triệu USD, đã khép lại khi Bộ trưởng Tư pháp W. Barr công bố bản tóm tắt “những kết luận cơ bản” khẳng định cuộc điều tra của Công tố viên R. Muller không phát hiện bằng chứng cho thấy nhóm vận động tranh cử của Tổng thống D. Trump có sự thông đồng với Nga. Ngoài ra, theo Bộ trưởng W. Barr, Công tố viên R. Mueller cũng không đưa ra kết luận về việc liệu có bằng chứng cho thấy Tổng thống D. Trump có cản trở việc thực thi pháp luật hay không.

Việc khép lại cuộc điều tra đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống D. Trump trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, đồng thời mở ra cơ hội cải thiện quan hệ Nga - Mỹ. Ngày 25-3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga C. Cosachev cho rằng, kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Mỹ R. Mueller tạo cơ hội cho chính quyền Tổng thống D. Trump tái khởi động lại quan hệ với Nga. Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông D. Peskov tuyên bố Nga từ lâu vẫn chờ đợi Mỹ có bước đi đầu tiên nhằm khôi phục quan hệ song phương.

Tuy nhiên, kết luận của cuộc điều tra này cũng đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn căng thẳng mới, khi phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra Tổng thống D. Trump, với các bằng chứng có được từ cuộc điều tra của Công tố viên R. Mueller với yêu cầu phải công bố toàn văn báo cáo này. Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện N. Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện C. Schumer cho rằng, báo cáo của Công tố viên R. Mueller không giải oan cho Tổng thống D. Trump về cáo buộc cản trở nghiêm trọng việc điều tra tư pháp, đồng thời nhấn mạnh điều này cho thấy tính cấp thiết của việc phải công khai một bản báo cáo toàn văn và các văn bản kèm theo mà không thể trì hoãn thêm. Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ R. Burr cho rằng, Bộ trưởng Tư pháp Barr nên công bố càng nhiều nội dung trong báo cáo của Công tố viên R. Mueller càng tốt. Thượng nghị sỹ R. Burr cũng cho biết ủy ban của ông sẽ hoàn tất các cuộc tham vấn hiện nay và sẽ công bố báo cáo “trong những tuần và những tháng tới” về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trên mạng Twitter, một loạt nghị sĩ, trong đó có nhiều ứng cử viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 cũng cho rằng, bản tóm tắt báo cáo của Bộ trưởng Barr về cuộc điều tra của ông R. Mueller là “không đầy đủ”. Nhiều nghị sĩ Dân chủ kêu gọi hai quan chức này ra điều trần trước Quốc hội.

Hệ thống phòng không S-400 và sự ảnh hưởng đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: aljazeera.com

Trong bối cảnh chính phủ Mỹ liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này tiếp tục tiến hành thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan khẳng định nước này sẽ không từ bỏ hợp đồng mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Điều này được dự đoán có thể khiến quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng hơn.

S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Hệ thống này được đưa vào biên chế quân đội Nga từ tháng 4-2007 và lần đầu triển khai trên thực địa sau đó 4 tháng. Nga đã thiết lập 4 trung đoàn S-400 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia tại Moscow, vùng Kaliningrad, và Quận Quân sự phía Đông. Hệ thống này có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4,8 km/giây. S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ. S-400 có thể được triển khai chỉ trong 5 phút. Nó hoạt động hiệu quả gấp đôi hệ thống phòng không trước đây của Nga. Với khả năng cơ động cùng dàn tên lửa độ chính xác cao, có tầm bắn tới 400 km, giới chuyên gia đánh giá S-400 là một trong những hệ thống phòng không mạnh mẽ nhất thế giới khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua.

Tháng 9-2017, Tổng thống T. Erdogan tuyên bố Ankara mua tổ hợp S-400 của Nga. Tổng giá trị hợp đồng quân sự này giữa hai nước là hơn 2,5 tỷ USD. Theo hợp đồng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự thanh toán một phần hợp đồng, phần còn lại sẽ do Nga vay tín dụng. Theo kế hoạch, các hệ thống S-400 này sẽ lần đầu tiên triển khai tại Căn cứ Không quân Murted, có tên gọi trước đây là Căn cứ Không quân Akinci, tọa lạc ở phía Tây Bắc Ankara. Quy trình triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-400 này tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu vào tháng 10-2019.

Chủ đề về việc cung cấp các hệ thống phòng không S-400 từ lâu đã là mối quan tâm của chính quyền Mỹ, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn là một quốc gia thành viên NATO và là đồng minh của Mỹ. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua hệ thống S-400 của Nga giờ đây đang khiến niềm tin của nước này với Mỹ giảm mạnh.

Phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, phía Mỹ đưa ra lý do hệ thống S-400 không tương thích với các hệ thống vũ khí đang nằm trong biên chế của NATO. Mỹ tin rằng, hợp đồng mua bán các hệ thống S-400 là một phần trong những nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ liên minh này. Do đó, Mỹ cảnh báo nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo vệ kế hoạch mua hệ thống S-400 của Nga thì Mỹ sẽ phải đánh giá lại kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ về mua máy bay tiêm kích F-35 hoặc hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ trong thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD được hai bên thống nhất hồi tháng 12-2018. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo vệ quyết tâm mua S-400 của Nga. Thậm chí nước này còn cân nhắc mua thêm tổ hợp tên lửa S-500 của Nga, đang được xem là hệ thống tên lửa phòng không số 1 thế giới với các tính năng vượt trội so với S-400. Không những vậy, thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến Mỹ không hài lòng khi nước này đang đàm phán với Iran nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng giá rẻ từ Iran cho dự án sản xuất công nghiệp, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với Iran.

Các nhà phân tích cho rằng, những căng thẳng trên có thể sẽ khiến Mỹ quyết định chấm dứt cơ chế ưu đãi thương mại dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cho phép xuất khẩu một số mặt hàng miễn thuế vào Mỹ. Chưa rõ, liệu Mỹ sẽ có động thái gì tới đây, song các nhà phân tích cho rằng, với những lợi ích chiến lược trong mối quan hệ đồng minh trong NATO, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng không để căng thẳng vượt qua lằn ranh mong manh giữa đối tác và sự thù địch.

Thêm một chiến thắng chính trị cho Tổng thống Mỹ

 
 Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: TTXVN

Hạ viện Mỹ vừa có cuộc bỏ phiếu lần thứ hai nhằm đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống D. Trump đối với dự luật ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, vốn đã được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Tuy nhiên, với số phiếu không đủ đa số 2/3 nên Hạ viện đã không thể vô hiệu hóa quyết định phủ quyết của Tổng thống.

Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 26-3 được coi là một thắng lợi chính trị quan trọng dành cho Tổng thống D. Trump mặc dù nó không phải là một kết quả gây bất ngờ. Điều này đồng nghĩa với việc sắc lệnh khẩn cấp quốc gia mà nhà lãnh đạo Mỹ ban bố hồi tháng 2 vừa qua nhằm huy động ngân sách xây bức tường biên giới phía Nam giáp Mexico vẫn còn nguyên hiệu lực. Thắng lợi này cũng sẽ giúp cho Tổng thống D. Trump thúc đẩy thực hiện lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và trong hơn hai năm cầm quyền vừa qua.

Phản ứng trước những động thái theo hướng có lợi cho Tổng thống D. Trump, Chủ tịch Hạ viện Mỹ N. Pelosi ngày 26-3 tuyên bố, các nghị sỹ Dân chủ sẽ tiếp tục cản trở ông D. Trump về vấn đề ngân sách xây tường thông qua các quy trình thông thường tại Quốc hội. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp mà ông D. Trump công bố cũng sẽ bị Quốc hội Mỹ rà soát lại sau 6 tháng nữa.

Hiện tại, Tổng thống D. Trump vẫn đang phải đối mặt với một loạt các cuộc điều tra khác liên quan đến vấn đề thu nhập, công việc kinh doanh, giao dịch tài chính hay các vụ kiện tụng về bê bối tình ái. Ngoài ra, Tổng thống D. Trump còn phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý đối với kế hoạch xây bức tường biên giới. Hồi tháng 02-2019, một liên minh gồm 16 bang đã đệ trình lên tòa án liên bang yêu cầu ngừng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về bức tường biên giới của Tổng thống D. Trump, và có thêm 4 bang nữa tham gia vụ kiện này trong tháng 3 vừa qua./.