Bộ Tư pháp phải là “người gác gôn” của Chính phủ trong các vấn đề pháp lý quốc tế
Chiều 08-01, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Năm 2018, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, toàn ngành Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Bộ Tư pháp đã hoàn thành 190/223 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ quyết liệt chỉ đạo cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, với tỷ lệ cắt giảm là 52,13%. Chất lượng, tiến độ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được cải thiện. Hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao; thi hành xong hơn 571.000 việc, đạt tỉ lệ 80,3% với số tiền lên đến hơn 34.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua. Toàn ngành đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tham mưu về công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; triển khai toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên; cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ, xử lý kịp thời các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn chỉ đạo. Chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt cách thức lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được đổi mới, kịp thời hơn. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có bước tiến, bước đầu đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng phương pháp hiện đại hơn trong truyền thông, đưa pháp luật vào cuộc sống. Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao; việc thu hồi các khoản nợ, tài sản trong các vụ án tham nhũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong công tác bổ trợ tư pháp đã chú trọng hơn xã hội hóa một số lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm tải cho Nhà nước. Ngoài ra, Bộ Tư pháp, một số Sở Tư pháp, đã và đang tham mưu cho Thủ tướng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xử lý được một số vụ việc tranh chấp đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Lưu ý một số tồn tại, bất cập cần khắc phục của bộ, ngành Tư pháp, Thủ tướng chỉ rõ, tuy có nhiều tiến bộ nhưng công tác xây dựng thể chế, pháp luật vẫn bất cập, chưa theo kịp thực tế, thiếu khả thi, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn, vẫn còn một số dự án xin rút, xin lùi. Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra vừa qua ở một số bộ, ngành, địa phương cho thấy có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, tài sản công, cổ phần hóa, vụ việc AVG, Thủ Thiêm, nhất là tại địa bàn Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...
“Với vai trò là “người gác gôn” về pháp luật thì các đồng chí đã làm hết trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo chưa, hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe?. Có vấn đề gì trong cơ chế tham mưu của cán bộ tư pháp với lãnh đạo?”, Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh cán bộ tư pháp cần làm hết chức trách, nhiệm vụ trong việc can gián này thì sai phạm ít xảy ra.
Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, tình trạng “nhờn” luật còn khá phổ biến thì bộ, ngành Tư pháp có đề xuất đột phá nào để thực thi pháp luật hiệu quả hơn? Giám định tư pháp còn nhiều tồn tại, nhất là giám định phục vụ các vụ án tham nhũng lớn, chậm về thời gian, giám định sai. Tham gia tranh tụng quốc tế tuy cố gắng nhưng ở địa phương còn bị động. Án dân sự chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp...
Nhấn mạnh chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “12 chữ” trong đó có “bứt phá”, Thủ tướng đặt vấn đề, nội dung “bứt phá” của Bộ Tư pháp là gì? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu là “năm 2019 phải hơn năm 2018”, vậy năm 2019 của ngành Tư pháp hơn năm 2018 là gì? Thủ tướng gợi ý Bộ Tư pháp cần xác định tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phải là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của hệ thống pháp luật và là “người gác gôn” của Chính phủ trong vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về vai trò “nhạc trưởng” trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thủ tướng cho rằng, Bộ cần tham mưu cho Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp, sáng tạo... Bên cạnh đó, Bộ cần đôn đốc, chủ trì hướng dẫn một số công việc chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy trình, khả thi, chất lượng, hiệu quả; gương mẫu trình đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng các dự án luật được giao chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xem xét xử lý việc ban hành văn bản trái luật.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt hơn vai trò “gác gôn” của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc, chú trọng đào tạo cán bộ pháp luật có đủ trình độ tham gia các vụ tranh chấp quốc tế...
Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cần tiếp tục rà soát, thực hiện đúng phương châm “tư pháp hướng về cơ sở, vì dân, gần dân”, coi trọng công tác xây dựng đảng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ./.
Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở dân tộc thiểu số trong quân đội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới  (08/01/2019)
Ph. Ăng-ghen bàn về chức năng xã hội của nhà nước và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay  (08/01/2019)
Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tạo nền tảng vững chắc để bứt phá  (08/01/2019)
Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng  (08/01/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay