Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư tại tỉnh Nghệ An
Ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư lần thứ 10 tại tỉnh Nghệ An. Đây là hội nghị được tỉnh Nghệ An tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay, thu hút được sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp mạnh trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, mở ra nhiều triển vọng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp với tỉnh Nghệ An và trở thành Ngày hội đầu tư truyền thống của tỉnh.
Cùng dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng với thành công của Hội nghị và chứng kiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thể hiện quyết tâm đầu tư sản xuất kinh doanh tại Nghệ An. Thủ tướng cũng ghi nhận tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An vì sự phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng, trong đó đã tập trung nghiên cứu, thực hiện quá trình thu hút đầu tư, lan tỏa từ lời nói đến hành động với quyết tâm rất cao. Thủ tướng lưu ý, đây là kinh nghiệm tốt cho nhiều địa phương trong cả nước trong xúc tiến đầu tư.
Thủ tướng cho rằng, khi tiếng nói, quyết tâm của chính quyền, nhà đầu tư đã hòa làm một sẽ tạo ra sức mạnh lớn để Nghệ An không chỉ là nơi “đất lành chim đậu” mà còn thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, kết hợp tốt giữa nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nghệ An là nơi địa linh nhân kiệt, có nhiều điều kiện thuận lợi về lịch sử, văn hóa, du lịch, tiềm năng, lợi thế khác biệt; là địa phương tiếp giáp, điểm trung chuyển giữa các vùng kinh tế phía Bắc và phía Nam. Bên cạnh đó, Nghệ An có quy mô dân số gần 4 triệu, cùng với những người con Nghệ An dù xa xứ luôn hướng về quê hương, quan tâm xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Đây là những điều kiện rất tốt để Nghệ An phát triển.
Thủ tướng nêu rõ: Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An đã có nhiều quyết tâm, hành động, mang lại nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội. Xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Nghệ An đứng thứ 25, tăng 7 bậc so với năm 2015; một số chỉ tiêu đạt thứ hạng cao như chỉ số gia nhập thị trường, đào tạo lao động... Bên cạnh đó vẫn còn một số chỉ tiêu có thứ hạng còn thấp như chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai... Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, những con số này cho thấy tỉnh cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa trong thời gian tới để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục xây dựng chính quyền hành động, năng động hơn nữa, một chính quyền đối thoại, chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt cam kết với nhà đầu tư là “doanh nghiệp gọi, chính quyền trả lời” và phải trả lời sớm, có trách nhiệm và chất lượng.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nêu lên tầm nhìn mới trong phát triển đối với tỉnh Nghệ An. Theo đó mục tiêu đến năm 2025 là Nghệ An phấn đấu tăng gấp đôi quy mô kinh tế, trở thành tỉnh khá giả về thu nhập; đặc biệt, cùng với Thanh Hóa, Hà Tĩnh tạo nên một cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển có tính bao trùm, bền vững của toàn vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
“Với sự cải cách, đổi mới mạnh mẽ, tương lai không xa, tôi mong muốn được nhìn thấy một kỳ tích sông Lam. Với con người, tài năng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân Nghệ An, tôi tin tưởng điều này thành hiện thực vì tinh thần Nghệ An, nơi quê hương tiếng hát át tiếng bom, nơi quê hương của Bác Hồ, không điều gì là không thể như lịch sử đã chứng minh...”- Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân nhấn mạnh, Nghệ An cần khai thác lợi thế về vị trí tiếp giáp các vùng kinh tế phía Bắc và phía Nam; làm nền tảng để thu hút vốn đầu tư, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành kinh tế có liên quan.
Bên cạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ chiếm vị trí ngày càng cao trong nền kinh tế, tỉnh cần phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp trang trại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và quản lý, coi đây là hậu phương vững mạnh để phát triển tỉnh Nghệ An bền vững, mạnh mẽ, toàn diện trong tương lai. Tỉnh cần chú ý phát triển khu Cửa khẩu Thanh Thủy tương xứng với tiềm năng và cơ hội giao thương. Trước mắt, cần sớm nâng cấp Cửa khẩu Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế và đặt mục tiêu trở thành điểm giao thương quan trọng Lào, Thái Lan, Myanmar trong thời gian gần. Tỉnh Nghệ An tiếp tục khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực kể cả hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không…; đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu hiệu quả kinh tế của đề án nâng cấp Sân bay Vinh thành sân bay quốc tế hoặc đầu tư nâng cấp các hạng mục cấu phần để thực hiện thường xuyên hơn các chuyến bay quốc tế, đưa các nhà đầu tư, du khách đến thẳng với Nghệ An, Hà Tĩnh; thúc đẩy dự án đường cao tốc để rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội tới Nghệ An còn 2,5 tiếng.
Muốn thực hiện được các mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh Nghệ An cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng; có chính sách cụ thể để thu hút vốn đầu tư vào các trường đại học, trường dạy nghề chất lượng cao trong một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí chế tạo; cần có chính sách khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước vào công cuộc phát triển kinh tế của Nghệ An.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành sớm nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp để kết nối các vùng kinh tế khu vực miền Trung, Bắc Trung bộ và Nghệ An nói riêng để huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho Nghệ An, Hà Tĩnh tăng tốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Với nhà đầu tư, Thủ tướng lưu ý, cùng với sự tạo điều kiện của chính quyền về môi trường đầu tư, kinh doanh, các doanh nghiệp cần giữ đúng cam kết, làm quyết liệt. Những dự án chậm triển khai cần có biện pháp xử lý phù hợp, không để quy hoạch treo. Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, không để phát triển kinh tế ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân. Trong quá trình kinh doanh, sản xuất, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ cho người lao động, quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An đã chứng kiến trao quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư; trao thỏa thuận hợp tác đầu tư, cung ứng tín dụng; ký kết thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Lâm Đồng. Nhân dịp này, tỉnh Nghệ An khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích về đầu tư năm 2017.
Hội nghị năm nay tiếp tục thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào Nghệ An. Tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án và ký kết 16 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 13.152 tỷ đồng. Về vốn cho các dự án đầu tư, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã trao 3 thỏa thuận cung cấp tín dụng với lượng vốn thu xếp tài trợ cho vay dự kiến là 800 tỷ đồng.
* Chiều cùng ngày, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, tưởng niệm tại Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong toàn quốc và Khu mộ 10 nữ liệt sỹ Thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 24-7-1968. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An./.
Tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - New Zealand  (10/03/2018)
Hà Nội xin ý kiến người dân về ga ngầm C9 cạnh hồ Gươm  (09/03/2018)
Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”  (09/03/2018)
CPTPP mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp và thúc đẩy cải cách trong nước  (09/03/2018)
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất từ Trung ương tới xã, phường  (09/03/2018)
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bổ nhiệm nhân sự mới  (09/03/2018)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay