Vấn đề nhân quyền trong chính sách ngoại giao của Mỹ
TCCS - Nhân quyền là một nội dung quan trọng trong Hiến pháp, pháp luật và trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp của nước Mỹ. Trong suốt tiến trình lịch sử nước Mỹ, chủ đề này luôn được coi là một nội dung thiết yếu trong chính sách đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, các tổng thống và chính quyền Mỹ có thể đưa ra ưu tiên, lựa chọn, cách thức thực hiện với mức độ “nặng - nhẹ” khác nhau khi đề cập đến nội dung nhân quyền trong chính sách ngoại giao. Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, vấn đề nhân quyền trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm có những nét khác với chính quyền tiền nhiệm.
Vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ
Ngay từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi bắt đầu quan tâm và khẳng định vị trí cường quốc của mình trên thế giới thì chính quyền Mỹ cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề nhân quyền. Trong lịch sử nước Mỹ, tuy nhân quyền là một nội dung chính sách đối ngoại được nhiều tổng thống, nhà ngoại giao Mỹ ủng hộ và theo đuổi, nhưng ở mỗi giai đoạn họ đều có các phản ứng và mức độ quan tâm khác nhau đối với việc sử dụng chính sách nhân quyền trong hoạt động đối ngoại. Năm 1941, Tổng thống Mỹ Ph. Ru-dơ-ven đã có bài phát biểu đề cập đến “bốn tự do”, trong đó nhấn mạnh đến các quyền cơ bản mà người dân ở khắp nơi trên thế giới cần được hưởng, đó là tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do không bị thiếu thốn, và tự do khỏi nỗi sợ hãi(1). Tiếp đó, trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống vào năm 1961, Gi. Ken-nơ-đi cũng đề cập đến sự cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quyền con người(2). Sau những năm 70 của thế kỷ XX, nhân quyền bắt đầu được coi là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ(3). Trên cơ sở đề xuất của Quốc hội, các tổ chức xã hội và nhiều nhà khoa học Mỹ, Tổng thống Gi. Ca-tơ đã khởi xướng quan điểm coi nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tiếp đó, Tổng thống Gi. Bu-sơ cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vấn đề nhân quyền vào chính sách ngoại giao của Mỹ. Trong bài phát biểu thứ hai sau khi nhậm chức, ông nhấn mạnh rằng, mục đích của việc đưa vấn đề nhân quyền vào chính sách ngoại giao Mỹ là để “hạn chế bất công”. Tuy nhiên, trong những năm 1973 - 1977, Ngoại trưởng Mỹ H. Kít-xinh-giơ lại phản đối việc đưa vấn đề nhân quyền vào hoạt động ngoại giao, bởi cho rằng, việc đưa vấn đề này vào chính sách đối ngoại có thể gây tổn hại đến các mối quan hệ song phương của Mỹ(4).
Trong những thập niên gần đây, nhiều tổng thống Mỹ cho rằng, dân chủ và nhân quyền là các giá trị tạo nền tảng cơ bản để các xã hội ổn định, an toàn và vận hành tốt, và “lý sự” rằng, việc Mỹ quan tâm thúc đẩy bảo vệ nhân quyền trên thế giới là để: Yêu cầu chính phủ các nước có trách nhiệm hơn với nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các chuẩn mực, văn kiện quốc tế về nhân quyền; thúc đẩy tôn trọng quyền con người, đặc biệt là quyền không bị tra tấn, tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền phụ nữ, trẻ em và bảo vệ các nhóm thiểu số; thúc đẩy nhà nước pháp quyền, tăng cường tính trách nhiệm, thay đổi văn hóa miễn trừ trách nhiệm đối với các vi phạm về quyền con người; hỗ trợ nỗi lực cải cách và tăng cường năng lực thể chế cho Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người; điều phối hoạt động quyền con người với các liên minh quan trọng, như Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức khu vực(5).
Chính quyền Mỹ ở nhiều thời kỳ khác nhau, thậm chí, còn lớn tiếng coi nhân quyền là một giá trị riêng của Mỹ và bằng các hình thức khác nhau nhằm áp đặt giá trị này lên các quốc gia khác. Với quan niệm của mình về nhân quyền, Mỹ coi việc quan tâm đến nhân quyền ở các quốc gia khác như một thứ “quyền lực mềm” của mình(6). Do vậy, lên tiếng hay không lên tiếng về vấn đề nhân quyền, lên tiếng với ai và ở đâu luôn được coi là một nội dung cốt lõi trong các hoạt động ngoại giao của Mỹ với các quốc gia trên thế giới nhằm mục đích bảo đảm sự ổn định, an toàn, lợi ích tối đa cho nước Mỹ.
Vấn đề “bảo đảm an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền” được coi là một trong bảy nhiệm vụ chính của Bộ Ngoại giao Mỹ(7). Để thực hiện chính sách ngoại giao về nhân quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ và cơ quan chuyên trách của Bộ này là Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thường dùng vấn đề nhân quyền như một “công cụ” an ninh, ngoại giao thông qua các kênh ngoại giao song phương, đa phương, viện trợ nước ngoài, cấm vận kinh tế và công bố báo cáo quyền con người. Nội dung nhân quyền được lồng ghép vào các chương trình đào tạo, huấn luyện cho quân đội Mỹ và các chương trình hỗ trợ về an ninh. Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc đối thoại về nhân quyền con người cấp cao với nhiều chính phủ trên thế giới để thảo luận về những vấn đề liên quan đến nội dung nhân quyền mà hai bên quan tâm. Luật Trợ giúp nước ngoài của Mỹ năm 1961 quy định, viện trợ an ninh sẽ không cấp cho bất kỳ quốc gia nào nếu chính phủ có liên quan đến vi phạm phổ biến nhân quyền đã được quốc tế ghi nhận. Trong lịch sử, chính quyền Mỹ đã áp dụng cấm vận kinh tế với một số quốc gia mà Mỹ cho rằng có những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, chẳng hạn như Mỹ đã từng tuyên bố áp dụng cấm vận kinh tế với Xu-đan do tình trạng mà Mỹ cho là vi phạm nhân quyền ở Đa-phơ(8).
Trong 41 năm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thường niên ra báo cáo về tình hình thực hiện nhân quyền ở các nước trên thế giới và cũng gặp phản ứng của nhiều quốc gia do sự áp đặt về giá trị, định nghĩa nhân quyền theo “tiêu chuẩn kép” kiểu Mỹ đối với các quốc gia khác.
Vấn đề nhân quyền trong chính sách ngoại giao của chính quyền đương nhiệm
Tổng thống Đ. Trăm lên nắm quyền từ tháng 11-2016 và có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác biệt so với chính quyền tiền nhiệm. Để thực hiện việc thay đổi cách tiếp cận và chính sách đối ngoại, khiến “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Đ. Trăm và chính quyền của ông đã đưa ra chính sách mới với tên gọi “Nước Mỹ trên hết” (“American first”). Đây là chính sách nhấn mạnh đến việc đề cao chủ nghĩa dân tộc Mỹ trong quan hệ quốc tế, tập trung vào việc mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ. Có thể nêu một số tuyên bố, hành động cụ thể liên quan đến vấn đề nhân quyền tại Mỹ mà Tổng thống đương nhiệm có cách ứng xử khác với người tiền nhiệm, như:
- Cải cách bảo hiểm y tế bằng cách cắt giảm ngân sách cho y tế theo lộ trình khoảng 15% mỗi năm.
- Ban bố lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với những người đến từ bảy quốc gia Hồi giáo.
- Không tiếp nhận người tị nạn.
- Có xu hướng ưu tiên bán vũ khí cho các quốc gia mà chính quyền tiền nhiệm ban bố lệnh cấm vận bán vũ khí.
- Loại bỏ vị trí việc làm trong Nhà trắng về điều phối, phát triển và thực hiện chính sách chính phủ về quyền con người và cứu trợ nhân đạo. Chẳng hạn, tháng 5-2017, vị trí trợ lý đặc biệt cho Tổng thống về các vấn đề đa phương và nhân quyền được đổi thành vị trí trợ lý đặc biệt liên minh và tổ chức quốc tế.
- Tuyên bố cắt toàn bộ tài trợ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) các chương trình về sức khoẻ phụ nữ.
- Tuyên bố rút khỏi Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu(9).
- Tuyên bố rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Với những động thái trên đây, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách nhân quyền trong hoạt động ngoại giao, nhưng một số báo chí, kênh truyền thông, một số nhà nghiên cứu về nhân quyền cho rằng, Tổng thống Đ. Trăm và chính quyền của ông đang quay trở lại giai đoạn những năm 70 thế kỷ XX của nước Mỹ - thời kỳ mà chính quyền Mỹ đặt các vấn đề ưu tiên khác lên trên vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại. Cựu Ngoại trưởng Mỹ R. Ti-lếch-sơn tuyên bố rằng, các chuẩn mực, như tự do, quyền con người là các giá trị, không phải là chính sách của Mỹ và các giá trị này không được coi là rào cản gây trở ngại cho việc thúc đẩy lợi ích về kinh tế và an ninh của Mỹ(10). Nước Mỹ cần tập trung vào giải quyết những thách thức của chính mình là cân bằng giá trị và an ninh quốc gia. Với quan điểm như vậy, tháng 3-2017, R. Ti-lếch-sơn đã không tham dự lễ công bố Báo cáo quyền con người thường niên - một hoạt động mà từ trước tới nay luôn có sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao nước này(11). Gần đây nhất, ngày 19-6-2018, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố nước này rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - một cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Chính sách ngoại giao mới của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm đã gặp phải những chỉ trích đến từ một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, truyền thông và một số nhà nghiên cứu, bởi cho rằng, chính quyền bỏ qua vấn đề nhân quyền trong việc thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Tác giả S. Xni-đơ (Sarah B. Snyder), một nhà sử học Mỹ, trong bài viết đăng trên Thời báo Oa-sinh-tơn đã đặt ra câu hỏi “Liệu chính quyền thời kỳ Đô-nan Trăm có đang bỏ qua vấn đề quyền con người hay không?(12) Tác giả T. Pi-cô-nê (Ted Piccone), một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại liên quan đến dân chủ và nhân quyền của Viện Nghiên cứu Brookings cho rằng, cựu Ngoại trưởng R. Ti-lếch-sơn đang nói lời từ biệt với chính sách ngoại giao nhân quyền của Mỹ(13).
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc chính quyền Mỹ chủ động rút lui khỏi nhiều hoạt động liên quan đến vấn đề nhân quyền trên các diễn đàn quốc tế có nghĩa là quốc gia này không coi nhân quyền là một nội dung, một “công cụ” trong chiến lược ngoại giao của mình(14). Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp vào tình hình nhân quyền của các quốc gia. Thêm vào đó, bên cạnh tổng thống và chính quyền thì Mỹ còn có các cơ chế quan tâm khác đến tình hình quyền con người của các quốc gia khác trên thế giới, chẳng hạn như Quốc hội. Như vậy, có thể nói rằng, dù Chính quyền Mỹ hiện nay đang có cách tiếp cận mới trong chính sách ngoại giao coi lợi ích nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu và không đặt nặng ưu tiên đối với một số chính sách về nhân quyền, nhưng nước Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp vào tình hình quyền con người ở các nước trên thế giới và coi đó là một công cụ ngoại giao để khuếch trương, áp đặt những giá trị của mình lên các quốc gia khác, nhằm gia tăng “sức mạnh mềm” và lợi ích của Mỹ trên thế giới./.
--------------------------------------------------------
(1) Franklin d. Roosevelt, Bài phát biểu về bốn tự do ngày 6-1-1941, http://voicesofdemocracy.umd.edu/fdr-the-four-freedoms-speech-text/ (truy cập ngày 15-12-2017)
(2) Bài phát biểu của Tổng thống John F. Kennedy ngày 20-1- 1961, https://www.jfklibrary.org/Research/Research-Aids/Ready-Reference/JFK-Quotations/Inaugural-Address.aspx, (truy cập ngày 15-12- 2017)
(3) Xem: Roberta Cohen: Integrating human rights in US foreign policy: the history, the challenges, and the criteria for an effective policy (Lồng ghép quyền con người vào chính sách đối ngoại của Mỹ: Lịch sử, thách thức và tiêu chí của một chính sách hiệu quả), Foreign Service Institute, 2008
(4) Xem: Roberta Cohen: Sđd
(5) Xem: Bộ Ngoại giao Mỹ, Vấn đề quyền con người, https://www.state.gov/j/drl/hr/index.htm, truy cập ngày 25-3-2018
(6) Soft Power and American Foreign Policy Joseph S. Nye, Jr. Political Science Quarterly Vol. 119, No. 2 (Summer, 2004), pp. 255-27
(7) Xem: Bộ Ngoại giao Mỹ, Giới thiệu về chức năng nhiệm vụ, https://www.state.gov/whatwedo/, truy cập ngày 25-3-2018
(8) Baek, Buhm Suk: “Economic Sanctions Against Human Rights Violations” (2008). Cornell Law School Inter-University Graduate Student Conference Papers. Paper 11, http://scholarship.law.cornell.edu/lps_clacp/11
(9) Amnesty USA, 100 ways Trump has threatened human rights - and how we fought back (100 điều mà Trump đã gây đe doạ đến quyền con người - Làm thế nào để chúng ta có thể ứng trả lại), https://www.amnestyusa.org/Trump100Days/
(10) Xem: Sarah B. Snyder: Is Rex Tillerson pivoting on human rights? (Rex Tillerson có coi quyền con người là trung tâm nữa không? ) The Washington Post, 2/3/2017, https://www.washingtonpost.com/news/made-by-history/wp/2018/03/02/is-rex-tillerson-pivoting-on-human-rights/?utm_term=.09f9d61577d2; Xem: Ted Piccone, Tillerson says goodbye to human rights diplomacy, (Tilerson nói lời tạm biệt với ngoại giao nhân quyền) 5-5-2017, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2017/05/05/tillerson-says-goodbye-to-human-rights-diplomacy/
(11) Rex Tillerson skips launch of US state department’s human rights report, ngày 3-3-2017, The Guardian, (Rex Tillerson không tham dự lễ giới thiệu báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ) https://www.theguardian.com/us-news/2017/mar/03/rex-tillerson-human-rights-report-trump-state-department
(12) SarahB. Snyder: Is the Trump administration abandoning human rights? (Chính quyền Trump có từ bỏ vấn đề nhân quyền không?) ngày 2-7-2017, The Washinton Post, https://www.washingtonpost.com/news/made-by-history/wp/2017/07/02/is-the-trump-administration-abandoning-human-rights/?utm_term=.24f63a6a0289
(13) Ted Piccone: Tillerson says goodbye to human rights diplomacy, (Tilerson nói lời tạm biệt với ngoại giao nhân quyền) ngày 5-5-2017, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2017/05/05/tillerson-says-goodbye-to-human-rights-diplomacy/
(14) Xem: US Department of State, Human rights, https://www.state.gov/j/drl/hr/index.htm, truy cập ngày 2-7-2018
Mất cân bằng giới tính: Giải pháp nhìn từ góc độ giới  (24/10/2018)
Quy định mới của Chính phủ về mức đóng bảo hiểm y tế  (24/10/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 15 đến ngày 21-10-2018)  (24/10/2018)
“Thời gian vàng” điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV  (23/10/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp mặt Văn phòng Chủ tịch nước  (23/10/2018)
Lãnh đạo các nước gửi điện mừng Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước  (23/10/2018)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên