TCCSĐT - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ đã diễn ra trong ba ngày từ 22 đến 24-4, tại thành phố Toronto (Canada). Hội nghị đã công bố Cam kết Toronto và khẳng định cùng phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.

“Xây dựng một thế giới an ninh và hòa bình hơn”

 
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm G7 tại Toronto (Canada). Ảnh: strategic-culture.org

Hội nghị tái khẳng định tin tưởng vào các nền kinh tế mở, xã hội mở và chính phủ mở. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ phối hợp xây dựng đề xuất trình lên các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp thượng đỉnh tại Charlevoix vào tháng 6 tới. Những đề xuất đó bao gồm phối hợp thúc đẩy dân chủ và ngăn chặn can thiệp của nước ngoài; duy trì trật tự quốc tế dựa theo luật định; ngăn chặn xung đột và hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Liên hợp quốc; thúc đẩy giải trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân; đối phó với các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia, chống bạo lực cực đoan, ngăn chặn sự di chuyển của các phần tử khủng bố và việc sử dụng internet cho mục đích khủng bố; giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh mạng; chống buôn người; thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị G7 lần này nêu bật chủ đề “Xây dựng một thế giới an ninh và hòa bình hơn”, bởi hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến bất ngờ và phức tạp, ảnh hưởng đến nền an ninh và hòa bình toàn cầu. Đó là quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc xung đột Syria cũng như vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga S. Skripal tại Anh hay những bước tiến tích cực trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... Trong khi đó, các nhà ngoại giao từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng muốn thăm dò và nắm bắt quan điểm từ chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump về kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 hay cách thức ông sẽ xử trí như thế nào trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Có thể khẳng định hồ sơ Triều Tiên và vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những chủ đề lớn nhất tại Hội nghị G7 lần này, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa quyết định ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền Bắc nước này. Ngoài ra, căng thẳng ở mức chưa từng có từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây cũng trở thành tâm điểm của Hội nghị. Mặc dù các quan chức G7 đã nhất trí tiếp tục gây sức ép đối với Nga về vấn đề Syria, song các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga đã không nằm trong chương trình nghị sự. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng trong quan hệ vốn không “xuôi chèo, mát mái” giữa Nga và phương Tây sau khi Mỹ tuyên bố sẽ không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Bản thân các nước G7 cũng hiểu rằng, vai trò của Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Syria cũng như sự cần thiết phải duy trì đối thoại với Moscow bất chấp những căng thẳng gần đây.

Một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa Mỹ và các nước còn lại của G7 là thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tổng thống D. Trump đe dọa sẽ “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, nếu các nước trụ cột châu Âu không đồng ý bổ sung các điều khoản tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn với chương trình tên lửa của Iran cũng như khả năng làm giàu nhiên liệu hạt nhân của nước này trong tương lai. Ngược lại, các đồng minh phương Tây của Mỹ tin rằng, việc duy trì thỏa thuận hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn chặn Tehran tìm cách chế tạo bom nguyên tử. Tuy nhiên, với việc các Bộ trưởng G7 chưa đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề hạt nhân Iran tại Hội nghị lần này cho thấy cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn diễn biến phức tạp.

Dẫu còn quan điểm khác nhau và khó có thể dung hòa trong “một sớm một chiều”, song Hội nghị lần này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng để các cường quốc nhóm G7 giải quyết những vấn đề nóng trên thế giới.

Hy vọng về một nền hòa bình cho Afghanistan trở nên xa vời

 
 Nạn nhân trong vụ đánh bom liều chết do phiến quân Taliban tiến hành tại Kabul ngày 23-4. Ảnh: THX/TTXVN

Bất chấp nỗ lực của chính quyền Afghanistan, phiến quân Taliban vừa tuyên bố thực hiện chiến dịch tấn công mùa Xuân hằng năm. Động thái này khiến hy vọng về một nền hòa bình và ổn định tại Afghanistan ngày càng trở nên xa vời.

Ngày 25-4, lực lượng Taliban đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công thường niên vào mùa Xuân hằng năm tại Afghanistan, đồng nghĩa với việc bác bỏ đề xuất đối thoại hòa bình của Tổng thống A. Ghani. Người phát ngôn của Taliban Z. Mujahid cho biết, chiến dịch mang tên “thánh chiến al-Khandaq” bắt đầu vào sáng 25-4. Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc đụng độ ác liệt đã diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương từ đầu năm nay.

Taliban đã phát đi “lời tuyên chiến” trên bất chấp đề xuất đối thoại hòa bình “vô điều kiện” mà Tổng thống A. Ghani đưa ra hồi tháng 2 vừa qua. Trong tuyên bố, Taliban cho rằng đề xuất trên là một “âm mưu nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi sự chiếm đóng trái phép của các lực lượng nước ngoài”. Tuy nhiên, Taliban bảo đảm rằng sẽ chỉ tấn công các lực lượng của Mỹ tại Afghanistan, đồng thời cáo buộc “quân đội Mỹ không có ý định nghiêm túc hay chân thành nhằm kết thúc chiến tranh”. Taliban cho rằng việc hàng nghìn binh sĩ Mỹ được điều động thêm đến Afghanistan để giúp huấn luyện quân đội nước này, và các chỉ huy được trao nhiều quyền hơn trong việc ra lệnh tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân đã đi ngược lại với chính sách trước đó của Washington là từng bước rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Taliban cũng hối thúc người dân tránh xa những sự kiện tụ tập liên quan đến chính quyền, các đoàn xe và trung tâm quân sự - những mục tiêu mà Taliban sẽ tấn công. Tuyên bố trên của Taliban làm dấy lên nguy cơ ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử quốc hội và cấp tỉnh sẽ diễn ra trong tháng 10. Hiện việc cử tri đăng ký đi bầu đang được tiến hành tại các vùng sâu, vùng xa.

Trước việc Taliban phát động chiến dịch tấn công thường niên tại Afghanistan, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo về một làn sóng tấn công bạo lực mới do Taliban tiến hành trong thời gian tới nhằm vào người dân Afghanistan cũng như chính quyền nước này được quốc tế công nhận.

Ngày 26-4, chỉ một ngày sau khi lực lượng Taliban tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công thường niên vào mùa Xuân hằng năm tại Afghanistan, ông Q. Shekib, phó Tỉnh trưởng tỉnh Logar, gần thủ đô Kabul cùng 2 vệ sĩ và một người khác đã thiệt mạng trong một vụ tấn công của các tay súng Taliban. Việc phiến quân Taliban tuyên bố bắt đầu triển khai chiến dịch tấn công mùa Xuân hằng năm tại Afghanistan làm dấy lên quan ngại về tình trạng bất ổn an ninh đang ngày càng gia tăng và cuộc xung đột chưa có hồi kết tại quốc gia Tây Nam Á này.

“Cứu vãn” JCPOA

 
 Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu và Mỹ đang thương lượng để tìm cách điều chỉnh nội dung thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) nhằm loại bỏ khả năng Tổng thống Mỹ D. Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hiện tại, Tổng thống Pháp E. Macron đã đưa ra đề xuất về một thỏa thuận bổ sung mới với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.

Còn chưa rõ thỏa thuận này có được chấp thuận rộng rãi và có triển vọng áp dụng hay không, nhưng động thái mới của ông chủ Điện Élysée đã phần nào làm không khí xoay quanh thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran trở nên sôi động hơn với những phản ứng tức thì từ các bên liên quan.

Cách tiếp cận mới của Tổng thống E. Macron đối với JCPOA, đồng thời giữ nguyên thỏa thuận gốc trong khi đàm phán về những thỏa thuận bổ sung, được xem là nỗ lực xoa dịu sự phản đối gay gắt của người đồng cấp Mỹ và dung hòa với quan điểm của Paris rằng không thể xóa bỏ thỏa thuận lịch sử năm 2015. Đây cũng là đề xuất từng được chia sẻ với các quốc gia châu Âu khác tham gia thỏa thuận là Anh và Đức. Ông E. Macron đã miêu tả về 4 trụ cột chính cần theo đuổi xuyên suốt, gồm chương trình hạt nhân Iran hiện đang nằm trong nội dung chính của thỏa thuận gốc (hạn chế mọi hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2025) và 3 trụ cột khác sẽ nêu trong nội dung của thỏa thuận bổ sung. Ba trụ cột này khá “tương thích” với những quan ngại của Tổng thống Mỹ gồm hoạt động hạt nhân Iran sau năm 2025 khi các điều khoản “cuối giai đoạn” bắt đầu có hiệu lực, các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo của Iran và những biện pháp chính trị giúp kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran tại các quốc gia trong khu vực gồm Yemen, Syria, Iraq và Liban.

Báo giới quốc tế nhận định “nước cờ” này của Tổng thống E. Macron là cách để “kéo dài thời gian” tìm cách cứu vãn thỏa thuận gốc mà bản thân ông chủ Điện Élysée thừa nhận “không có phương án nào tốt hơn”. Tuy nhiên, bước đi của ông E. Macron quá nhiều rủi ro và khó có thể khả thi.

Câu trả lời cũng không cần phải đợi lâu bởi Iran ngay lập tức đã phản đối. Chưa đầy 24 giờ sau đó, Tổng thống Iran H. Rouhani đã đưa ra một chính sách rõ ràng và đầy thách thức với ý tưởng thay đổi nội dung JCPOA. Ông khẳng định “hoặc là kết thúc hoặc là không. JCPOA nếu tồn tại thì sẽ tồn tại với nguyên vẹn nội dung”. Không chỉ Iran mà ngay cả ở châu Âu, nơi các quốc gia vẫn liên tục kêu gọi Washington duy trì thiện chí xây dựng thỏa thuận thay vì phá bỏ, những tiếng nói bảo vệ thỏa thuận nguyên bản cũng liên tục được đưa ra từ EU, Đức, Nga.

Ngay cả Tổng thống E. Macron cũng không thể “tự tin” sau đề xuất mới khi cho rằng Tổng thống D. Trump có thể vẫn rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vì những lý do chính trị trong nước. Như vậy, kết quả của sứ mệnh “cứu hộ” thỏa thuận hạt nhân Iran phải chờ ít nhất tới ngày 12-5 mới rõ ràng.

Thượng đỉnh liên Triều 2018: Mở đường cho sự ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên

 
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) bắt tay hữu nghị Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) tại làng đình chiến Panmunjom. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Sau hai phiên họp sáng và chiều 27-4-2018, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều lần thứ 3 đã kết thúc với việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký “Tuyên bố chung Panmunjom, vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”, trong đó khẳng định các cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền...

Cuộc gặp lịch sử sau hơn 1 thập niên giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên này là sự kiện được thế giới quan tâm hàng đầu. Dư luận Hàn Quốc và quốc tế đặc biệt hoan nghênh việc tổ chức cuộc gặp và các kết quả tích cực đã đạt được.

Nhà Trắng bày tỏ hy vọng cuộc gặp liên Triều sẽ mang đến tiến bộ về hòa bình và thịnh vượng cho toàn bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản S. Abe cũng hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cam kết của hai nhà lãnh đạo nhằm đạt được một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Trung Quốc đã hoan nghênh lãnh đạo hai miền Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử, đồng thời gọi cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo tại đường ranh giới quân sự chia rẽ hai miền là “giây phút lịch sử”. Nga đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là “tin tức rất tích cực”, đồng thời cho rằng cuộc đối thoại trực tiếp về bán đảo bị chia cắt này là rất “khả quan”.

Các bộ trưởng của 10 quốc gia Đông Nam Á tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Singapore ngày 27-4, đã hoan nghênh những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên, trông đợi kết quả quan trọng từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như triển vọng cuộc gặp thượng định giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới, hướng đến một giải pháp hòa bình, bền vững cho việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Yoon Young-chan, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho biết lãnh đạo hai miền đã tiến hành “một cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn” nhằm tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, cũng như phát triển các quan hệ liên Triều”. Các đảng phái chính trị tại Hàn Quốc cũng đã hoan nghênh cuộc gặp, đồng thời hy vọng hai bên sẽ có các bước đi cụ thể tiếp theo hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa. Đảng Dân chủ cầm quyền (DP) hy vọng hội nghị sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Đảng vì dân chủ và hòa bình cũng hoan nghênh hội nghị và cam kết sẽ ủng hộ bất kỳ tiến trình lập pháp nào cần thiết cho những kế hoạch của chính phủ sau hội nghị. Đảng Công lý cũng cho rằng đây là ngày đầu tiên của kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận phi hạt nhân hóa sẽ chứng minh sự thành công của hội nghị. Đảng đối lập chính Hàn quốc Tự do (LKP) cũng gọi cuộc gặp này là bước ngoặt mới đồng thời kêu gọi một tiến trình cụ thể nhằm dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang rất kỳ vọng vào những hợp tác kinh tế sau sự kiện lịch sử này. Giới doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết ngay khi cuộc gặp thượng đỉnh có kết quả tích cực, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ khởi động các cuộc thảo luận thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều, nhằm nâng lĩnh vực hợp tác này lên một tầm cao mới. Điều này không phải không có cơ sở khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên, với việc khởi động các dự án vĩ mô mở cửa cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc./.