TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 494/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ba Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tư pháp; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-5-2017 về việc phê duyệt Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa".

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc hoạt động triển khai thực hiện Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa" trên phạm vi toàn quốc, các ngành, các lĩnh vực, theo khu vực và vùng miền. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề ra chủ trương, giải pháp huy động các nguồn lực, tập hợp lực lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa; chỉ đạo việc tổ chức các cuộc thi, các đợt phát động, các hoạt động vinh danh cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh các hoạt động này thành phong trào toàn dân.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vài trò của Hệ tri thức Việt số hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển các ngành, lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên do Trưởng Ban chỉ đạo phân công.

Xây dựng quy định cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử. Về đề nghị của Văn phòng Chính phủ đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính trong cấp, quản lý, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Thủ tướng Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thẻ bảo hiểm y tế phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Theo bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2018, ngành bảo hiểm xã hội sẽ triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người dân để quản lý thông tin về khám, chữa bệnh. Theo đó, người dân đến khám ở các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội, chỉ cần dùng đầu đọc thẻ chip là sẽ hiển thị toàn bộ thông tin thẻ.

Với thẻ điện tử, khi đi khám bệnh, trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường. Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không. Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên Cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm. Việc này sẽ góp phần giúp người dân giám sát, tránh gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế.

Chính sách thuế chuyển lợi về nước và thương mại bảo hộ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình thực hiện chính sách thuế chuyển lợi về nước và chính sách thương mại bảo hộ của Hoa Kỳ để đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Văn bản số 4189/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, sau khi xem xét đề nghị của Bộ Tài chính về việc triển khai khuyến nghị của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thực hiện chính sách thuế chuyển lợi về nước và chính sách thương mại bảo hộ của Hoa Kỳ để đánh giá các tác động, ảnh hưởng của chính sách này đến kinh tế, đầu tư, thương mại của nước ta và đề xuất giải pháp xử lý cho phù hợp, kịp thời.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 2 tỉnh

Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết số 33/NQ-CP, 34/NQ-CP điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) 2 tỉnh: Long An, Thái Bình.

Cụ thể, theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Long An có 322.891 ha đất nông nghiệp, chiếm 71,83% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 126.603 ha, chiếm 28,17%. Theo quy hoạch, đất khu kinh tế 13.080 ha, chiếm 2,91%; đất đô thị 26.106 ha, chiếm 5,81%.

Trong đó, với đất nông nghiệp, nhiều nhất là đất trồng lúa, chiếm tới 54,96% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 247.061 ha. Ngoài ra, 24.166 ha đất trồng cây lâu năm; 19.846 ha đất rừng sản xuất; 13.547 ha đất nuôi trồng thủy sản.

Từ 2016 - 2020, 37.811 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 18.533 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 571 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Với tỉnh Thái Bình, đến năm 2020 tỉnh Thái Bình có 97.572 ha đất nông nghiệp, chiếm 61,51% diện tích đất toàn tỉnh, trong đó, đất trồng lúa chiếm tới 76,11% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 74.261 ha. Ngoài ra, 11.808 ha đất nuôi trồng thủy sản; 5.899 ha đất trồng cây lâu năm.

Diện tích đất phi nông nghiệp là 60.826 ha chiếm 38,34% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Từ 2016-2020, 11.344 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân 2 tỉnh: Long An, Thái Bình xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích./.