Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ trong ngày 14-3
TCCSĐT - Ngày 14-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, triển khai cải cách chính sách tiền lương; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi tiếp ông Vitaly Markelov, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Gazprom (Liên bang Nga).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Gác chặt nguồn tăng thu để cải cách tiền lương
Sáng 14-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, triển khai cải cách chính sách tiền lương.
* “Không có kiểu sống lâu lên lão làng”
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, triển khai Nghị quyết 27-NQ/CP về cải cách chính sách tiền lương, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã để trình Bộ Chính trị. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27-NQ/CP.
Những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách chính sách tiền lương trong năm 2019 được Thứ trưởng thông tin là: trình Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1/7 theo Nghị quyết của Quốc hội từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng/người/tháng; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ 01-01-2020. Cùng với đó, rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Xây dựng chế độ tiền lương mới. Từ 01-01-2019 - 9-2019, các bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và bảng phụ cấp theo nghề nếu có.
Nói về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ băn khoăn “tại sao sau khi xây dựng vị trí việc làm thì tất cả các bộ, ngành đều “đẻ số”, tăng thêm biên chế”. Cho rằng có vấn đề về phương pháp luận, Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát nguyên lý để thực hiện.
“Có ngành tăng thêm 5.000 - 6.000 biên chế, trình đi, trình lại Bộ Chính trị vẫn không duyệt. Sau đó ngành đó xin không tăng mà giữ nguyên như hiện nay. Như vậy là không giảm được biên chế”, Phó Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh đến hai từ khóa quan trọng trong Nghị quyết 27 là xây dựng vị trí việc làm phải đảm bảo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế; xây dựng vị trí việc làm để tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và trả lương.
“Anh đang ở trên mà xuống làm việc ở dưới thì hưởng lương dưới, đang ở dưới mà nhảy lên được bậc trên thì hưởng lên trên, chứ không có kiểu sống lâu lên lão làng. Tất nhiên có những van khóa để điều chỉnh chuyện thâm niên với vị trí việc làm. Xây dựng gì cũng không được đẻ biên chế, mỗi năm phải giảm 2,5%”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng công chức, trả lương đúng vị trí, bảo đảm tinh giản biên chế. “Cái này khó lắm, từ trước Bộ Nội vụ làm, nay phân cấp, phân quyền thế nào. Như biên chế sự nghiệp, sau phải thả ra cho bên dưới làm, chính Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là người dũng cảm sẵn sàng từ bỏ quyền vị trí độc tôn của Bộ trong việc này”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: Phân công, phân cấp phải gắn với quản lý chứ không phải “thả gà ra đuổi”. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, “đẻ số” ra rồi dùng dằng duyệt hay không duyệt, dẫn đến không thực hiện được cải cách tiền lương. Học cách xác định tiêu chí việc làm của thế giới nhưng phải gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Nước nghèo thì phải làm nhiều giờ, làm nhiều việc để tích lũy. Nước giàu thì làm ít giờ đi. Điều kiện kinh tế, xã hội quyết định vấn đề này.
Vị trí việc làm cũng vậy. Như trong ngành y, nếu áp tiêu chuẩn của nước ngoài một bác sĩ có bao nhiêu hộ lý, y tá thì sẽ “đẻ” quân số rất nhiều. Nhưng khi bệnh viện tự chủ thì bao nhiêu hộ lý là việc của anh. Còn trong điều kiện hiện nay không thể thực hiện được. Các đồng chí đi nước ngoài khảo sát về đừng có máy móc áp dụng, vận dụng vào điều kiện thực tế, có thời gian sai lầm, có vấn đề về lý luận nên các cơ quan làm cứ “đẻ số”, có ngành hơn 10.000 biên chế thì đẻ thêm 5.000 - 7.000 mà lại bảo chúng tôi đang làm rất khiêm tốn. Tất cả các cơ quan đều đẻ quân số”.
Về chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và bảng phân loại lãnh đạo, Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết 107 yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị vào quý III/2019, xin ý kiến Trung ương vào kỳ họp cuối năm (tháng 10-2019). Như vậy Bộ Nội vụ phải chủ động chứ không ngồi chờ. Việc này phải nghiên cứu kỹ, đề xuất thời gian để báo cáo Thủ tướng, để Thủ tướng và Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước.
* Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập
Về nguồn lực để cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính thảo luận, tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo nghe trước khi báo cáo Chính phủ. Bộ Tài chính đánh giá tổng thể nguồn còn dư hiện nay để cải cách tiền lương nằm ở các bộ, ngành, địa phương, việc sử dụng nguồn dư đó theo quy định pháp luật và Nghị quyết 27 cùng với nguồn tăng thu của năm 2018 (40% tăng thu của ngân sách trung ương được tích lũy lại để cải cách tiền lương). Phó Thủ tướng cho rằng phải “gác chặt” nguồn tăng thu này và phải có nguyên tắc, không thể mỗi nơi xử lý khác nhau, không cho bất cứ địa phương nào sử dụng khoản này nếu không bảo đảm nguồn để cải cách tiền lương từ nay đến năm 2020 và cải cách căn bản vào năm 2021.
Đối với việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng nêu lên nguyên tắc, chủ trương của Đảng, Nhà nước là không bao giờ để con em thất học, người bệnh không có nơi để khám chữa bệnh, song, phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp trong Nghị quyết 19-NQ/TW, cơ cấu lại trong nội bộ để lấy dư địa cho những nơi cần tăng biên chế, cuối cùng vẫn là phải tiết giảm biên chế 2,5%/năm.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ ngành công an họp về biên chế, tính tới từng người một, ba năm từ 2015 tới nay không tăng người nào, sắp tới toàn bộ cán bộ công an xã là chính quy nhưng cũng không tăng thêm biên chế mà phải cơ cấu lại trong số quân hiện có. Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện sắp xếp rất tốt. Hay như Quảng Ninh đã tự rà soát, sắp xếp mà không cần thêm người. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những biện pháp để cải cách tiền lương.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã báo cáo một số nội dung về kế hoạch triển khai, sửa đổi thể chế pháp luật, nguồn lực để cải cách tiền lương.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên địa bàn xã Đức Long, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng biên giới 1950.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng từ ngày 14 đến 16-3, chiều tối 14-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên địa bàn xã Đức Long, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng biên giới 1950 của huyện Thạch An và thăm lối mở Nà Lạn; thăm, tặng quà cho các chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long (Thạch An).
Trước tiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Nơi đây, sáng 16-9-1950, quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ra trận, theo dõi và chỉ huy bộ đội chiến đấu tại đài quan sát của Bộ chỉ huy Chiến dịch biên giới trên đỉnh núi Báo Đông.
Trận đánh cứ điểm Đông Khê là trận đánh đầu tiên tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc áp dụng chiến thuật công kiên cấp trung đoàn.
Trận đánh cứ điểm Đông Khê giành thắng lợi đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4, là trận đánh lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam có sự hiệp đồng giữa các binh chủng, tập trung tiêu diệt một cứ điểm lớn của Pháp được bố trí phòng ngự trong công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, quân số đông, nằm ở địa hình vùng núi hiểm trở.
Chiến thắng Đông Khê, Chiến dịch biên giới thắng lợi đã mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, khai thông hành lang biên giới, giành thế chủ động trên chiến trường.
Thăm lối mở Nà Lạn và Đồn Biên phòng Đức Long đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, Phó Thủ tướng biểu dương các cán bộ, chiến sỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng nêu rõ năm 1950 Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân, dân ta đã giải phóng biên giới, giờ đây, giữ biên giới là trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng.
Phó Thủ tướng mong muốn cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đức Long chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt chức năng, nhiệm vụ bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, tăng cường mối quan hệ giao lưu với nước láng giềng Trung Quốc.
Theo Phó Thủ tướng, kim ngạch tạm nhập, tái xuất hàng hóa của lối mở Nà Lạn đến 240 triệu USD là không nhỏ, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cần phối hợp tốt với các lực lượng khác tại lối mở, vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa chống gian lận thương mại, bảo vệ hàng hóa trong nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết từ ngày 01-4 sẽ ra quân tổng điều tra dân số và nhà ở, vì vậy các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cần giúp chính quyền địa phương và nhân dân rà soát, kê khai đảm bảo số lượng và chất lượng, đồng thời bảo vệ an toàn cho cuộc tổng điều tra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khuyến khích doanh nghiệp Nga mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi tiếp ông Vitaly Markelov, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Gazprom (Liên bang Nga).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, đối tác chiến lược Việt - Nga đang phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư phát triển năng động, hiệu quả. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật do một Phó Thủ tướng đứng đầu với các phiên họp thường niên.
Hiện nay, Nga đứng thứ 23 trong số các nước và vùng, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông… Việt Nam có 22 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn gần 3 tỷ USD.
Đánh giá cao những dự án đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn Gazprom, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tập đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và đối tác Việt Nam để ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới quản trị nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, ông Vitaly Markelov, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Gazprom, cho biết, các dự án hợp tác tại Việt Nam có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn. Hiện Gazprom đang phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác Việt Nam để triển khai các dự án khai thác dầu, khí.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Gazprom Vitaly Markelov cho biết, trong thời gian tới Gazprom mong muốn phát triển thêm các dự án đầu tư mới tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, từ thăm dò, khai thác, vận chuyển đến chế biến, kinh doanh các sản phẩm dầu khí.
Hoan nghênh những ý tưởng mở rộng hợp tác đầu tư của Gazprom, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, tạo điều kiện để các dự án của Gazprom được triển khai đạt hiệu quả cao nhất./.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Trà Vinh  (14/03/2019)
Thủ tướng: Xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng  (14/03/2019)
Thủ tướng yêu cầu các bộ làm tốt các nhiệm vụ từ quý I  (14/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển