Nước Nga năm 2018 từ đánh giá của Tổng thống V.Putin
Cuộc họp báo thường niên khép lại năm 2018 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã diễn ra với sự tham dự kỷ lục của 1.702 phóng viên đại diện các cơ quan truyền thông đại chúng trong nước và quốc tế. Đây là lần thứ 14 Tổng thống Putin tổ chức họp báo hàng năm và là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông.
Gần 5 năm qua, bất chấp việc bị Mỹ và các đồng minh phương Tây bao vây, cô lập, cấm vận, nhưng nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin đã vượt qua mọi khó khăn để lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Những con số “biết nói” được ông Putin đưa ra tại cuộc họp báo là câu trả lời xác đáng. Nền kinh tế Nga không sụp đổ, trái lại Moskva coi đây là “cú hích” cần thiết để đẩy mạnh hiện đại hóa nền kinh tế. Với những quyết sách táo bạo và hợp lý, Nga đã giảm thiểu được tác động tiêu cực từ những hành động thiếu thân thiện của phương Tây, quay trở lại chu kỳ phát triển.
Về đối nội: Mục tiêu đưa nước Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Tại cuộc họp báo, về lĩnh vực đối nội, Tổng thống Putin đã điểm lại một số thành tựu của nền kinh tế Nga trong năm 2018. Người đứng đầu nhà nước Nga nhấn mạnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của "Xứ Bạch dương" trong năm 2018 đã tăng 1,7%. Dự trữ vàng cùng dự trữ ngoại tệ tăng, và lần đầu tiên kể từ năm 2011 Nga đã đạt được thặng dư ngân sách; lạm phát được duy trì ở mức chấp nhận được, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn lạm phát gia tăng.
Mức lương cũng như thu nhập thực tế của người dân Nga trong năm 2018 tăng 0,5% so với năm ngoái, trong khi ngành chế biến tăng trưởng 3,2%, công nghiệp nhẹ cũng phát triển nhanh hơn trước, trong đó sản xuất giày và quần áo tăng đến 9%. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, sau khi đã đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2017. Ngoài ra, tuổi thọ của người dân Nga đã tăng đạt mức trung bình 72,9 tuổi.
Để có được thành quả này, trong những năm qua, giới lãnh đạo Nga đã mạnh tay đầu tư phát triển nhiều ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều ghi nhận sự phát triển tích cực, đặc biệt là nông nghiệp trở thành ngành mũi nhọn dẫn dắt nền kinh tế. Kết thúc năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của tổ hợp công nghiệp quốc phòng đạt 15,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 20 tỷ USD.
Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước, Nga còn tăng cường tìm kiếm các phương thức hợp tác mới với các đối tác ngoài thế giới phương Tây. Moskva củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác từ châu Mỹ, châu Phi, đến châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt với Trung Quốc. Với những thành quả đã đạt được, Tổng thống Putin cho rằng Nga cần có bước đột phá hơn nữa trong phát triển kinh tế cũng như nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nhằm đưa nước Nga vào nhóm 5 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Tổng thống Putin hy vọng từ năm 2021, tốc độ phát triển kinh tế của Nga sẽ đạt trên 3%.
Về các vấn đề quốc tế
Trong quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga Putin khẳng định Nga quan tâm đến mối quan hệ song phương với Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Đề cập đến quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria, ông Putin cho biết chưa thấy dấu hiệu Mỹ rút quân khỏi Syria, nhưng cho rằng khả năng này có thể xảy ra. Ông Putin cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria là đúng đắn vì sự hiện diện của quân Mỹ tại đây là trái phép. Tổng thống Nga tuyên bố đồng ý với đánh giá của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng nhìn chung tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại tại Syria.
Không chỉ đưa nền kinh tế “thoát hiểm”, nước Nga dưới sự chèo lái của ông Putin đã lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, đặc biệt sau khi với sự giúp đỡ của Nga, Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad đánh bại lực lượng khủng bố và giành lại quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước. Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn cảnh báo nguy cơ các phần tử khủng bố chuyển hoạt động từ Syria sang các nước khác.
Về quan hệ căng thẳng giữa Nga-Anh, ông Putin đánh giá quan hệ Nga-Anh hiện đã đi vào ngõ cụt và việc thoát khỏi ngõ cụt này sẽ có lợi cho cả hai nước. Ông cho rằng việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kinh tế châu Âu, kinh tế thế giới qua đó cũng ảnh hưởng gián tiếp tới Nga.
Đề cập đến phản ứng của phương Tây đối với vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh, ông Putin cho rằng phương Tây sử dụng thái độ ghét để kiểm chế Nga như một đối thủ cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đề cập đến quan hệ căng thẳng với Ukraine, Tổng thống Putin cho biết số phận các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ tại Eo biển Kerch sẽ được giải quyết sau một phiên tòa xét xử. Tổng thống Nga cho rằng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sử dụng vụ khiêu khích trên Eo biển Kerch để thu hút sự chú ý trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Ông Putin cáo buộc chính quyền Ukraine đã phong tỏa vùng Donbass với phần còn lại của Ukraine, đồng thời khẳng định việc giải quyết các vấn đề chính trị ở vùng Donbass bằng vũ lực chắc chắn sẽ thất bại.
Mặc dù vậy, Tổng thống Putin đánh giá Ukraine vẫn là đối tác kinh tế thương mại, bất chấp các hành động của chính quyền Kiev, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tăng trong năm 2018.
Trong quan hệ với Nhật Bản, Tổng thống Putin tuyên bố Nga có thiện chí muốn ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản vì cả Nga và Nhật Bản đều quan tâm đến việc xử lý mối quan hệ song phương một cách đầy đủ.
Tuy nhiên, ông Putin bày tỏ quan ngại về mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh khi thông qua quyết định cho phép bố trí các hạ tầng quân sự của Mỹ tại nước này. Ông nhấn mạnh vấn đề an ninh rất quan trọng khi ký kết hiệp ước hòa bình và Nga quan ngại kế hoạch bố trí trên lãnh thổ Nhật Bản các thành phần của "hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ". Theo ông Putin, mặc dù Tỉnh trưởng Okinawa bày tỏ phản đối việc mở rộng căn cứ quân sự của Mỹ, song không thể làm gì được và mọi việc vẫn cứ diễn ra. Về phần mình, Nga không có ảo tưởng về vấn đề này vì hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ hoạt động đồng bộ với các hệ thống vũ khí tấn công.
Về quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin khẳng định mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực. Theo ông Putin, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Đây là thành tựu và chỉ số quan trọng. Hơn nữa, Moskva và Bắc Kinh đang tiếp tục tiến xa hơn nữa, hai bên tích cực hợp tác trên trường quốc tế. Đó là nhân tố ổn định và có thể dự báo tình hình trên thế giới. Mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực. Đó là nhân tố giữ ổn định và có thể dự báo tình hình trên thế giới. Giới phân tích nhận định trong bối cảnh hiện nay khi Mỹ cùng lúc gây sức ép với Nga và Trung Quốc thì mối quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh càng trở nên gần gũi, thậm chí trong trường hợp cần thiết có thể trở thành “liên minh tình thế”. Việc Moskva và Bắc Kinh phối hợp trong các hồ sơ quốc tế, cũng như đạt được thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương cho thấy nhận định trên hoàn toàn có cơ sở.
Cảnh báo về sự đổ vỡ hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế, về các lệnh trừng phạt
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tỏ ý lấy làm tiếc về sự đánh giá thấp nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang tăng lên. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến sự đổ vỡ hệ thống kiềm chế vũ khí quốc tế”. Ông nhắc lại khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa, Moskva buộc phải hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Giờ đây Mỹ lại đang rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung, rồi sau đó lại đổ lỗi cho Nga chiếm được ưu thế. Theo ông Putin “sự nguy hiểm của một kịch bản như vậy trên thế giới đang bị lu mờ và điều này có thể dẫn đến cái chết của nền văn minh và thậm chí cả hành tinh”.
Ông Putin cho rằng, Nga phải đối mặt với nguy cơ bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang mới khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời đẩy mạnh xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Á và Đông Âu, những nơi giáp với biên giới của Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ tiếp tục hiện đại quân đội và kho vũ khí của mình để bảo đảm an ninh quốc gia, nhưng không dễ bị rơi vào “cái bẫy” của phương Tây bởi vì Moskva đã rút được bài học quí báu từ cuộc đối đầu Liên Xô và Mỹ trong quá khứ. Tổng thống Putin khẳng định khi Mỹ rút khỏi INF, Moskva không còn sự lựa chọn nào khác ngoài phải hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
Ông Putin cho rằng hiện trên thế giới đang có xu hướng giảm ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Ví dụ, tại phương Tây đang đề cập tới ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ. Việc sử dụng loại vũ khí như vậy có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu. Tuy nhiên Tổng thống Nga hy vọng nhân loại có đủ sáng suốt để không để xảy ra chiến tranh thế giới. Ông Putin cũng khẳng định Nga không muốn khởi động cuộc chạy đua vũ trang mà chỉ nỗ lực duy trì thế cân bằng lực lượng và đảm bảo an ninh của mình.
Đánh giá về các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga, Tổng thống Nga khẳng định, giờ đây vai trò của Nga trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế nóng bỏng như chống khủng bố, chương trình hạt nhân Iran, tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tấn công mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân… là không thể không nhắc đến. Thế nhưng, sự lớn mạnh của Nga chính là nguyên nhân mà theo ông Putin “trong gần như toàn bộ lịch sử của mình, Nga phải chung sống với các biện pháp trừng phạt”. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên trong thời gian tới phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Moskva, chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực mà Nga có thế mạnh như năng lượng và vũ khí.
Theo nhà lãnh đạo Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là phi lý và nhằm mục đích kiềm chế nước Nga. Ông Putin cho rằng phương Tây đã đánh mất thị trường Nga rộng lớn. Điều này được minh chứng rất rõ khi tỷ lệ thất nghiệp tại Nga chỉ 4,8%, trong khi tại EU, như Tây Ban Nha lên tới 15%.
Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo Nga lưu ý nền kinh tế xứ Bạch dương đã thích ứng với những biện pháp trừng phạt của phương Tây, cho rằng các biện pháp này cũng có mặt tích cực riêng. Các lệnh trừng phạt buộc Nga phải "động não" suy nghĩ phát triển theo nhiều hướng.
Với các vấn đề đối nội và đối ngoại được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong buổi họp báo thường niên khép lại năm 2018, có thể thấy mặc dù đang phải đối mặt với vô số khó khăn, thách thức nhưng nước Nga dưới sự chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin đã vượt qua mọi khó khăn để lấy lại vị thế và giành lại được tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế./.
Báo chí phải thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận  (28/12/2018)
Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế  (28/12/2018)
Năm nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại bảo vệ chủ quyền lãnh thổ  (28/12/2018)
Tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn  (28/12/2018)
Phòng chống tham nhũng 2018: Nhân lên niềm tin, động lực phát triển  (28/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên