TCCSĐT - Tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái là một trong những giải pháp then chốt giúp giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm thiểu những tệ nạn xã hội liên quan đến mất bình đẳng giới.

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Từ năm 2006, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam bắt đầu có biểu hiện tăng. Năm 2009, chỉ số này là 110,6 bé trai/100 bé gái; năm 2014 là 112,2 bé trai/100 bé gái; năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, và tới năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái (1). Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân cho biết: Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay ở mức xấp xỉ 114 bé trai/100 bé gái. Có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực. Tỷ lệ giới tính khi sinh cao nhất cả nước là ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, bao gồm Hà Nội và các tỉnh có bán kính 100 km xung quanh Hà Nội, ở mức 120 bé trai/100 bé gái. Khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ cũng bắt đầu xảy ra tình trạng này. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ thấp hơn, Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 106 bé trai/100 bé gái (2).

 
 Nâng cao công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức đầy đủ về sự cần thiết cân bằng giới tính. Ảnh: Lê Thương

Có một thực tế là, tỷ số giới tính khi sinh cao ngay trong lần sinh đầu tiên (110,2/100). Tại lần sinh thứ hai, áp lực sinh con trai đã được giảm bớt và đưa tỷ số giới tính khi sinh quay trở về gần với mức cân bằng sinh học. Tuy nhiên, tại lần sinh thứ ba trở lên, áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất. Tỷ số ở lần này tăng lên rất cao 120,2 bé trai/100 bé gái; đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỷ số này lên tới 148,4/100 (3). Nguyên nhân là do nếu như trước đây, muốn có con trai chỉ có cách đẻ nhiều cho tới khi có con trai mới thôi, do vậy, tỷ số giới tính khi sinh ở lần sinh cuối cùng rất cao. Trong nhân khẩu học người ta gọi đây là “quy luật dừng” hay nói một cách khác là yếu tố giới tính đã quyết định việc dừng sinh đẻ hơn là số con đã có. Nhưng hiện nay, do mức sinh giảm nhanh cùng với việc tiếp cận dễ dàng các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh, “quy luật dừng” ở Việt Nam cũng đã có những sự thay đổi khiến tỷ số giới tính khi sinh trong lần sinh thứ 3 trở lên ở nhóm các bà mẹ chưa có con trai lên cao như vậy.

Ngoài ra, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế gia đình khá giả thường cao hơn nhiều các cặp vợ chồng nghèo. Những phụ nữ có trình độ học vấn cao biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai và chủ động điều chỉnh số con mong muốn. Những phụ nữ này thường có điều kiện kinh tế tốt hơn để có thể chi trả dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh và họ thỏa mãn được cả 2 mục tiêu: quy mô gia đình nhỏ và có con trai. Thống kê dân số và lao động của Tổng cục Thống kê cho thấy, khi trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên, tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên, từ mức 106 - 111/100 (ở bà mẹ trình độ tiểu học), đến mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái (ở bà mẹ trình độ trung học phổ thông) và lên đến 115/100 ở nhóm bà mẹ học vấn bậc đại học trở lên.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước với 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở một số quận, huyện như: Thường Tín, Ba Vì, Hà Đông, Ứng Hòa, Sơn Tây, Sóc Sơn có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 115 trẻ trai/100 trẻ gái.

Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Tại Bắc Kạn, tỷ số giới tính khi sinh hiện là 110,5 bé trai/100 bé gái. Mặc dù giảm nhẹ so với vài năm trước đây, nhưng hiện nay đang báo động tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ là con thứ 3 trở lên. Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, tỷ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ 3 trở lên hiện là 154 bé trai/100 bé gái.

Hiện Đắk Lắk có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức trung bình 110 bé trai/100 bé gái, vượt cao so với mức thông thường (khoảng 103 - 106 bé trai/100 bé gái). Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Buôn Đôn. Đơn cử như huyện Cư M’gar, tình trạng chênh lệch là rất cao với 121 bé trai/100 bé gái, đặc biệt, tại một số xã, sự chênh lệch lên mức báo động: Ea H’đing (262 bé trai/100 bé gái); Ea Kiết (190 bé trai/100 bé gái), Ea Đrơng (177 bé trai/100 bé gái), Quảng Hiệp (165 bé trai/100 bé gái), Cư Suê (163 bé trai/100 bé gái) (4).

Trước thực trạng trên, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ: Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.

Nghị quyết 21 cũng đặt mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2030 đạt dưới 109 bé trai/100 bé gái. Bởi nếu không hành động ngay, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Hay nói cách khác, 2,3 - 4,3 triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ khó lấy được vợ; trong đó, 05 tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh lớn nhất là Sơn La (120 trẻ trai/100 trẻ gái), Hưng Yên (118,6 trai/100 gái), Bắc Ninh (117,6 trai/100 gái), Thanh Hóa (117,2/100 gái) và Hải Dương (116,3/100 gái).

Những nguyên nhân gây tình trạng mất cân bằng giới tính

Trước hết do đặc điểm văn hóa với nhiều phong tục tập quán thấm đậm tư tưởng Nho giáo ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, làm cho suy nghĩ “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “con trai mới là con của mình, còn con gái là con người ta”, mong có con trai để “nối dõi tông đường”, để “đảm trách công việc thờ cúng tổ tiên, ông bà”, vẫn còn tiềm ẩn, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ, mặc dù những năm gần đây, cái nhìn về nữ giới trong xã hội đã cởi mở hơn.

Hai là, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Không phải ngẫu nhiên, việc xuất hiện mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra khi mức sinh thấp. Trong khi tại các nước châu Âu, các nước phát triển, tỷ lệ sinh đẻ ít nhưng không có tình trạng này.

 
Giữ trọn tiếng cười trẻ thơ vì tương lai của đất nước. Ảnh: Lê Thương

Ba là, để mong có được con trai nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động về chế độ ăn uống, chọn phương pháp thụ tinh, sau khi đã có thai thì sử dụng siêu âm, bắt mạch,… để lựa chọn giới tính thai nhi. Như vậy, cũng có thể nói, việc lạm dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bốn là, tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Tại một số tỉnh miền núi và miền biển, vẫn còn nhiều gia đình mong sinh con trai để đảm đương những công việc nặng nhọc của gia đình mà con gái không làm được như đi biển, chài lưới, khuân vác.

Năm là, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhất là ở các khu vực nông thôn, nơi có tới 70% số dân đang sinh sống. Người già hầu hết không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái, mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Người già vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.

Sáu là, chính sách đối với nữ giới chưa thỏa đáng, bình đẳng giới chưa được quan tâm đầy đủ. Hơn nữa, tình trạng mất cân bằng giới tính là do quan niệm của phái mạnh.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại nhiều hệ lụy: Tác động đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn đến hậu quả là thừa nam, thiếu nữ trong xã hội, tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Mất cân bằng giới tính dẫn tới nguy cơ gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Một số ngành, nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá… Khó khăn trong kết hôn, nguy cơ lan rộng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình trạng di cư ngày một phổ biến, việc gia tăng tỷ lệ giới tính không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm bất bình đẳng giới và tình trạng bạo hành đối với phụ nữ, bé gái, gia tăng tội phạm xã hội, nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ... Đó là những hệ lụy về an sinh xã hội do tỷ số mất cân bằng giới tính cao mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt.

Những giải pháp tháo gỡ

Thực tế thời gian vừa qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi phần lớn mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện là thay đổi tư duy người dân. Đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường là một việc khó và không thể đạt được trong ngày một, ngày hai.

Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu của Đảng và Nhà nước chỉ đạo cụ thể trong Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện khác, đồng thời đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn, cần có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.

 
 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ảnh: Ngọc Diệp

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của mất cân bằng giới tinh khi sinh. Tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số không chỉ cho người dân mà còn cả cho đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ.

Việt Nam đang trong quá trình biến đổi xã hội mạnh mẽ và những chiến lược xây dựng gia đình của người dân cũng thay đổi. Do đó, những minh chứng có được từ các nghiên cứu được cập nhật có vai trò rất cần thiết cho việc ban hành những văn bản luật pháp và chính sách liên quan tới tỷ số giới tính khi sinh, việc nâng cao tuân thủ pháp luật và chính sách hiện hành, việc bảo đảm tiến hành hợp lý những hoạt động can thiệp. Việt Nam cần thực hiện thêm những nghiên cứu sâu rộng hơn về mô hình lưỡng hệ; sự khác nhau trong mất cân bằng tỷ số giới tính ở những vùng, miền khác nhau, tình trạng y tế hóa và thương mại hóa việc sinh con và kết quả của những hoạt động can thiệp.

Thứ hai, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Phê phán mạnh mẽ những hủ tục, những nhận thức, những thái độ và hành vi biểu hiện trọng nam, coi thường nữ giới. Cần thay đổi quan niệm xã hội để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền lợi như nam giới. Đẩy mạnh việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm xác định giới tính trước khi sinh tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Thứ ba, có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con gái. Nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Nên ưu tiên cho những gia đình sinh con gái như: hỗ trợ bằng tiền mặt và những ưu đãi khác cho các bé gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ và bé gái được tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để có thể không chỉ thụ hưởng một cuộc sống khỏe mạnh mà còn có cơ hội phát triển, đóng góp cho gia đình và xã hội.

Thứ năm, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để người cao tuổi nói chung và người cao tuổi có con một bề là con gái nói riêng yên tâm khi tuổi già, như: chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.

Thứ sáu, giáo dục thái độ của mọi người dân, con trai cũng như con gái đều có trách nhiệm với cha mẹ một cách bình đẳng. Giải pháp của vấn đề không chỉ là tập trung giải quyết hiện tượng như siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính, mà cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội khi mà nam giới được coi trọng hơn nữ giới.

Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức nguy cơ của mất cân bằng giới tính khi sinh để mọi người dân tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật...

Hy vọng với những hoạt động cụ trên sẽ góp phần hiệu quả vào việc giảm thiểu thực trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam và là hồi chuông cảnh báo đối với các gia đình có nhận thức chưa đúng về giới tính khi sinh./.

---------------------

(1) Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, http://giadinh.net.vn, ngày 30-11-2017

(2) Hệ lụy về ASXH của Việt Nam khi mất cân bằng giới tính khi sinh, http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn, ngày 30-5-2018

(3) Mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh năm 2030 dưới 109 bé trai/100 bé gái là “hoàn toàn khả thi”, http://giadinh.net.vn, ngày 04-12-2017

(4) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, http://www.baodaklak.vn, ngày 06-10-2017