Hội nghị giao ban Cuộc vận động  "Học tập và  làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" các tỉnh, thành phố phía Bắc - Ảnh: TTXVN
TCCS - Nhận thức rõ tầm quan trọng của Pháp lệnh số 34, quy định về thực hiện dân chủ ở các xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tập trung triển khai, nhằm tạo hiệu quả cao trong thực hiện dân chủ, rèn luyện, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường.

Ngay khi bước vào triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định: Pháp lệnh chỉ phát huy được hiệu quả cao nhất khi biết dựa vào dân, phát huy cao quyền làm chủ của dân. Trong 28 điều của Pháp lệnh, Ban Thường vụ nhận thấy: Nếu vận dụng thực hiện tốt Điều 26 thì sẽ tạo ra hiệu ứng lớn trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, qua đó để bồi dưỡng, đào tạo, củng cố, kiện toàn, xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Điều 26 quy định, hai năm một lần tổ chức hội nghị cấp xã để lấy phiếu tín nhiệm với 4 chức danh: chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Từ những nhận thức trên, trong Thông tri số 09-TT/TU, ngày 4-8-2008, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm thêm 4 chức danh là: công chức địa chính - xây dựng; tài chính - kế toán; hộ tịch - tư pháp; lao động, thương binh và xã hội. Đây là 4 chức danh trực tiếp giải quyết công việc với dân, ảnh hưởng lớn đến các quyền lợi của dân và đây cũng là những lĩnh vực hay phát sinh tiêu cực, khiếu kiện. Do đó, đưa thêm các chức danh này vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là để công chức nâng cao trách nhiệm trong phục vụ nhân dân hơn nữa.

Thông tri số 09 còn chỉ đạo, ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm ở hội nghị cấp xã 8 chức danh trên, còn phải lấy ý kiến đóng góp, phiếu tham khảo tín nhiệm của cử tri khu dân cư. Đây là sự vận dụng sáng tạo, mạnh dạn nhưng hoàn toàn nằm trong khuôn khổ và tinh thần của Pháp lệnh. Đó là Điều 1, điểm 3 thuộc Điều 5 của Pháp lệnh số 34, quy định về quyền được biết, được tham gia ý kiến và được giám sát của nhân dân. Biện pháp này thực sự là dựa vào dân, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Chính vì vậy, tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả nội dung này sẽ tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, làm chuyển biến toàn diện, tích cực mọi hoạt động từ cơ sở.

Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức xã, phường là vấn đề hệ trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã mở rộng đối tượng và triển khai lấy ý kiến, phiếu tham khảo tín nhiệm cử tri khu vực dân cư nên đợt sinh hoạt chính trị càng rộng lớn, sôi nổi. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, Ban Thường vụ đã quán triệt: Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng, sâu sát, đúng quy trình, đúng pháp luật. Đó là yếu tố bảo đảm cho sự thành công, đạt các mục tiêu đề ra và không có diễn biến bất lợi.

Sau khi tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH, ngày 20-4-2007, của ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQ Việt Nam, ngày 17-4-2008 của Chính phủ - ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công văn số 3119/CV-MTTQ Việt Nam, ngày 16-6-2008, của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 4-8-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra Thông tri số 09-TT/TU để chỉ đạo việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường năm 2008.

Ngày 15-10-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại ban hành Quyết định số 1063 QĐ/TU, thành lập tổ công tác của Ban Thường vụ để chỉ đạo, tham mưu trong từng bước đi, từng nội dung công việc. Tổ công tác tiến hành ngay việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của cử tri các khu dân cư thuộc 12 xã làm điểm thuộc 7 huyện, thành phố, thị xã.

Trên cơ sở này, ngày 9-10-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn số 1792-CV/TU, chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy thành lập tổ công tác của cấp ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc Thông tri số 09. Ngày 22-10-2008 tổ công tác của Ban Thường vụ ban hành kế hoạch số 02-KT/TCT, chỉ đạo triển khai trong toàn tỉnh, chỉ đạo Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng quy trình số 37/QT-MT, đồng thời tập trung chỉ đạo làm điểm ở 2 xã Thanh Lạc, Lạc Vân, huyện Nho Quan.

Sau khi làm điểm, tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết và tập huấn kỹ từng nội dung, bước đi trong quá trình thực hiện. Thường trực các huyện, thành, thị ủy cũng triển khai thận trọng từng bước. Từ thành lập tổ công tác đến làm điểm, rút kinh nghiệm, tập huấn kỹ rồi mới nhân ra diện rộng.

Tuy khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, hệ trọng, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy, chính quyền các cấp, mà trực tiếp là sự nỗ lực, nghiêm túc, khắc phục mọi khó khăn của các tổ công tác của cấp ủy, công việc lại được tiến hành đồng bộ, nhịp nhàng, đúng quy trình, quy định nên việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức xã, phường năm 2008 đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp thực sự là yếu tố then chốt nhất đem lại thành công cho việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức xã, phường năm 2008.

Đến ngày 5-12-2008, toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến và phiếu tham khảo tín nhiệm của cử tri đại diện hộ gia đình ở 1.664 khu dân cư (bằng 100%) thuộc 147 xã, phường, thị trấn. Đến ngày 10-12-2008, toàn tỉnh lại hoàn thành việc tổ chức hội nghị cấp xã, phường lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức ở 147 xã, phường, thị trấn (bằng 100%). 1.158 cán bộ, công chức thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm năm 2008, trong đó có 139 chủ tịch Hội đồng nhân dân, 140 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, 143 chủ tịch Ủy ban nhân dân, 208 phó chủ tịch ủy ban nhân dân, 132 cán bộ địa chính - xây dựng, 131 cán bộ tư pháp- hộ tịch, 131 cán bộ tài chính - kế toán, 134 cán bộ lao động - thương binh và xã hội đã trình bày bản kiểm điểm công tác, được hội nghị cấp xã bỏ phiếu tín nhiệm, được cử tri khu dân cư đóng góp ý kiến và bỏ phiếu tham khảo tín nhiệm.

Kết quả, phần lớn số cán bộ, công chức có tín nhiệm cao, đạt từ 87% - 95%. Có 33 cán bộ, công chức phải xử lý cho thôi việc và 38 cán bộ, công chức cho tiếp tục công tác thêm 1 năm để làm kiểm điểm, khắc phục khuyết điểm. Nếu sau 1 năm không tiến bộ sẽ cho miễn nhiệm.

Trong 33 cán bộ thuộc diện xử lý cho thôi việc, có 19 người có số phiếu tín nhiệm ở xã, phường và số phiếu tham khảo tín nhiệm ở khu dân cư đều dưới 50%, 10 người có số phiếu tín nhiệm ở xã, phường trên 50%, nhưng số phiếu tham khảo tín nhiệm ở khu dân cư dưới 30%, 4 người có phiếu tín nhiệm ở xã, phường trên 50%, số phiếu tham khảo tín nhiệm ở khu dân cư đạt từ 30% đến dưới 50% nhưng không đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Trong 38 người cho làm kiểm điểm, thử thách 1 năm, có 13 cán bộ phiếu tín nhiệm cấp xã, phường đạt trên 50% nhưng phiếu tham khảo tín nhiệm ở khu dân cư đạt từ 30% đến dưới 50% và 25 công chức thuộc diện phiếu tín nhiệm ở xã, phường đạt trên 50%, phiếu tham khảo tín nhiệm ở khu dân cư đạt từ 30% đến dưới 50% nhưng đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

Hiện nay, 33 người ở diện phải xử lý cho thôi việc gồm 8 cán bộ, 25 công chức. Các cơ quan chức năng đã xử lý 25 đối tượng (3 cán bộ, 22 công chức), còn 8 đối tượng chưa xử lý vì những lý do khác nhau. Những cán bộ, công chức tín nhiệm thấp được các cấp ủy xử lý thận trọng, đúng quy định, có lý, có tình, có tác dụng tốt, được dư luận đồng tình.

Nhìn chung việc lấy ý kiến đóng góp, phiếu tham khảo ở khu dân cư, phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, công chức xã, phường phản ánh tương đối sát tình hình thực tế về đội ngũ này. Nó đã tác động rất sâu sắc đến ý thức, trách nhiệm làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức thấy rõ ưu, khuyết điểm để tự mình rèn luyện điều chỉnh, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Qua đợt sinh hoạt chính trị này, cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi đồng tình với chủ trương của Trung ương và của Tỉnh ủy, nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân trong các khu dân cư, nắm chắc được tình hình cán bộ, công chức để có hướng đào tạo, bồi dưỡng kiện toàn.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, đây là dịp nhìn lại mình, biết được sự đánh giá của nhân dân đối với phẩm chất đạo đức, tác phong và chất lượng công tác của bản thân. Đây thực sự là một bước rèn luyện, tự sửa mình để vươn lên.

Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức xã năm 2008 đã khép lại, những bài học kinh nghiệm quý báu đã được tổng kết, những ý tưởng hay về cách làm, cách vận dụng sáng tạo sẽ tiếp tục được phát huy. Đặc biệt âm hưởng của đợt sinh hoạt chính trị này đang làm phấn chấn toàn Đảng bộ, toàn dân Ninh Bình, nuôi dưỡng ý thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần trách nhiệm, ý thức liên tục rèn luyện vươn lên để phụng sự nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường trong tỉnh./.