Các cuộc đàm phán hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên liệu có thể bứt phá trong năm 2019?
Năm 2018 đã khép lại với những dấu ấn mang tính bước ngoặt trên Bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên ngày 12-6-2018 ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Triên Kim Jong-un đã nhất trí "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" đổi lại các đảm bảo an ninh của Mỹ. Tuy đây mới chỉ là những bước tiến ban đầu song dư luận thế giới nhìn chung đều coi đây là bước khởi đầu thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Triều Tiên vốn bế tắc trong nhiều năm trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Triên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử lần đầu tiên ngày 12-6-2018 ở Singapore.
Tuy nhiên, từ sau cuộc gặp này, các cuộc đàm phán Mỹ-Triều rơi vào bế tắc do hai bên còn nhiều khác biệt liên quan đến việc diễn giải khái niệm "phi hạt nhân hóa", các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai vào đầu năm 2019.
Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu năm mới 2019, thông qua Thông điệp đầu năm mới, cùng hai bức thư thiện chí của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gửi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dư luận đã hy vọng về một triển vọng khai thông thế bế tắc trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên trong năm mới này.
Năm của những chuyển biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên
Trong năm 2018, thế giới đã chứng kiến những bước chuyển ngoạn mục liên quan tình hình Bán đảo Triều Tiên, nhất là khi nó được đặt trong bối cảnh “thùng thuốc súng” liên tục trực chờ phát nổ với hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong năm 2017.
Triển vọng để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã được mở ra sau hàng loạt động thái tích cực giữa hai miền Triều Tiên kể từ đầu năm 2018. Khởi đầu là Thông điệp đầu năm 2018 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với lời khẳng định rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ, đồng thời Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Hàn Quốc về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018. Khi đó, Thông điệp của ông Kim Jong-un được xem như một “nhành ô liu” hưởng ứng chủ trương đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Sau đó, bức tranh Bán đảo Triều Tiên bắt đầu đổi gam màu tươi sáng khi CHDCND Triều Tiên cử vận động viên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc (tháng 02-2018). Việc Triều Tiên cử vận động viên tham gia Olympic mùa Đông đã mở ra cánh cửa cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Và kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên đã diễn ra vào ngày 27-4-2018 thành công khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí hướng tới chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trong năm 2018; xây dựng một hiệp định hòa bình thay thế thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài 3 năm; tiến hành các cuộc đàm phán 3 hoặc 4 bên với sự tham gia của nước lớn như Mỹ trong việc thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên đã mở đường cho tiếp xúc, đối thoại giữa hai miền. Một tần suất gặp gỡ nhộn nhịp chưa từng có đã diễn ra giữa lãnh đạo hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên. Cùng với những hoạt động đầy tính biểu tượng như khoảnh khắc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước qua giới tuyến tại khu phi quân sự chia cắt hai miền lần đầu tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc, hay sự kiện Tổng thống Moon Jae-in trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bước chân vào trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên để tham gia đàm phán…, lãnh đạo hai nước còn có nhiều cuộc trao đổi thực chất về các vấn đề then chốt liên quan đến hòa hợp, hòa giải, phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình bền vững.
Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên ký này 27-4-2018 và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ngày 20-9-2018 là những bước ngoặt đã mở ra chương mới cho hợp tác liên Triều về mọi mặt, cả dân sự, quân sự, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và tạo dựng hòa bình lâu dài. Cùng với đó là hai cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) (vào tháng 8-2018), các cam kết cụ thể về ký kết thỏa thuận toàn diện giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới 2 nước và thỏa thuận đóng cửa các cơ sở hạt nhân, tên lửa… là những điểm sáng mang lại hy vọng cho bước ngoặt lịch sử trên Bán đảo Triều Tiên.
Thành công của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018 cũng đã trở thành chất xúc tác để mở ra thành công của hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên (ngày 12-6-2018 tại Singapore) với việc Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết một văn kiện chung, trong đó Triều Tiên cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" và Mỹ cũng cam kết về các "đảm bảo an ninh" với Triều Tiên. Cuộc gặp Trump-Kim đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, nguyên thủ hai nước vốn đối địch trong nhiều năm đã cùng ngồi vào bàn đàm phán, kể cả khi Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Kể từ sau thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6-2018, các nhà quan sát đã ghi nhận kết quả tích cực trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên là việc một loạt chuyến thăm con thoi ở các cấp từ thấp đến cao giữa hai bên, với tần suất liên tục được thực hiện trong năm qua. Những bước đi cụ thể từ phía Triều Tiên là việc nước này dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân quan trọng nhất Punggye-ri; tháo dỡ cơ sở thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Dongchang-ri; trao trả hơn 50 bộ hài cốt binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); không phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong cuộc duyệt binh mừng 70 năm quốc khánh (ngày 09-9-2018)… Phía Mỹ và Hàn Quốc cũng đáp lại bằng các quyết định thiện chí như hủy, hoãn hoặc giảm quy mô nhiều cuộc tập trận chung, vốn từ trước đến nay luôn bị Triều Tiên ví như “tập rượt” cho một cuộc xâm lược nước này.
Mặc dù vậy, những tiến triển dường như chỉ có vậy, còn thực tế đến nay Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa thực sự vượt qua được rào cản lớn trong tiến trình phi hạt nhân. Trong khi Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn và Mỹ phải giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với nước này, thì Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, với việc làm đầu tiên là Triều Tiên phải bàn giao bản danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận. Phía Mỹ còn cho rằng, Triều Tiên đang chủ ý làm chậm tiến trình khi không cung cấp một danh sách đầy đủ và có kiểm chứng vũ khí, tên lửa và năng lực hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, dư luận thế giới kỳ vọng những bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ được tháo gỡ bằng sự thiện chí của các bên liên quan trong năm 2019 này.
Có thể phá vỡ thế bế tắc trong năm 2019?
Bước sang năm 2019, thế giới đang kỳ vọng sẽ sớm có một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 giữa nhà lãnh đạo hai nước nhằm định hình các bước đi trong năm 2019 này.
Trong thông điệp Năm mới được phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nêu rõ: "Tôi luôn sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ vào bất cứ lúc nào và nỗ lực mang đến một kết quả mà cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh". Ông kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp trong đàm phán phi hạt nhân hóa, song khẳng định Triều Tiên sẽ phải tìm kiếm một hướng đi thay thế nếu Mỹ không thực hiện các cam kết của mình và tiếp tục đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un nhấn mạnh mong muốn xây dựng "các mối quan hệ mới" với Mỹ, thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và tìm kiếm "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", như đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump hồi tháng 6 vừa qua, nếu Mỹ có những biện pháp phù hợp và đáng tin cậy.
Ông Kim Jong-un cũng cho biết Triều Tiên sẵn sàng nối lại hoạt động tại khu liên hợp Kaesong cũng như chương trình du lịch tới núi Kumgang mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng thời kêu gọi các nước liên quan tới hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán đa phương nhằm thảo luận việc thay thế một thỏa thuận đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình. Ông nhận định một hiệp ước hòa bình sẽ đặt nền móng cho nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un nhắc lại lời kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung, đồng thời yêu cầu không đưa vũ khí chiến lược quân sự tới bán đảo Triều Tiên.
Trong bức thư gửi đến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhân dịp năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng khẳng định rằng, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã thúc đẩy “các biện pháp thiết thực và năng nổ vượt qua tình trạng đối đầu kéo dài” thông qua việc tiến hành ba cuộc gặp cấp cao trong năm 2018. Đồng thời, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh mong muốn sẽ được gặp Tổng thống Moon Jae-in thường xuyên trong năm 2019.
Ðáp lại những thông điệp từ nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định “luôn hoan nghênh” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm Seoul và đánh giá cao bài phát biểu của ông Kim, coi đó là hành động tái khẳng định cam kết giải giáp hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, đáp lại thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ngay trong ngày đầu năm mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết, ông mong đợi cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, sau khi ông Kim Jong-un khẳng định ông sẵn sàng cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào bất cứ thời điểm nào. Ngày 02-01, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền Washington sẽ tổ chức một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "trong một tương lai không xa".
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông đã nhận được một lá thư "tốt đẹp" từ ông Kim Jong-un, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm gặp nhà lãnh đạo này. Tổng thống Trump cũng khẳng định ông chưa bao giờ nhấn mạnh đến tốc độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không sản xuất và thử vũ khí hạt nhân, hay trao vũ khí cho bên khác, cũng như sẵn sàng gặp ông bất cứ lúc nào. Do đó, Tổng thống Trump cho hay ông cũng muốn gặp gỡ lại ông Kim Jong-un, người đã nhận ra rằng Triều Tiên đang sở hữu tiềm năng kinh tế lớn. Đây là phản ứng đầu tiên của Washington sau thông điệp Năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Những động thái ngay thềm năm mới trên được xem là mở ra những tín hiệu tươi sáng, góp phần tạo động lực để các bên liên quan vượt qua khó khăn, mở ra cơ hội xây dựng một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời đem lại thịnh vượng cho người dân ở cả hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà bình luận cũng cho rằng, để thực sự có một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hòa bình, thịnh vượng, thì không thể chỉ là những lời cam kết mà rất cần đến sự thiện chí, quyết tâm, kiên trì và những hành động cụ thể từ các bên liên quan.
Thông qua thông điệp năm mới, tuy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi một “thông điệp hòa giải” tới Tổng thống Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa, song nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã cảnh báo rằng, Triều Tiên có thể sẽ tìm kiếm một hướng đi khác để bảo vệ lợi ích của mình nếu như Mỹ vẫn tiếp tục đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép đối với Bình Nhưỡng. Điều này cho thấy, dường như ông Kim Jong-un đang thể hiện rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn, đây được xem là cách Bình Nhưỡng giữ thế chủ động trong các cuộc đàm phán dài hơi tới đây với Washington và Seoul, đảm bảo rằng những điều kiện cần thiết như duy trì an ninh, dỡ bỏ trừng phạt, hỗ trợ kinh tế… phải được triển khai song song với tiến trình phi hạt nhân hóa. Điều này cũng cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang tiếp tục khẳng định rằng giờ là trách nhiệm của phía Mỹ phải đưa ra hành động thiện chí cụ thể.
Đúng là hai bên vẫn đang tiếp tục thiếu vắng lòng tin để đi tiếp những bước cụ thể. Và nếu như Mỹ chỉ thay đổi chính sách một khi thấy được kết quả cuối cùng là Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thì các nhà phân tích cho rằng, thế giằng co sẽ có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2019./.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm, tặng quà công nhân lao động tại Bắc Giang  (06/01/2019)
Năm 2018, Vietsovpetro hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và công tác xây dựng Đảng  (05/01/2019)
Giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội  (05/01/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên