Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 15 đến ngày 21-10-2018)
Ngày đầu tiên Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 15-10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung về những vấn đề chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và những vấn đề quan trọng khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội gồm:
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019.
Xem xét kết quả giữa kỳ các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình tài chính quốc gia, kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Xem xét nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 và việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện có liên quan; xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhân sự và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản; thành lập phường Tiến Thành thuộc thị xã Đồng Xoài và thành phố Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhìn chung công tác chuẩn bị cho phiên họp tiếp tục phát huy được tính tích cực. Các cơ quan hữu quan đã chủ động, khẩn trương chuẩn bị các nội dung để phục vụ cho phiên họp.
Đây là phiên họp cuối để rà soát lại các công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, do đó có nhiều nội dung phải xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Thời gian phiên họp ngắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện các cơ quan trình bày ngắn ngọn, tập trung vào những vấn đề chủ yếu của nội dung phiên họp, nhất là các báo cáo kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách...
Tiếp theo, trong buổi sáng với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về các Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành về những rủi ro của tác động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ có thể tác động tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu và đầu tư. Bên cạnh đó, cần chú ý những rủi ro về lạm phát, tỷ giá; các rào cản về thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân công các bộ, ngành chuẩn bị những nội dung để giải trình thêm với đại biểu Quốc hội như vì sao năng suất lao động năm nay không bằng năm trước; thu ngân sách ở cả ba khu vực (khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân) đều chưa đạt dự toán; chỉ số Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giảm nhưng vẫn còn cao so với khu vực và các nước...
Thành phố Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp để phát triển nhanh và bền vững
Sáng 15-10-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã khai mạc Hội nghị lần thứ 18. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung thảo luận những nội dung trước mắt và lâu dài của Thành phố, đó là sẽ xem xét những chuyên đề về: Công tác chuẩn bị xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông; báo cáo kết quả 9 tháng thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Đánh giá về tình hình kinh tế kinh tế Thành phố 09 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ 03 tháng cuối năm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Trong 09 tháng đầu năm, kinh tế Thành phố giữ được tăng trưởng tương đối khá; tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,89% so cùng kỳ năm 2017; đầu tư đạt 33% so với GRDP; thu ngân sách nhà nước 09 tháng đầu năm đạt hơn 269.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ cuối năm 2018 và 02 năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các cơ quan chức năng phải thay đổi cách tiếp cận, nhìn thẳng vào hạn chế và chọn vấn đề để giải quyết dứt điểm, nhất là phải tạo sinh khí mới, quyết tâm đưa Thành phố phát triển đột phá một cách rõ nét, hiệu quả nhất.
Cùng với việc bày tỏ về những khó khăn trong việc thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn hội nghị làm rõ những biện pháp trong ngắn hạn cần thực hiện, khơi dậy nguồn lực, thúc đẩy các dự án sắp triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng vốn, thu hút đầu tư và việc trước mắt là phải có sự nỗ lực, tập trung cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo tăng trưởng, thu ngân sách và an sinh xã hội của địa phương.
Với nhận định, vấn đề cải cách hành chính vẫn là khâu bức xúc nhất đối với doanh nghiệp và người dân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu xem xét thảo luận triển khai đợt thi đua ngắn hạn 03 tháng cuối năm xung quanh chủ đề mỗi đơn vị hành chính có giải pháp, sáng kiến thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính tăng sự hài lòng, bớt khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Kết quả của đợt thi đua này có thể là tiền đề cho việc thực hiện chủ đề “Năm cải cách hành chính” của năm 2019.
Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp trong công tác cán bộ. Đồng chí cũng đề nghị, hội nghị làm rõ, nghiêm túc trách nhiệm chính trị của Thành ủy, của các cán bộ chủ chốt, của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đối với sự phát triển chung của Thành phố.
Theo Chương trình Hội nghị, trong 02 ngày 15 và 16-10, Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X sẽ thảo luận, cho ý kiến và thông qua 08 nội dung quan trọng.
Truy tố Phan Văn Anh Vũ cùng 25 bị can trong vụ gây thiệt hại tại DAB
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 truy tố bị can Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) cùng 25 bị can khác trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt là DAB) hơn 3.600 tỷ đồng.
26 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án này gồm: Trần Phương Bình (sinh năm 1959, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng quản trị), Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB), Nguyễn Thị Kim Xuyến (sinh năm 1958, nguyên Phó tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị DAB), Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79), Phạm Văn Phước (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định), Nguyễn Đức Vinh (sinh năm 1966, nguyên Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB), Đỗ Thanh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Thủ quỹ Hội sở DAB), Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1959, nguyên Phó giám đốc DAB Sở giao dịch), Trần Thế Hùng (sinh năm 1961, nguyên Thủ quỹ DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Kim Loan (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Hội sở DAB), Nguyễn Thị Ái Lan (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có thuộc khối kinh doanh nguồn vốn DAB), Nguyễn Đỗ Thành Trung (sinh năm 1987, nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch), Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1968, nguyên Giám đốc DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Ngọc Vân (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB), Lê Kiên Giang (sinh năm 1977, nguyên Phụ quỹ Hội sở Ngân hàng DAB), Nguyễn Chí Công (sinh năm 1979, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch), Vũ Thị Thanh Hoa (sinh năm 1981, nguyên Phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch), Trang Tài Tâm (sinh năm 1984, nguyên cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch), Nguyễn Hồ Bảo Quốc (sinh năm 1975, nguyên Giám đốc DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng), Võ Hoàng Đông (sinh năm 1983, nguyên Thủ quỹ DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng), Quách Thành Sang (sinh năm 1988, nguyên Phụ quỹ DAB Sở giao dịch), Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1961, trú tại phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Hoàng Khải (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sao Việt Nam), Trương Quốc Tân (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hội tụ), Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1960, nguyên Trưởng ban kiểm soát DAB), Nguyễn Vinh Sơn (sinh năm 1959) và Phan Thị Tố Loan (sinh năm 1970, cùng là Thành viên chuyên trách Ban kiểm soát DAB).
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố hai bị can Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, Khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, Khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hai bị can Phan Văn Anh Vũ và Phạm Văn Phước bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, Khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba bị can Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, Khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
19 bị can còn lại bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, Khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 2.057.296.898.223 đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 1.551.419.039.173 đồng, tổng cộng gây thiệt hại cho DAB 3.608.715.937.396 đồng, là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31-12-2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, trách nhiệm của các bị can trong việc gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng liên quan đến 3 nhóm hành vi, gồm nhóm hành vi của Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, Phạm Văn Phước lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB 2.057.296.898.223 đồng; nhóm hành vi của Trần Phương Bình và đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho DAB 1.551.419.039.173 đồng; nhóm hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của 3 bị can thuộc Ban kiểm soát DAB.
Trong nhóm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB, Viện Kiểm sát cho rằng, hai bị can Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của DAB 1.160.582.877.084 đồng trong việc mua 74.279.056 cổ phần DAB từ năm 2007 đến năm 2014.
Cũng thuộc nhóm hành vi này, Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 203.195.616.438 đồng và Trần Phương Bình chiếm đoạt 294.636.844.000 đồng của DAB.
Trong nhóm hành vi cố ý làm trái, Trần Phương Bình và đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho DAB các khoản tiền: 467.892.636.000 đồng (trong việc chi lãi ngoài để huy động vốn), 384.849.093.796 đồng (trong việc kinh doanh ngoại hối), 611.676.150.190 đồng (trong việc kinh doanh vàng tài khoản), 53.395.686.966 đồng (trong việc tất toán khống 1 phần khoản Nguyễn Hồng Ánh vay 1.900 lượng vàng), 2.405.472.219 đồng (trong việc trả lãi cho 2 khoản vay của bà Nghiêm Thị Hồng, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) và gây thiệt hại cho DAB 31,2 tỷ đồng (trong việc Trần Phương Bình thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán (Repo) 10.435.400 cổ phiếu Công ty Không gian ngầm).
Đối với nhóm hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của 3 bị can Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn (thuộc Ban kiểm soát DAB), Viện Kiểm sát nhận định, trong thời gian làm nhiệm vụ tại Ban Kiểm soát DAB, Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, để cho Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và các bị can đồng phạm lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả thiệt hại cho DAB 3.608.715.937.396 đồng.
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6 khóa XIV
Tiếp tục Phiên họp thứ 28, sáng 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn; chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Chiều 16-10, Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.
Chương trình kỳ họp thứ 6 bổ sung các nội dung trình Quốc hội, gồm bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan (nếu cần thiết sẽ bố trí Quốc hội họp riêng); xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam…
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong đó Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền; Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, khai mạc vào ngày 22-10 và bế mạc vào ngày 21-11. Kỳ họp thứ 6 sẽ xem xét các báo cáo đánh giá về: kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Bên cạnh đó, Quốc hội bàn bạc, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2021); Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020...
Về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 9 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Nghị quyết về tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Bên cạnh đó, Quốc hội Cho ý kiến 6 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp. Đến thời điểm hiện nay, công tác cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, tiếp dân, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần... đã được triển khai thực hiện tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành.
Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện một số công việc còn lại, bảo đảm phục vụ tốt cho kỳ họp.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đóng góp các ý kiến liên quan đến việc sắp xếp các nội dung trong chương trình kỳ họp; công tác chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp; các nội dung chuẩn bị liên quan đến công tác nhân sự; về thời gian, hình thức thực hiện các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; các nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp; công tác an ninh, hậu cần.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiến hành kiểm tra bốn bộ
Sáng 16-10, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông trong việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết không phiên họp nào Thủ tướng không nhắc đến vấn đề đưa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đi vào hiệu quả, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và coi đây là vấn đề rất quan trọng tạo dư địa cho tăng trưởng.
Nhấn mạnh năm 2018 đã đi qua 4/5 chặng đường, song “còn nhiều cái đã hứa nhưng không làm được,” Bộ trưởng nêu yêu cầu của Thủ tướng tại Nghị quyết 19 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo) là phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa thực hiện được; mới chỉ cắt giảm được 1.517/6.191 điều kiện kinh doanh và 1.700/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Bộ trưởng chỉ ra sáu mặt được trong công tác này, đó là đã mạnh dạn đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thay vì tiền kiểm đã chuyển mạnh sang hậu kiểm, điển hình là Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển 279/299 (đạt hơn 93%) danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ hai là các bộ giảm cơ bản danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo. Các bộ đều ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và phân cấp công bố rất rõ, tránh kiểm tra mò, suy diễn, không minh bạch.
Thứ ba là các bộ đã đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận các kết quả kiểm tra của các cơ quan khác, xã hội hóa được hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ủy quyền cho 14 đơn vị kiểm tra chất lượng phân bón, Bộ Công Thương đã chỉ định 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi của Bộ - điều mà trước đây không có. Không chỉ riêng cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp tư nhân nếu có đủ điều kiện cũng có thể thực hiện.
Thứ tư, hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành gắn với mã HS (mã hàng hóa xuất nhập khẩu), đây là sự quyết liệt của Bộ Tài chính, bảo đảm kiểm tra thông suốt khi thực hiện kiểm tra điện tử. Nhiều trường hợp được miễn kiểm về an toàn thực phẩm.
Thứ năm, các bộ-ngành tích cực thực hiện điện tử hóa kiểm tra chuyên ngành, tham gia cơ chế một cửa, một cửa ASEAN và kết nối các cơ quan kiểm tra chuyên ngành các bộ với hệ thống một cửa.
Thứ sáu, số tờ khai, lô hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu giảm. Năm 2015 còn khoảng 30% thì năm 2017 chỉ còn 19,4%. “Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về kinh doanh ôtô thì cơ quan hải quan đã rất đổi mới, vận dụng linh hoạt để 200 xe, 400 xe cũng coi là một lô hàng, còn như trước đây nếu số xe quá hai con số là phải khai sang tờ khác," Bộ trưởng cho biết.
“Phải cải cách thực sự. Để làm được việc này, quyết tâm trong nội bộ phải rất lớn, vì liên quan đến lợi ích của một nhóm trong một bộ, một cơ quan nào đó. Nếu không có sự quyết tâm của lãnh đạo bộ không làm được. Cải cách thế này là cắt bỏ quyền lợi, động chạm nhất là lợi ích kinh tế," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Tổ công tác ghi nhận bảy bộ đã vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra. Trong đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm 402/702 dòng hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông cắt giảm 89/146 dòng hàng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cắt giảm 33/33 dòng hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22/24 dòng hàng, Bộ Giao thông Vận tải đã cắt giảm 80/134 dòng hàng và đơn giản bảy thủ tục, Bộ Xây dựng cắt giảm 33/64 dòng hàng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 38/74 dòng hàng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có những bộ tỷ lệ cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rất thấp, còn rất nhiều điều kiện, thủ tục, hàng hóa phải quản lý, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bế mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 17-10, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 28; quyết định một số vấn đề quan trọng theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các văn bản, các tờ trình để trình ra Quốc hội; đồng thời hoàn thiện các nghị quyết về nhân sự và nghị quyết về các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Phước để trình ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương rà soát, hoàn tất lại tất cả những nội dung, nhất là những văn bản gửi Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội hiện còn thiếu và chuẩn bị các điều kiện khác để bảo đảm cho ngày 22-10 tới Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 6 và làm việc trong vòng một tháng.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý cơ quan hữu quan chú trọng việc gửi tài liệu đúng, đủ, kịp thời để đảm bảo cho các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu và nghiên cứu sâu, cũng như chuẩn bị ý kiến để đóng góp tại Kỳ họp thứ 6.
Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tăng cường chống thông tin sai sự thật
Sáng 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.
Dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ từ sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, nhờ đó, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định; chất lượng của nền kinh tế tăng trưởng khá.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn; tăng cường công tác lập pháp và giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri và Nhân dân kiến nghị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; thành lập các tổ công tác theo dõi, trực tiếp kiểm tra một số bộ, ngành và địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận...
Thủ tướng ký quyết định về tổ chức “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1365/QĐ-TTg về việc tổ chức và hoạt động “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”.
Quỹ này nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài hướng về biển, đảo Việt Nam nói chung, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 nói riêng.
Quỹ này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong và ngoài nước về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa “Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, việc tổ chức Quỹ nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tham gia nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Cùng với đó tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện hỗ trợ vật chất, tài chính, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
“Quỹ vì biển, đảo Việt Nam” là nguồn kinh phí huy động tự nguyện (không bắt buộc) đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, trong đó ưu tiên tập trung cho các địa bàn trọng điểm, chiến lược, nhất là huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định 1366/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”. Theo Quyết định, Trưởng Ban chỉ đạo là lãnh đạo Bộ Quốc phòng phụ trách về biển, đảo.
Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phó Trưởng ban là Chính ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng. Mời 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Phó Trưởng ban.
Những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV
Ngày 22-10-2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Diễn ra vào cuối năm, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội có nhiệm vụ quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Chương trình nghị sự của kỳ họp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội thường tập trung xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, từ đó xem xét, tìm ra vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, “nội dung này là cần thiết trong điều kiện cuộc chiến thương mại đang diễn ra phức tạp, khó lường và chúng ta phải có đối sách phù hợp”.
Kỳ họp thứ 6 có sứ mệnh đặc biệt bởi Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp.
Một nội dung quan trọng khác được dư luận quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Sẽ là kỳ họp đi vào lịch sử, khi tại Kỳ họp này Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.
Công tác lập pháp luôn là một nội dung quan trọng của mỗi kỳ họp. Trong 24 ngày làm việc, tại Kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 9,5 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Nhiều dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, hay Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)... đã được chỉnh lý nhiều lần trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đại biểu Quốc hội, sẽ tiếp tục được trình ra để Quốc hội xem xét, quyết định. Đây đều là những dự án luật quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội luôn được dư luận xã hội quan tâm theo dõi. Việc chất vấn thực hiện theo phương thức hỏi nhanh - đáp gọn tại Kỳ họp trước tiếp tục được phát huy tại Kỳ họp này./.
“Thời gian vàng” điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV  (23/10/2018)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp mặt Văn phòng Chủ tịch nước  (23/10/2018)
Lãnh đạo các nước gửi điện mừng Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước  (23/10/2018)
Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị bổ sung tài liệu trình Quốc hội  (23/10/2018)
Phát biểu nhậm chức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  (23/10/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên