TCCSĐT - Trong 02 ngày 15 và 16-02-2019, tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình đã tổ chức những hoạt động khai hội đặc sắc, thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.
Tại Bắc Giang, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật về tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là không gian văn hóa - phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử đến với khách du lịch trong, ngoài tỉnh, đồng thời thu hút các nguồn lực, kết nối văn hóa - du lịch vùng Yên Tử, sáng 16-02 (tức ngày 12 tháng Giêng), tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động) Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” và Khai hội Xuân Tây Yên Tử năm 2019.

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2019 được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 20-02-2019 (tức từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Đây là sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh tới đông đảo du khách gần xa và là một trong những hoạt động mở đầu, hưởng ứng chương trình Năm Du lịch Quốc gia Nha Trang 2019 và Ninh Bình 2020.

Tại đây, có 14 hoạt động chính được tổ chức trong 7 ngày như: Khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử; trưng bày, giới thiệu Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Lễ khánh thành Chùa Thượng và khánh thành giai đoạn 1 khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; Hội thảo Liên kết Tour du lịch Tây Yên Tử gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn; Hội hát Soonghao, phiên chợ vùng cao tại Lễ hội vùng cao Tân Sơn; Ngày thơ Việt Nam…

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có hệ thống giao thông thuận lợi, địa hình có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước, cùng những thảm động thực vật phong phú. Nền văn hóa Bắc Giang phong phú, đa dạng, với hơn 2.237 di tích trải khắp toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều làng quan họ cổ, ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay như: Mây tre đan Tăng Tiến, Mỳ Chũ (Lục Ngạn), bánh đa Thổ Hà (Việt Yên)… Cùng với đó là những đặc sản tươi ngon như vải thiều, cam, bưởi huyện Lục Ngạn, chè bản Ven, gà đồi Yên Thế, sâm nam Núi Dành (Tân Yên).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, Bắc Giang sẽ thu hút trên 40.000 tỷ đồng đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch, do vậy tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và sự chung tay của cả cộng đồng để từng bước phát triển ngành du lịch chuyên nghiệp. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai và hoạt động tại tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đang trong quá trình đẩy mạnh quảng bá, liên kết du lịch, liên kết vùng, xây dựng tour, tuyến du lịch, quan tâm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Nhân dịp này, các đại biểu đã cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử.

Tại Bắc Ninh, ngày 16-02 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), cũng chính là ngày hội Lim chính thức khai hội tại 3 xã thuộc vùng Lim là Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hội Lim năm 2019 diễn ra trong 02 ngày 16 và 17-02 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng), bắt đầu với nghi lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim. Dự kiến, phần lễ rước sẽ diễn ra vào sáng ngày chính hội (ngày 17-02 - tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch), đoàn rước sẽ đi từ Trường Tiểu học thị trấn Lim đến đình Lim. Bên cạnh đó, người dân địa phương sẽ tổ chức rước sắc từ làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tổ chức tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc các xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Theo đại diện Ban tổ chức lễ hội, hội Lim năm 2019 là một trong những điểm nhấn nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do đó, khi tham dự lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức những làn điệu Dân ca Quan họ gắn liền với văn hóa Quan họ mà còn được tham quan hai nhà chứa Quan họ tại thôn Lũng Giang và thị trấn Lim (huyện Tiên Du) - thiết chế văn hóa riêng có của người Quan họ, góp phần phục vụ du khách tìm hiểu văn hóa Quan họ.

Bên cạnh phần lễ trang trọng, du khách đến hội Lim còn được thưởng thức những làn điệu Dân ca Quan họ đặc sắc, hòa mình vào không gian văn hóa Quan họ do các nghệ nhân Quan họ đến từ các câu lạc bộ Quan họ, các làng Quan họ gốc thể hiện. Theo đó, Ban Tổ chức dựng 6 lán hát Quan họ trước cửa chùa, một sân khấu chính, một lán thơ…; đồng thời, tổ chức khoanh vùng từng khu vực hoạt động như khu vực văn hóa ẩm thực, khu vui chơi. Khu vực đồi Lim bố trí các lán trại hát giao lưu Quan họ và sới vật. Ban tổ chức lễ hội khuyến khích nghệ nhân Quan họ dùng nhạc cụ dân tộc, nghiêm cấm hình thức hát nhảy đồng, sử dụng âm thanh loa máy có công suất lớn… đảm bảo không gian văn hóa Dân ca Quan họ.

Cùng với đó, các hoạt động hát Quan họ được tổ chức đa dạng, phong phú tại các gia đình. Tại đây, các nghệ nhân, hát giao lưu, hát đối đáp Quan họ tại các lán trại Quan họ và trên sân khấu chính phục vụ du khách. Ngoài ra, du khách còn được tham gia vào các trò chơi dân gian như đập niêu đất, đấu vật, tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, đu tiên…

Theo bà Nguyễn Thị Hào, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Du, Trưởng Ban chỉ đạo hội Lim, năm nay, lễ hội diễn ra vào cuối tuần, trong ngày đầu của hội, lượng khách đến du Xuân trảy hội đông hơn những năm trước. Do đó, Ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức, đảm bảo không gian văn hóa, không khí tươi vui cho người dân địa phương và du khách thập phương đến trẩy hội. 100% quân số lực lượng Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được huy động, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo công tác an ninh trật tự. Lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông, tránh ách tắc, đồng thời phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Riêng ngày 12 tháng Giêng, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ Công an chia làm 23 tổ trực chốt. Ngày chính hội huy động 250 cán bộ chiến sỹ chia làm 28 tổ, chốt cùng với các lực lượng phòng cháy, chữa cháy bảo đảm an toàn lễ hội.

Năm nay, tại khu vực chính hội, Ban tổ chức lắp đặt 30 nhà vệ sinh tạm, 100 thùng rác lưu động, các hàng quán phải có thùng đựng rác, bố trí 7 điểm uống nước miễn phí, 6 điểm trông giữ xe… đảm bảo giao thông không ách tắc, khách gửi xe không bị chặt chém. Đặc biệt, lễ hội không có những hình ảnh phản cảm như trò chơi ăn tiền, chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, dịch vụ điện tử…, mang đến không khí tươi vui, phấn khởi, đậm đà bản sắc văn hóa miền Quan họ Bắc Ninh – Kinh Bắc cho du khách đến trảy hội.

Tại Phú Thọ, trong 02 ngày 15 và ngày 16-02-2019, tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), người dân khắp nơi lại nô nức về tham gia lễ hội Trò Trám. Đây là một trong những lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt.

Theo đó, từ ngày 15-02, người dân trong xã đã mổ lợn làm lễ tế thần, diễn tích trò “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “bách nghệ khôi hài”. Đây là trò diễn xướng dân gian vui nhộn khắc họa 4 nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) một cách dân dã. Ngoài ra, người dân Tứ Xã còn tham gia thi đấu bóng chuyền hơi, cờ tướng, chọi gà... chờ đến giờ làm lễ mật.

Tâm điểm của lễ hội là lễ mật diễn ra lúc sang canh đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng - thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các cụ cao tuổi trong làng thực hiện đến đúng 0 giờ (ngày 12 tháng Giêng). Sau đó, cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và rước "nõ nường" - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước. Tiếp đó, một người nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm "nõ"; một người nữ mặc yếm đỏ, váy thâm, đầu vấn khăn, cầm "nường". Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ chủ tế hô ba lần khẩu lệnh "Linh tinh tình phộc!". Lúc này, tất cả đèn, nến đều tắt. Sau mỗi câu "Linh tinh tình phộc", đôi nam nữ chạm mạnh "nõ nường" vào nhau. Người xưa quan niệm, nếu cả 3 lần, hai vật này chạm đúng vào nhau thì năm đó dân làng sẽ gặp nhiều may mắn, sản xuất, chăn nuôi...thu được nhiều thắng lợi.

Sáng 16-02 (tức ngày 12 tháng Giêng), lễ hội tiếp tục với nghi lễ “Rước lúa thần” quanh làng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và các trò diễn xướng dân gian “Tứ dân chi nghiệp”, kết thúc với lễ cúng Thập Bái tại Miếu Trò.

Tại Ninh Bình, ngày 16-02, trong không khí phấn khởi đầu Xuân, tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình), Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2019. Ngày hội được tổ chức vào mỗi dịp đầu năm mới đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn và du khách thập phương.

Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan là ngày hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Ninh Bình, được tổ chức thường niên tại huyện Nho Quan, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Mường sinh sống (chiếm khoảng 16% dân số toàn huyện), ngoài ra địa phương này còn có các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao... Tham gia ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan có 9 đoàn đến từ các xã trên địa bàn như: Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long. với các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc luôn được huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các địa phương trong huyện đã thành lập nhiều câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao hoạt động có hiệu quả. Trong đó đậm nét nhất là bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, văn hóa lễ hội, các trò chơi truyền thống, dân gian của đồng bào dân tộc Mường./.