“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” - Lời căn dặn cuối cùng của đồng chí Trần Phú luôn nhắc nhở chúng ta

Vũ Oanh Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
21:50, ngày 09-05-2018

TCCSĐT - Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là tấm gương sáng ngời để chúng ta học tập và noi theo.



Sớm chịu ảnh hưởng của truyền thống quê hương, năm 18 tuổi, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú đi làm thầy giáo ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Lòng yêu nước thương nòi đã giúp đồng chí Trần Phú sớm nhận ra mục đích làm thầy giáo của mình là không phải để tạo ra lớp người làm "thông, phán", làm tay sai cho địch, mà nhân cơ hội này để tạo ra lớp người có ích cho dân, cho nước. Và chính những ngày đi làm thầy giáo đã giúp cho đồng chí Trần Phú có dịp để gần gũi hiểu rõ nỗi cực khổ của nhân dân lao động, hiểu rõ sự áp bức bóc lột của giới chủ với công nhân, từ đó, dẫn đến những cuộc đấu tranh của công nhân với giới chủ. Sống trong những ngày sôi động đó, chịu ảnh hưởng tinh thần đấu tranh của công nhân, đồng chí Trần Phú đã xin thôi nghề dạy học, đi hoạt động cách mạng.

Thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú không dài. Kể từ khi bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin qua sự truyền bá của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến lúc trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán do bị tra tấn dã man trong Khám Lớn Sài Gòn chỉ khoảng 5 năm, nhưng đồng chí Trần Phú, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến bước đầu quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

Để tạo điều kiện cho đồng chí Trần Phú nắm vững lý luận cách mạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử đồng chí Trần Phú sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Vốn là một thầy giáo, lại có tinh thần ham học, ham hiểu biết nên tuy vào học sau bạn bè cùng lớp ở Đại học Phương Đông gần một năm nhưng đồng chí Trần Phú đã khắc phục khó khăn và bệnh tật để theo học bằng cách tích cực tự học và nhờ thầy, nhờ bạn giúp đỡ. Thông qua việc học tập và nghiên cứu, đồng chí đã nắm bắt được những cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối của Quốc tế Cộng sản. Những điều học được tại Trường Đại học Phương Đông đã giúp đồng chí Trần Phú rất nhiều khi trở về nước tiến hành các hoạt động cách mạng.

Trong hoạt động thực tiễn, đồng chí Trần Phú rất chú trọng đến vấn đề tập hợp lực lượng quần chúng để thực hiện thắng lợi đường lối đúng đắn của Đảng. Để giúp quần chúng hiểu được đường lối, chính sách của Đảng, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, đồng chí Trần Phú đã rất quan tâm đến việc học văn hoá. Đồng chí đã đề nghị với các cơ sở của Đảng phải tìm mọi cách tổ chức cho anh chị em công nhân học văn hoá. Nhờ đó, nhiều anh chị em đã biết đọc sách, báo bí mật của Đảng và giác ngộ cách mạng.

Đồng chí Trần Phú có tác phong sâu sát, gần gũi quần chúng và phương pháp tổ chức thực hiện cụ thể. Do đó, sau khi từ nước ngoài trở về, đồng chí đã có những chuyến đi dài ngày xuống địa phương, nhà máy, hầm mỏ... để nghiên cứu thực tế và nắm tình hình. Mặc dù bị địch khủng bố rất gay gắt, đồng chí vẫn tìm mọi cách để tổ chức đoàn thể, như Công hội, Nông hội... để vừa nắm thực tiễn vừa giúp đỡ cơ sở hiểu rõ đường lối của Đảng và uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong công tác. Chính nhờ đó, bản Luận cương chính trị do đồng chí dự thảo đã phản ánh được tình hình thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trần Phú luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, thể hiện rõ nhất là lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng, của giai cấp công nhân, sự nghiệp giải phóng dân tộc; là tình thương yêu nhân dân lao động một cách sâu sắc, sự quan tâm chu đáo đến đồng chí, bạn bè. Trong mọi hoạt động, bao giờ đồng chí Trần Phú cũng gắn bó keo sơn với quần chúng, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Đồng chí nhận thức sâu sắc rằng: sự thắng lợi của cách mạng được quyết định bởi tinh thần chiến đấu hy sinh và tinh thần sáng tạo của hàng triệu nhân dân. Vì vậy, bất kỳ làm một việc gì cũng phải có nhân dân. Không có nhân dân ủng hộ thì không thể làm bất kỳ việc gì thành công. Đồng chí Trần Phú đã quán triệt sâu sắc tinh thần đó trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Do đó, đứng trước những khó khăn gian khổ, những mất mát hy sinh và ngay cả khi đối mặt với quân thù tàn bạo, bị tra tấn dã man, đồng chí Trần Phú vẫn tỏ rõ là một chiến sĩ kiên cường, bất khuất, tỉnh táo và lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Với phẩm chất đạo đức trong sáng ấy, bất kỳ ở đâu đồng chí Trần Phú cũng được đồng chí, đồng bào mến phục, tin yêu.

Các thế hệ những người cộng sản Việt Nam không bao giờ quên lời căn dặn cuối cùng của đồng chí Trần Phú: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".

Lời căn dặn ấy nhắc nhở chúng ta dù trong bất kỳ điều kiện nào, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, kiên cường, nhẫn nại, khắc phục mọi khó khăn chủ quan, khách quan mà phấn đấu để cống hiến thật nhiều cho Đảng, cho dân, cho nước./.