Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bình Phước cần tập trung phát triển kinh tế tư nhân
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Bình Phước - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Đông Nam Bộ - Chi bộ Phú Riềng Đỏ.
Truyền thống cách mạng hào hùng đã tạo nền tảng và động lực cho Bình Phước vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Dù xuất phát điểm thấp, vốn là một tỉnh nghèo với bộn bề khó khăn sau ngày tái lập năm 1997 nhưng Bình Phước đã không ngừng tiến bước mạnh mẽ, trở thành một trong 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Phước trở thành trung tâm của nhiều cây trồng giá trị kinh tế cao như điều, cao su, hồ tiêu... Kinh tế của tỉnh tiếp tục đà đi lên với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,64% (kế hoạch cả năm là 6,8-7%); trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 9,15%; khu vực dịch vụ tăng 5,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2017.
Bảy tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước thực hiện 4.902,3 tỷ đồng, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 94% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 70% so với dự toán điều chỉnh Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Bình Phước cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là chủ trương của tỉnh ứng trước ximăng hỗ trợ cho các huyện, thị xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả, huy động được sức dân cùng tham gia.
Đến nay, số xã nông thôn mới toàn tỉnh có 27/92 xã đạt tỷ lệ 29,3%, ước thực hiện đến cuối năm 2018 có 36/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 39,2%; có 3 thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long đang đề nghị hoàn thành nông thôn mới vào cuối năm 2018.
Dù đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, song cũng thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của Bình Phước chưa xứng với tiềm năng và nội lực của mình. Nhiều bài toán khó về kinh tế-xã hội đang đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Bình Phước vẫn chưa cân đối được ngân sách, còn cần sự hỗ trợ lớn từ Trung ương.
Hệ thống y tế, giáo dục, đào tạo nghề... còn ở mức thấp so với mặt bằng chung trong khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng kinh tế dù đã được cải thiện rất nhiều song vẫn thua kém các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, thu hút đầu tư chưa bứt phá mạnh mẽ. Tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm sâu và chậm hồi phục; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; hạ tầng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình dịch bệnh sốt rét và sốt xuất huyết tuy chưa phát triển lây lan thành ổ dịch, nhưng có chiều hướng gia tăng; khiếu kiện vượt cấp, đông người về lĩnh vực đất đai tuy có giảm đáng kể nhưng còn diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần dám nghĩ, dám làm, “ý chí tiến công quyết liệt” của lãnh đạo Bình Phước trong nỗ lực đưa địa phương vươn lên thoát nghèo, phát triển toàn diện. Đặc biệt, tỉnh ngày càng quan tâm đến tìm kiếm thị trường - yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt cho mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cho rằng lối ra của Bình Phước là đúng hướng và có như vậy mới có thể thu hút những “đàn sếu lớn” - những nhà đầu tư tiềm năng đến với Bình Phước.
Đánh giá cao thành tích toàn diện, nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước, phân tích sâu thêm về những tồn tại cần khắc phục của địa phương, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần ra sức khắc phục trong thời gian tới.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh còn rất thấp. Năm 2017 PCI của Bình Phước đứng 62/63 tỉnh, thành phố. Cho rằng, hạn chế này làm giảm môi trường cạnh tranh, sức thu hút của địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bình Phước cần hết sức nỗ lực cải thiện chỉ số này để cải thiện môi trường kinh doanh.
Cũng theo Thủ tướng, Bình Phước còn một tồn tại lớn, cần khắc phục là tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trong đó, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cũng chưa thực sự được chú trọng, làm giảm thế mạnh truyền thống.
Nhận xét Bình Phước cũng còn nhiều tồn tại trong những vấn đề xã hội, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung trấn áp, ngăn chặn các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bình Phước phải thường xuyên chú ý đến nhiệm vụ xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thương mại, hợp tác kinh tế; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm khu vực biên giới.
Thủ tướng cũng đề nghị Bình Phước chú trọng hơn nữa đến việc đảm bảo môi trường sống của người dân, nhất là trong các hoạt động chăn nuôi, xử lý nước thải.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương trên cơ sở xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần tích cực phối hợp, tháo gỡ khó khăn, tồn tại, hỗ trợ Bình Phước trong phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cũng mong muốn Bình Phước tập trung hơn nữa trong phát triển kinh tế tư nhân, phát triển mạnh các loại hình hợp tác xã, thu hút nhiều hơn nữa hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tín dụng đen.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bình Phước cần đặc biệt coi trọng nhiệm vụ gìn giữ, phát triển, tái tạo rừng để phục vụ các mục tiêu lâu dài và bảo vệ môi trường của địa phương.
Nhân dịp công tác tại Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn.
Bình Phước cấp phép đầu tư 19 dự án với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD
Trước đó, sáng 20-8, tại thị xã Đồng Xoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tình Bình Phước. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn đầu tiên được tổ chức sau khi kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm khẳng định, tỉnh sẽ luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên quê hương Bình Phước.
Với những tiềm năng, thế mạnh, để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Bình Phước ưu tiên thu hút các dự án vào các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có; tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương; đồng thời khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, thể dục thể thao. Tỉnh hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu và kiên quyết từ chối các dự án tác động xấu đến môi trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng đã đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm Bình Phước đúng vào dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8-1945 – mảnh đất từ rất sớm đã khởi phát phong trào công nhân Việt Nam và hình thành một trong những Chi bộ đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng, đưa địa danh Phú Riềng Đỏ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc.
Chúc mừng Bình Phước tại hội nghị này đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn lên tới trên 1 tỷ USD, Thủ tướng cho rằng, dù phát triển sau tách tỉnh, không có nghĩa là “Bình Phước sẽ mãi là người đến sau”.
Phân tích lợi thế về địa lý kinh tế, nhất là sự thuận lợi giao thông của Bình Phước, Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố nằm cạnh Bình Dương - một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước và tỉnh Đồng Nai với dân số lớn thứ hai khu vực Nam bộ, Bình Phước đang dần khẳng định mình là một cực công nghiệp của cả nước.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông từ Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt xuống cảng, tạo cú hích cho Bình Phước trong tương lai.
Thủ tướng cho biết, Bình Phước còn là vùng đất hầu như không có thiên tai bão lũ, khí hậu hiền hòa, nguồn nước tốt, đất bazan quý giá chiếm tới trên 40%; có diện tích rừng và hệ sinh thái trải rộng phong phú... Đặc biệt, trên phương diện hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Phước có lợi thế nằm trong hành lang kinh tế mới giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các nước Thái Lan, Campuchia và Lào. Đặc biệt, cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có thể kết nối và phát triển các tuyến du lịch quốc tế giữa Bình Phước (Việt Nam) với các địa phương của Campuchia, Lào, Thái Lan.
Với hơn 240 km đường biên giới với Campuchia, Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần ý thức vai trò, vị trí tiền tiêu trên con đường xuyên Á của mình đối với ảnh hưởng địa chính trị, địa chiến lược kinh tế của Việt Nam-Campuchia, Thái Lan và Lào nói riêng, ASEAN lục địa nói chung.
Thủ tướng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền Bình Phước phải luôn sâu sát với thực tế, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, phát huy tinh thần “ta bên bạn và bạn bên mình”, cùng đoàn kết, thấu hiểu và hiệp đồng giữa chính quyền, nhà đầu tư và các cộng đồng dân tộc anh em trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý một số định hướng, giải pháp cho Đảng bộ, chính quyền và nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, về quy mô doanh nghiệp, nếu như năm 1997, chỉ có 181 doanh nghiệp với 35 tỷ đồng vốn, nay Bình Phước đã có 6.400 doanh nghiệp, gấp 35 lần với số vốn 54.000 tỷ đồng, tăng 1.530 lần. Trong số đó, doanh nghiệp FDI trước đây chỉ có 1 dự án với số vốn 20 triệu USD thì nay có 180 dự án với số vốn gần 1,9 tỷ USD.
“Đây là những con số rất có ý nghĩa với nhà đầu tư trong việc lan tỏa xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển ở tỉnh Bình Phước”, Thủ tướng nói và đề nghị tỉnh phát triển nông nghiệp thông minh mang bản sắc của vùng đất đỏ bazan, khai thác tiềm năng thủy sản, một lợi thế lớn của Bình Phước. Song song với đó là xây dựng một nền công nghiệp chế biến công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, các loại cây công nghiệp và chế biến lâm sản trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành ở địa phương phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và đến năm 2020, Bình Phước phải phấn đấu tăng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có lên 10.000 và tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người.
Thủ tướng khuyến khích các ý tưởng của tỉnh Bình Phước như thành lập tổ thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; lãnh đạo tỉnh hàng tháng gặp gỡ, tiếp xúc, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng cần đề cao tinh thần đối thoại, phản biện với doanh nghiệp và thúc đẩy những đột phá mới về chủ trương, chính sách, mô hình phát triển…
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Bình Phước và Bình Dương cần tiếp tục cộng hưởng, bổ sung cho nhau, liên kết chuỗi giá trị toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 240 km biên giới với Campuchia, tỉnh có vai trò địa chính trị và vùng đệm chiến lược về kinh tế, quốc phòng quan trọng trong tam giác phát triển Đông Dương.
Thủ tướng tin tưởng, với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, của toàn dân, trong đó có đồng bào các dân tộc anh em ở Bình Phước, sự quan tâm của tỉnh Bình Dương, sẽ cùng nhau tạo nên những chiến thắng Phước Long mới trên các mặt trận kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững./.
Quốc hội Việt Nam có quan hệ với 140 nghị viện các nước  (20/08/2018)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc sáp nhập, sắp xếp cần có thời kỳ quá độ  (20/08/2018)
Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số  (20/08/2018)
Nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (20/08/2018)
Ứng phó với sự cố y khoa trong lĩnh vực sản - nhi  (20/08/2018)
Chương trình hành động của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương  (20/08/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên